R 69.
Truyện ngắn
Những Ngôi
Nhà Không Có Đàn Ông
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Tôi không biết có lời
nguyền nào gán cho khu phố của tôi không, mà những người phụ nữ tại khu phố này
đều sống đơn chiếc! Nếu không thì tại
sao tính từ đầu ngõ đến cuối dãy gần chục căn nhà liền kề nhau, trong mỗi căn
nhà đều do phụ nữ làm chủ, với lý do này hoặc lý do khác mà người đàn ông của
ngôi nhà ấy đã nhường vô điều kiện cho phụ nữ để ra đi…
Bình thường thì không gây
được sự chú ý, nhưng mùa Xuân đang đến, những ngày cuối năm sự rộn ràng đến với
mọi nơi, thì chỉ thấy toàn phụ nữ trong các ngôi nhà ấy đồng loạt chường khuôn mặt
đẹp như hoa với tất bật công việc từ nặng đến nhẹ để chuẩn bị đón chào năm mới.
Những người phụ nữ chân không yếu, tay không mềm kia xắn tay làm những việc mà
lẽ ra là của đàn ông. Vì người đàn ông của họ đã vắng trong ngôi nhà mà họ từng
hạnh phúc, còn cách nào hơn là các người đẹp phải tự gánh vác công việc một
mình.
Từ đầu xóm cô Ngọc đang
ngồi trên mái nhà moi rác trong chiếc máng xối bị tồn đọng đầy lá cây suốt mùa
mưa, rồi cô leo xuống dễ dàng với vài động tác của loài mèo. Chị Hiền nhà kế
bên thì đứng trên chiếc ghế cao sơn phết lại các cánh cửa một màu tươi mới, chị
khéo léo thao tác như đang vẻ tranh không…hình. Cô Nga kế nữa thì một mình vần
những chậu cây kiểng từ vị trí này sang vị trí khác, cánh tay cô gồng lên thì
các chậu kiểng chỉ việc chịu thua theo sự sắp xếp của cô. Chị Mai đang leo lên
chiếc thang tháo những tấm rèm cửa, vừa thay rèm vừa hát “…đồn anh đóng ven
rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa…”. Giọng hát của chị
không cần giàn âm thanh hổ trợ cũng hay ra phết khiến vài người đi ngang nhà
phải quay nhìn vào. Còn tôi thì chú ý tên chị được nhắc đến hai lần trong câu
hát, thảo nào mà chị cứ hát mãi câu ca bất hủ ấy. Không thể không nhắc đến cô
Thảo, cô đang trộn một thau hỗn hợp cát với xi măng, rồi cẩn thận trét lại
những chỗ bong vỡ trên sân, cô vừa tô hồ vừa lẩm bẩm gì đó như đọc thần chú.
Chiếc bay lướt nhẹ nhàng và hoàn tất công việc thành thạo như một thợ hồ chuyên
nghiệp. Còn vài chị nữa nhưng các chị cách xa nhà tôi quá, nên tôi không tiện
quan sát để kể tường tận về hoàn cảnh của họ. Chỉ bấy nhiêu đó thôi có thể đủ
để kết luận rằng phụ nữ xóm tôi thật giỏi, ngoài việc nhà họ còn phải làm việc
kiếm tiền để mưu sinh và họ có thể làm những việc khó cũng như dễ mà không cần
có sự giúp sức của đàn ông.
Đừng hỏi “Tại sao tài sắc
như vậy mà không có người nào cho họ cơ hội được nâng khăn, giữ bóp?”. Có đấy!
Họ đã từng có những đức ông chồng, nhưng cuộc hôn nhân không đem họ đến bến bờ
hạnh phúc, thì đành vẫy tay chào nhau.
Cô Ngọc có một ông chồng
ghen tuông vượt mức báo động. Cô làm việc ở một nhà hàng, nơi tiếp những ông khách
thường xuyên say xỉn, cô phải nghe những câu tán tỉnh của khách khi rượu đã
vào. Chồng cô biết vậy nên mỗi khi cô về nhà trễ là có ‘trò chơi” rượt đuổi, cô
thường xuyên “vút” lên mái nhà trốn. Khi hết chịu đựng nổi cô đâm đơn ly dị,
cũng là lúc cô thành thạo việc leo lên mái nhà. Giờ thì đừng hỏi tại sao máng
xối nhà cô luôn sạch sẽ!
