Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Yêu anh ngàn năm (Truyện ngắn).

 



R 68.

 

Truyện ngắn.

Yêu anh ngàn năm

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

  Phương đứng lại bên đường,  thừ người ra hồi tưởng. Ôi! Thời yêu dấu đã xa bay rồi ư? Sao bây giờ ta lại ra nông nổi này.

 Nhớ lại câu nói của Trường, khi hai vợ chồng cãi loạn xì ngầu. Đang lúc cô vô cùng giận dỗi, mà Trường cứ như đang giỡn:

  - Là một nhà kinh doanh, tui phải tính lời, lỗ tất cả các món hàng, và dĩ nhiên hạn sử dụng cũng phải có để bảo đảm phẩm chất món hàng còn tốt. Hôn nhơn cũng không ngoại lệ. Em đừng chỉ nghĩ được phần của em…

Trường tuôn ra câu gì mà nghe không lọt tai, tức thì Phương cũng vận động “trí tuệ” để văng ra những lời không kém:

-…hàng có phẩm chất tốt hay không còn phụ thuộc vào người dám chi tiền. Với một kẻ keo kiệt thì cũng khó đem về cho mình một thứ gì tốt!

- À! Cứ cho là tui keo kiệt, nên “món hàng” trước mặt tui đây cực kỳ kém phẩm chất. Như vậy tui có nên trả lại nơi sản xuất…

Phương vò hai tay vào mớ tóc đã dựng rối như bị gió thổi, gầm gừ:

- Được! Giờ tui chẳng còn tiếc chi cái chỗ ở chẳng làm tui thoải mái này. Tui sẽ đem theo thằng Cu Tí về ở với ba má tui. Mình ly dị thôi!

- Em muốn thì cứ làm! Còn thằng Cu Tí do có từ nguyên liệu của tui, cái máy không thể nói vật sản xuất ra từ nó là của nó!                                                                                     

Cứ thế, người này vừa nói ra lập tức người kia “phang” lại. Cãi cho đến lúc Phương kết thúc bằng cách gom quần áo vào túi xách, hầm hầm ra khỏi nhà. Thằng Cu Tí bị Trường giữ chặt, anh ta còn nói với nó như trêu tức Phương:

- Má với ba đơn giản là đang giỡn con đừng sợ. Má con đang tập tuồng “Người phụ nữ xấu”, không phải thật con há. Ở nhà với ba để má đi…diễn!

Câu này thì Phương không cãi, dù tức nghẹn họng. Vì lỡ to tiếng trước mặt con là điều nên tránh, tiếc rằng nó đã xảy ra và tự ái không cho phép Phương chịu thua nên mới xảy ra khẩu chiến. Mà việc thắng, thua giữa hai người giống như ai thắng cũng nhờ hiệp phụ và quả pê nen ti may rủi đã không chìu lòng người. Phương xách giỏ ngập ngừng ở cửa chờ xem Trường có chạy ra ngăn cản không, nhưng anh ta bế con thẳng lên lầu như việc “ra đi” của vợ không có gì quan trọng. Thôi thì ta lỡ tuyên bố rồi thì đành phải lên đường, trả lại căn nhà lầu đúc ba tầng, có sân thượng trồng hoa khoe sắc, rộng thênh thang đối với hai vợ chồng mà chỉ một đứa con mà ta từng rất đỗi hài lòng. Gã ỷ kiếm ra tiền về xây nhà, nhưng nếu không có ta chăm sóc trong, ngoài thì có sạch đẹp thế không??? Vậy mà mỗi lần ta kể công thì gã sừng sộ nói lại là gã phải vật lộn trên thương trường với bao khó khăn để có tiền về lo cho gia đình!

Ra tới đường, đứng nhìn xe lên, xuống. Phương chưa biết đón xe nào để về nhà của cha mẹ cách đó gần năm chục cây số. Trước đây mỗi lần muốn về thăm nhà, Phương đều được Trường lái xe đưa về, còn mang theo quà về cho ba, má Phương nữa. Ông bà già rất vui vì thấy con gái được sống sung túc, an nhàn. Phương chạnh nghĩ “Còn bây giờ ba má sẽ thế nào khi thấy con xách gói về nhà với cái lý do không còn được yêu thương nữa?”. Đồng thời cũng chợt nhớ ra trong túi không có đồng nào “…Tiền là tiền nhiều khi không mà có, tiền là tiền nhiều lúc có như không…”. Cô bối rối, không lẽ quay về lại nhà! Đời cô sao có lúc rơi vào hoàn cảnh “bơ vơ” thế này. Không biết về đâu, cô đành phải gọi điện thoại cho một cô bạn, trình bày việc mình bỏ nhà ra đi “…huhuhu…Vy ơi! Tao không còn muốn sống nữa…bây giờ tao chưa biết đi đâu…”.

- Hãy vào quán cà phê gần nhất, ở đó đợi tao ra ngay!

Đó là quán cà phê “Tình Nhân” thơ mộng. Trước đây Trường và Phương từng hẹn hò ở đó vào những dịp cuối tuần, nhưng lâu rồi Phương không ghé đến nữa. Nàng vào quán, nhìn quan cảnh bao nhiêu năm qua nó vẫn thế. Chiếc bàn ở góc quán quen thuộc kia rồi, Phương thẩn thờ bước đến, buồn rũ rượi như một người bị tình phụ.

OOO

Vy lắng nghe hết nỗi lòng của bạn, rồi vỗ về, an ủi bằng tất cả những lời thông cảm. Cô tỏ vẻ đồng tình với Phương để làm dịu lòng bạn:

-… Ông Trường có vẻ thay đổi nhiều không như xưa mày nhỉ?

- Đúng thế! Hồi đó khi nói với tao, ổng thường mở đầu “Con thiên nga của anh!...”

- Bây giờ không gọi vậy nữa sao? À! Mà hiện giờ nhìn mày chả giống con thiên nga gì cả. Tóc thì rối, mặt mày ủ dột. Giống con…vịt xấu xí lắm!

Phương hốt hoảng:

- Thật hả? Mày có gương cho tao mượn nhìn lại xem…

Vy mở túi xách đưa chiếc gương nhỏ cho bạn. Phương tròn mắt nhìn vào:

- Trời…trời…chết…chết! Xấu thật, mày có mang theo son không, cho tao mượn…

Vy đưa cho bạn thỏi son. Phương thoa son lên môi, ngắm nghía mình vừa lẩm bẩm “Vẫn chưa được đẹp. Bê bối như vầy làm sao ổng muốn nhìn!”.

Vy nói:

-Đã chán ổng rồi thì cần gì ổng nhìn nữa. Mày nghĩ kỹ về quyết định ly dị chưa? Mọi ý nghĩ đến trong lúc tức giận đều phải được cân nhắc lại khi bình tĩnh. Mày thấy lỗi của ổng không thể bỏ qua, nhưng mày có lỗi gì với ổng không?

- Tao thì có lỗi gì? Chẳng phải mọi việc trong nhà do tao làm hết. Vậy mà khi nghe tao nói nhờ có tao, nếu không thì  cái nhà này chả đâu vào đâu. Ổng liền nói lại “Không có ổng đem tiền về thì…chẳng có cái nhà!”…

- Mày không sai, ổng cũng không sai! Thường thì lúc giận có thể cãi nhau nhưng không nên dùng những lời lẽ xúc phạm dành cho người đầu gối tay ấp của mình. Nếu  ai cũng hiểu rằng, vợ chồng tuy hai mà là một thì họ chẳng hơn thua nhau làm gì, trừ khi tình yêu đó không còn đủ sức ràng buộc hai trái tim nữa.

Phương hỏi:

- Mày với ông xã mày không bao giờ cãi nhau à?