Chị Hiền đúng thật là hiền,
chồng chị là đệ tử của Lưu Linh, nhưng không bao giờ chị ngăn cản sở thích của
chồng. Chị còn nghiên cứu nấu các món ngon cho chồng nhậu, ổng thích nhậu lúc
nào chị phục vụ lúc ấy. Chị thân cò lặn lội nuôi chồng, con. Mua quà cho con là
kèm rượu cho chồng. Riết…lá gan của ổng thọ nạn, ổng gút bai cuộc đời. Chị đau
khổ dày vò, chị cứ mua sơn ra mộ ổng sơn, không để một vết trầy, khi ổng sống
chị tốn thời gian chăm lo cho ổng thế nào, bây giờ chị cũng “chăm sóc” mộ y như
thế. Từ đó nhà cửa của chị cũng được hưởng tài “sơn” của chị. Chị cứ ước nếu chồng
chị còn sống, chị sẽ cho ổng nhậu gấp đôi, gấp ba, miễn là ổng sống trọn đời
với chị. Chị không bao giờ nghĩ ra được người vợ ngoan không có nghĩa là phải
chìu cả những thói hư tật xấu của chồng, vì như thế là hại chứ không phải là
chu toàn bổn phận. Chị không biết chính rượu đã đưa đường, dẫn lối ổng ra nghĩa
địa! Để lại đôi mắt của chị đẹp và buồn đến nao lòng, chị nói đời chị chỉ tôn
thờ một người, tình đầu là tình cuối!
Cô Nga có khuôn mặt đẹp
từng nét, dáng cô cao hơn thước bảy! Ba má cô có ý muốn cô trở thành hoa hậu
nên “đầu tư” rất kỹ. Sữa để cao giò, sữa làm trắng da, sữa thông minh cô đều
được uống, kết quả là cô phát triển cả chiều ngang nên vỡ mộng đi thi người đẹp.
Bù lại cô có một sức vóc thuộc loại vận động viên thể hình. Cô đã quen tai với
lời khen, cô không thích nghe phê bình điểm yếu của mình. Cô lấy chồng và cho
rằng người đàn ông may mắn mới lấy được cô. Còn chồng cô lại nói “Sắc đẹp không
bỏ vô nồi nấu ăn được!”, anh ta cần một người vợ biết tôn trọng chồng. Cứ thế
họ không ít lần cãi vã, có lần hai bên xáp lá cà với các chiêu cào, cấu, cắn và
chồng cô…thua trận với thân thể đầy thương tích! Anh ta cuốn gói đi theo một
phụ nữ khác có chiều ngang vừa đủ một vòng tay ôm, vừa hiền hậu nhu mì. Tiếng
dữ đồn xa, cô Nga không thể bước vào trái tim người đàn ông nào nữa, bất mãn
quá nên cô tỏ ra bất cần “Đàn ông là cái mắm gì? (Cô không biết đàn ông là…mắm
nhĩ! Các món ăn không thể ngon khi thiếu…mắm!). Còn các ông nghe thì càng tránh
xa vì thấy cô dữ quá! Cô đành ngậm ngùi sống kiếp độc thân. Giờ chỉ có mấy chậu
kiểng lãnh đủ sự lực lưỡng của cô!
Chị Mai rất là đáng thương!
Chị là thợ may, bàn tay cầm kéo của chị tạo nên vô số chiếc áo đẹp, tiền cứ
theo đó mà vào tủ của chị. Tiền ai chẳng thích, nhưng chị quên hết mọi việc
ngoài may và may nên không có thời gian chăm sóc gia đình. Chồng phê bình không
ăn thua. Nhất là mùa cận tết thì chị không còn thời gian để dành cho chồng chị
dù một cái nắm tay. Anh buồn nên hát karaoke. Hát một mình chán anh bèn đến
quán Karaoke đèn sáng, từ quán đèn sáng anh chuyển sang quán Karaoke đèn mờ!