- Gọi là tranh luận thì đúng hơn. Cũng có lúc cần nói  những gì trong lòng để hai người hiểu, thông cảm cho nhau, xoá đi hết mọi hiểu lầm. Còn khi giận nhau, nếu chờ không thấy chàng nói trước, tao sẽ lên tiếng “Anh không xin lỗi em sao? Em chờ để…xí xóa nè…”, vậy là hết hờn giận. Vì yêu ổng, tao luôn muốn hoàn thiện mình, nếu không thể là người phụ nữ hoàn hảo, thì ít nhất tao cũng phải là người vợ có những ưu điểm dưới mắt ông xã tao…

-Hồi đó, cũng ở chiếc bàn này, Trường đã nói với tao rằng. “Anh đã yêu em từ thời còn khủng long!”. Tao nói “Khủng long đã tuyệt chủng lâu rồi”. Ổng nói “…bao giờ khủng long xuất hiện lại anh mới hết yêu em!”. Miệng lưỡi của ổng hồi đó dẻo như vậy mà bây giờ ổng không nhường tao câu nào….huhuhu…

-…hahaha…còn mày cũng đâu có nhường ổng! À mà này, ổng nói bao giờ khủng long xuất hiện lại ổng mới hết yêu mày, là nói theo nghĩa bóng. Giờ khủng long đã xuất hiện rồi đó, tao thấy mày giống lắm, giờ mày có sừng, có móng vuốt sợ chết đi được!

Phương xụ mặt:

-Sao mày có thể nói như vậy? Tao vẫn nghe nhiều người khen tao đẹp…

-Thì đẹp theo nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì…như tao nói đó.

Phương im lặng, tỏ vẻ không hài lòng trước kiểu bông đùa của bạn. Cô hướng suy nghĩ về nhà, sau nửa ngày lang thang rồi, giờ chỉ muốn đặt lưng xuống chiếc giường êm ái, căn phòng có máy lạnh mát mẻ, nhạc êm dịu bên tai, hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ, đợi tới giờ đón con và Trường đi làm về. Phương chợt nhận ra cái việc bỏ nhà ra đi của mình có chút sai lầm, nếu muốn ly dị cũng cứ ở đó. Ly dị thì cũng phải rạch ròi chia tài sản đâu ra đó rồi mới đi, sao lại vội vàng như vậy. Nghĩ đến đó Phương thở dài cái thượt. Vy chẳng màng tới sự bối rối trong lòng bạn, cô nhịp chân, nhún vai theo khúc nhạc vui, thản nhiên nói:

- Thời nay các cô gái trẻ chân dài thích các ông tuổi trung niên thành đạt như ông chồng của mày lắm. Không chừng anh ta có ai rồi nên không ngăn cản việc mày ra đi…

Phương giật mình:

-…Nhưng trên pháp luật, ổng vẫn còn tao! Mày tưởng tao để yên cho ổng thích ai thì thích hả???...

- Thì mày vẫn đang muốn bỏ ổng đó thôi. Trước giờ mày cứ đòi ly dị hoài mà ổng không hưởng ứng, nay tự nhiên  ổng gật cái rụp là có gì bí mật rồi. Cơ hội tốt cho một cô gái nào đó nha. Một người đàn ông có công việc ổn định, có nhà cửa, tiền của, tướng tá mặt mũi dễ coi, ly dị ba mươi giây là có cô khác nhảy vô liền. Hông chừng giờ cũng đang có một em xinh tươi đến đó rồi vì nghe mày ra đi…À! Dạo này tao thấy ông Trường rất có phong cách, còn hơn trong tưởng tượng của tao về ổng.

Phương nhổm đứng dậy. Vy cười hỏi:

- Định đi đâu vậy? Đi đâu cũng phải có tiền, giờ trong túi mày không có đồng nào, vậy về nhà tao ở tạm vài ngày để viết đơn ly dị nhé.

 Phương khẩn khoản:

- Mày làm ơn chở tao về nhà nhanh lên.

- Về đó làm gì nữa! Về nhà tao đi, tao sẽ thảo đơn giúp mày…

Phương muốn khóc:

- Việc đó tính sau. Giờ tao muốn về nhà ngay lập tức!

Vy giấu nụ cười:

- Không sợ mất mặt hả? Bỏ nhà ra đi, rồi cũng tự vác xác về. Giải thích ra sao đây hả trời!!!

Phương cúi mặt xuống

- Mày bảo tao phải giải thích thế nào?

- Đó là chuyện của mày. Nếu là tao, không bao giờ tao làm nư cái kiểu ấy. Đàn ông hay đàn bà đều không nên tỏ sự bực tức của mình bằng cách cứ hở tí là đòi ly dị, nghe mãi nó nhàm mà còn cho thấy thiếu tôn trọng hôn nhân của mình. Nhưng đã lỡ vậy rồi, thì hãy xin lỗi và không để chuyện này tái diễn.

-…Vậy mày bảo tao phải về xin lỗi?

-Có gì xấu hổ? Xin lỗi chồng mình chứ có xin lỗi ông hàng xóm đâu. Trong một số trường hợp, xin lỗi là tỏ sự nhún nhường, biết điều chứ không hẳn do mình có lỗi. Giờ thì về mà xưng tội, phải dùng “thân mật ngữ” mà nói. Sau này trong cơn giận mày cũng đừng để mất hình tượng của mình. Nếu không còn là con thiên nga trẻ, thì là con thiên nga già, chớ có thành con vịt, dễ bị nướng chao lắm đa! Và cần ghi trong lòng điều này: Một người vợ  thông minh, tinh tế phải biết khi nào cần nói, lúc nào nên im lặng ngay cả khi nóng giận.

Phương gật đầu:

- Tại lần này tao vừa nói muốn ly dị là ổng ừ liền, tao mới tức. Theo mày thì ổng có thể đã ngoại tình à?

- Có thể! Nhưng sao mày mâu thuẫn vậy? Ổng ngoại tình mày mới dễ ly dị, sao lại tức chứ?

Phương mếu:

- Mọi lần trước ổng đều năn nỉ tao, còn lần này ổng còn thách tao nữa, chứ tao đâu muốn bỏ ổng.

- Vì quá sức chịu đựng của ổng rồi. Mày tưởng mình cứ ở thế thượng phong mãi sao?

- Chẳng phải đàn bà là có quyền đòi được nuông chìu?

-…Nhưng với người đàn bà biết điều và cũng tôn trọng chồng! Mày có thế không?

Phương gật gật, nhưng đầu óc đang để tận ở nhà và tưởng tượng Trường đang ôm ấp một “ả chân dài” nào đó. Vy nói:

- Mày hứa gì đi rồi tao đưa về. Nếu còn yêu chồng thì mày hãy để cho trái tim mách bảo phải nói gì với ổng.

- Tao sẽ nói “Em yêu anh ngàn năm! Chúng ta không bao giờ cãi nhau nữa…” được không?

Vy cười rũ rượi:

-…yêu trăm năm thôi, có sống được ngàn năm đâu mà.

Gió làm dịu lại sự bức bối trong lòng. Xe lướt chậm trên đường, Phương vòng tay qua hong Vy, áp vào tai bạn nói khẽ:

- Gặp ổng mày nói giúp là mày tình cờ gặp tao ngoài đường, và bắt tao lên xe chở về nhé…

- Tao không nói dối thế đâu! Nếu biết sai thì lần sau đừng tái phạm, đừng tự trói khó khăn vào mình nữa. Nếu còn xảy ra, tao sẽ tìm một cô trên cả tuyệt vời làm mai cho ổng, biết chưa?

- Tao biết rồi!

Đoạn đường về nhà không dài nhưng Phương thấy lâu quá. Giờ này Cu Tí đang làm gì? Lỡ Trường có việc bận ra ngoài thì ai sẽ trông con? Sao ta có thể là người thiếu trách nhiệm như thế chứ. Em sai rồi anh ơi! Em phải về để nói ngay với anh “Em yêu anh ngàn năm, à quên, trăm năm chứ…”.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

 

 


THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG ƠI! Nhạc; Hoài Duy


 

THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG ƠI!

Nhạc; Hoài Duy

Karaoke: Hồ Thụy Mỹ Hạnh

NÀNG CỦA TÔI (Truyện phiếm)

 

NÀNG CỦA TÔI

Truyện phiếm của: Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Diễn đọc: Nguyễn Đình KhánhYến Uyên

https://www.youtube.com/watch?v=6Ca8DyCBC6A

https://www.youtube.com/watch?v=6Ca8DyCBC6A&feature=youtu.be

      Hôm nay tôi giới thiệu truyện phiếm “NÀNG CỦA TÔI” của Hồ Thụy Mỹ Hạnh, qua giọng đọc của NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH (Và một giọng nữ).