Thế rồi một ngày giật mình nhìn lại, chị mới hay rằng anh đã đi theo một cô
biết hát đồng ca với anh. Chị hát hay, nhưng ngày ấy không chịu dành thời gian
để hát với anh. Chị hiểu ra rằng người phụ nữ hoàn hão là người phụ nữ phải
biết biến căn nhà thành mái ấm, biết chia thời gian của mình cho các công việc sao
cho hợp lý, khi hiểu được như thế thì người đàn ông của đời chị đã vắng trong
căn nhà có rèm cửa đẹp như cung tiên! Chị đã mất anh rồi, giờ đến lượt chị khi
buồn chỉ còn biết hát một mình “…nếu mai không nở, em đâu biết xuân về hay
chưa…”
Còn cô Thảo? Cô rạch ròi
công việc hẳn hoi, việc của phụ nữ thì phụ nữ làm, việc của đàn ông thì đàn ông
làm. Cô phân công từng việc, ví dụ “Kiếm tiền là đàn ông, giữ tiền là đàn bà!”,
“Mua sắm là đàn bà, chi tiền là đàn ông!”, “Sinh con là đàn bà, nuôi con là đàn
ông!”, “Việc khó là đàn ông, việc dễ là đàn bà!”, “Hờn giận là đàn bà, xin lỗi
là đàn ông!”…, thậm chí cô còn thảo ra bản hợp đồng có chữ ký của cả hai. Cứ
thế cô không bao giờ làm thay cho chồng những việc mà cô đã giao hẹn từ ngày
anh mới ngỏ lời cầu hôn. Ngày chưa cưới, cô nói gì anh cũng “yes”, cưới xong
thì lời hứa gió bay, anh thường “no”, có khi còn nhấn mạnh “no…no”. Hỏi sao cô
cam tâm cho được. Cho đến một ngày chồng cô ủ rũ nói: “Em yêu! Chúng mình phải
làm một cuộc trắc nghiệm, phải xa nhau một thời gian đã ngâm cứu lại bản hợp
đồng sống chung của chúng ta. Anh nghĩ thần kinh của anh có gì đó không ổn khi
ký kết. Em cứ ở đây, còn anh sẽ ra ngoài sống. Sự cách biệt sẽ giúp chúng ta
nhận ra mình cần nhau đến thế nào hoặc có cần nhau nữa không…”. Cô nghẹn ngào
không nói nên lời. Đã lỡ cam kết “…xin lỗi là đàn ông!” nên cô không thể làm thay
anh điều đó. Sau này nghiền ngẫm lại bản thân, cô nhận biết mình đã quá đáng vì
được yêu chìu. Những ngày vắng anh là những ngày cô ăn năn sám hối. Cô nhật
tụng “I love you! My dear...I miss you…”. Cô luôn mong một ngày nào đó anh sẽ quay
về. Cô giấu nhan sắc chim sa, cá lặn của mình vào nỗi u hoài, không màng đến
lời ong bướm bên ngoài. Cô hy vọng ngày anh trở lại sẽ thấy ở cô một đức tính
biết sống vì người khác, không giành phần hơn cho mình. Cô sẽ là người vợ biết
chia sẻ với chồng mọi việc, cô luôn tâm sự như thế…
Tôi tin câu nói của người
xưa rằng “Hồng nhan…”. Ai bảo phụ nữ xóm tôi…tài sắc vẹn toàn thế chứ! Còn tôi
hả? Tôi đang bận sửa điện nên không trả lời được! Nói ngắn thôi hả? Thì tôi
cũng ở xóm này, nên tôi không thoát khỏi thế giới cô đơn tình ơi! Tệ hơn nữa là
tôi chưa bao giờ lọt vào mắt xanh của chàng nào mới là lạ! Nếu có “lọt”, không
chừng tôi cũng rơi vào một hoàn cảnh nào đó để tiếp tục cuộc sống hẩm hiu!
Vì như đã nói, những ngôi nhà ở xóm tôi đã bị
lời nguyền không có đàn ông!
Hồ Thụy Mỹ Hạnh