Tôi không ưng ý truyện này lắm (Vì truyện viết về tâm lý gia đình, mà tôi là người độc thân, phải đặt mình vào hoàn cảnh mà không có chút kinh nghiệm gì, nhưng tôi đã viết theo chủ đề yêu cầu của một tờ đặc san. Và truyện đã đăng từ năm 1989).

Ở đây tôi muốn lưu giữ lại giọng đọc hơn là truyện. Quý vị nào tuổi trên 60 sống ở miền Nam trước 1975, đều biết các chương trình truyền hình phong phú từ phim, nhạc, kịch và tin tức của “Đài truyền hình Việt Nam số 9”. Hẳn quý vị phải biết đến NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH là xướng ngôn viên của đài, anh vừa là đạo diễn, ký giả, nhà văn! Tôi thời điểm ấy mới bắt đầu tập tễnh đi vào con đường sáng tác, nên làm sao tôi dám nghĩ người có giọng đọc rất chuyên nghiệp và xa vời vợi kia sẽ chọn và chuyển tải tác phẩm của mình. Lúc đó so với vị tiền bối này muốn nhìn tôi phải ngước cổ lên!

Vậy rồi năm 2009, trong Inbox của tôi có một E-mail lạ “khanh@vnra...”, đó chính là của NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH. Anh thông báo có sử dụng truyện vui “Cái giá của tình yêu” của Hồ Thụy Mỹ Hạnh trong chương trình đọc truyện của đài Việt Nam Úc Châu (Vietnames Radio in Australia) mà anh là Giám đốc. Anh kèm theo link truyện và mời tôi vào nghe, nhưng thời ấy không thể vào các website ở nước ngoài dễ dàng như bây giờ, nên không mở nghe được. Tôi nói cho anh biết dù vậy tôi cũng rất vui và thú vị khi biết truyện của tôi được chính anh đọc. Anh muốn tôi gởi thêm những truyện có nội dung dí dỏm để giới thiệu với thính giả của đài VNRA. Và tôi gởi cho anh “Nàng của tôi” là truyện vui duy nhất mà tôi có lúc đó. Khi phát chương trình xong thì anh phải attach file gởi cho tôi nghe, vì biết tôi không nghe trực tiếp được. Anh rất nhiệt tình và chịu khó, nhờ đó mà tôi có được truyện đọc này để lưu giữ.

Hôm nay có thời gian để xem lại để loại bớt một số file trong Computer. “Nàng của tôi” khiêm nhường trong vô số files khác ngỡ bị lãng quên. Nhưng tôi là người biết trân trọng giá trị của những kỷ niệm, nên làm sao mà quên được khi người làm và gởi nó cho tôi giờ đã…lìa xa cõi tạm rồi!

Tôi thu lại chương trình mp3 này bằng điện thoại (Vì không biết làm video) với cảm giác ngậm ngùi. Chợt nghĩ ai lìa khỏi cuộc sống này không hẳn là mất, khi họ còn có chỗ đứng trong sự quý mến của người ở lại.

Đưa giọng đọc của NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH lên đây như một sự tưởng nhớ về một vị tiền bối mà tôi rất trân trọng. Để người biết anh lại nhớ anh!

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Lời "Tặng các ông chồng..." ở đầu truyện không phải do HTMH...

(Mùa thu Dran 2020)


R 6.

Truyện vui

Nàng ca tôi

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Từ ngày tôi được lên chiếc xe huê kỳ bóng loáng có dán chữ song hỷ, chung quanh kết toàn hoa đặng đến nhà nàng làm lễ ra mắt họ hàng và được người đại diện đàng trai trân trọng tuyên bố gởi rể, thì tôi đã là người có vợ!

Vợ tôi là con gái độc nhất trong gia đình. Từ bé đến lớn vốn được nuông chìu. Thi rớt đại học bèn đòi đi học nghề, lập tức được học nghề, đòi học nữ công gia chánh (vụ này chắc do có tâm hồn ăn uống) lập tức được học nữ công gia chánh. Muốn giành hết công việc trong nhà để làm một mình, thì mọi người cũng nhường ngay, tóm lại, nàng muốn gì được nấy.

Tôi còn nhớ ngày chưa cưới nhau, đến nhà chơi, thường hay nghe mẹ nàng nói:

- Con nhỏ suốt ngày làm hết việc này đến việc khác không ngơi tay. Ở tiệm may về là tất bật việc nhà, vậy mà chẳng kêu ca gì...(Bà cố ý “ quảng cáo” để “tiếp thị” cho con gái, rằng con bà giỏi đấy mà)

 Còn mẹ tôi sau khi đến thăm nhà về, liền phát biểu:

 - Trông con nhỏ dễ thương, đẹp người đẹp nết, lại biết mần ăn. Nhà họ có một đứa con gái nên không muốn xa, họ đòi bắt rể cũng được, nhà ta đông người mà, như vậy càng tốt.

Đó là lời phán quyết nên sau khi cưới tôi đành mang thân phận ở rể và những gì hai bà mẹ nhận xét về cái sự đảm đang của nàng đã làm khổ tôi.

Hồi chưa có con, nàng còn rảnh tay nên hay kiếm chuyện, cứ soi mói đến tôi, đầu tiên là  việc mặc:

- Anh mặc bộ đồ có vẻ “lên nước” rồi đấy, thay ra cho em giặt, quần áo dơ quá chà mau rách lắm. Chưa nói ăn mặc như vậy ra ngoài người ta cười vợ anh hư, không biết quan tâm, chăm sóc chồng…

Tiếp theo là việc uống:

- Anh đừng uống rượu nhiều mà hại đến sức khỏe, mới đầu thường là uống cho vui nhưng riết thành nghiện.

Xong việc uống, nàng tiếp tục xía vào việc ăn:

- Người gầy vậy mà ăn ít làm sao khoẻ nổi cơ chứ, cố ăn thêm miếng nữa mà...(Nàng dỗ dành như tôi là trẻ con không  bằng)

Rồi đến việc ngủ nàng cũng chẳng tha, tôi ghét nhất là mỗi buổi sáng khi nghe đài phát thanh “vươn thở…” còn muốn chợp mắt nướng thêm tí nữa nhưng nàng đã lay dậy:

-Dậy tập thể dục kìa anh, muốn giữ sức khoẻ thì phải siêng tập...

Thế đấy, khốn khổ cho thân ở rể của tôi. Ngại vì có bố mẹ nàng, tôi đành nhẫn nhịn mỗi khi nàng bảo thay quần áo cho nàng giặt. Không dám uống rượu mang bản mặt hồng hào về nhà. Mỗi bữa phải ăn thêm chén cơm. Phải lỡ giấc ngủ để chạy nhảy theo lệnh nàng. Rõ thật tôi thấy mình mất đi cái quyền...quyền gì nhỉ? À! Quyền tự do (Cánh đàn ông chúng ta cần nghiên kiú đặng mà rút kinh nghiệm!)

Đến khi tôi có đứa con đầu lòng, người vui mừng nhất chắc là mẹ nàng. Bà ra sức chìu cháu.Tôi lo ngại rồi đây thằng bé lại khó bảo như là...mẹ nó! Đêm tôi thường bị thức giấc vì thằng con khóc nhè, y rằng cái giọng nhỏ nhẹ của vợ tôi:

- Ờ...ờ...nín đi cho bố ngủ...ờ...ờ mẹ thương...

Thằng bé tiếp tục khóc.nàng lại:

- Mẹ thương ờ…ờ...nín cho bố ngủ…

Chán thế đấy, đến ru con nàng cũng không nghĩ ra được câu gì khác. Thì cứ bảo nín cho ai ngủ mà chả được, việc gì cứ lôi tôi ra. Nhưng phận ở rể tôi chả thèm phê bình nàng làm gì. Một hôm mẹ nàng đi vắng, thằng bé mất người bầu bạn, tôi vừa đi làm về tới nhà, nàng đã vội kêu lên:

- Kìa bố về rồi, chơi với bố để mẹ đi nấu cơm.

Tôi hỏi lại với vẻ mặt muốn…gây sự:

- Nếu anh chưa về thì em bảo nó chơi với ai?

Nàng toe ra cười:

- Thì em chứ ai...hì...hì...

 Không đợi tôi nói tiếp, nàng vội “tếch” thẳng vào bếp. Tôi cũng đang bận đấy chứ, công ty tôi đang tập diễn văn nghệ để hội diễn nhân dịp xuân về, tất cả những người có giọng ca hay đều phải tham gia vào chương trình. Từ khi có vợ tôi đã bỏ nghề, chứ hồi còn độc thân tôi không bao giờ vắng mặt trong các buổi  trình diễn, bởi vì giọng ca của tôi cũng...“tới” lắm.

Tôi lại đang có chuyện bực mình, sáng nay khi diễn tập, anh trưởng ban văn nghệ  bảo tôi rằng:

- Bài hùng ca phải hát cho hùng hồn, sôi nổi lên, sao lại rên rĩ  như vậy...

Đúng là trăm người mười ý, tôi muốn diễn tả sao cho thật là...truyền cảm vào, lại bị phê bình. Được! Tôi sẽ tập lại và mọi người rồi đây sẽ sửng sốt vì giọng ca của tôi cho mà xem. Tôi bèn lấy cây đàn đệm lên và cất giọng:

- Trường Sa là máu của ta...Hoàng Sa là thịt của ta, đất nước ta là xương là máu ông cha để lại…

Bỗng tiếng khóc ré lên của thằng con làm cắt đứt giọng oanh vàng của tôi. Liền tù tì là tiếng guốc vội vã của vợ tôi:

- Ôi sao thế con, con bị làm sao vậy?

Tôi nhanh hơn đặt cây đàn xuống, đỡ thằng bé đang ngã sóng soài ra đất:

- À...tại con không cẩn thận chứ đâu phải tại bố, đúng không nào?...

Thằng bé thấy mẹ thì chồm sang, miệng vẫn như cái loa, vợ tôi mếu:

- Nhờ anh có tí mà chẳng được, từ sáng đến giờ em vừa trông con, vừa làm việc mà có để nó ngã đâu.

Nàng xoa lấy xoa để đầu thằng bé, có một vệt lọ quẹt ngang mũi của nàng làm tôi suýt bật cười nhưng kịp dừng lại. À! Ra là nàng muốn nói rằng tôi vô tích sự đây. Nhân lúc cả nhà đi vắng, tôi phải dạy cho nàng biết thế nào là...lễ độ!

- Em nói sao? Vậy là anh sướng lắm hẳn? Em có biết là anh đã nhường nhịn em bấy lâu nay không?

- Em làm gì quá đáng mà anh phải nhường nhịn em?

Tôi hùng hổ để tỏ uy thế, vừa sửa cao giọng:

- Ồ! Chỉ nói cái việc...lấy vợ thôi là tôi đã mất quyền tự do, tôi chậm tiến. Như sáng nay ở công ty người ta đã chê giọng hát của tôi, cô còn muốn gì nữa nào?

Thằng bé vớ được bầu sữa của mẹ thì nín khóc, còn nàng thì bắt đầu nức nở:

- Văn nghệ có phải là nghề của anh đâu, hơn nữa em có cản trở gì anh. Anh cho là anh mất quyền tự do, thế còn em thì được tự do à?

Thật sự thì tôi cũng chả có gì để mà tức giận, nhưng đã bảo nhân lúc cả nhà đi vắng, tôi muốn thử ra uy nên vung tay lên như sắp tặng nàng một...quả đấm thôi sơn! Hẳn là nàng phải khiếp vía một phen.

Nhưng ánh mắt đong đầy lệ của nàng chợt sửng sốt nhìn tôi, miệng há hốc. Có vẻ kinh ngạc hơn là kinh khiếp:

- Chẳng lẽ anh định đánh em thật à? Vậy là em biết rồi, anh bắt đầu ghét em...

Nàng gục đầu vào tóc con khóc nấc lên. Tôi bàng hoàng, chuyện gì vừa xảy ra vậy? Vẻ dịu dàng của nàng làm tôi bỗng nhớ lại cái thuở tình nguyện làm người hộ tống âm thầm cho nàng mỗi chiều tan học không dám ngỏ một lời nào. Đêm về khó ngủ tôi cứ ôm đàn nghêu ngao “Em nỡ lạnh lùng đến thế sao. Tim anh đã nát tự hôm nào...” Mãi cho đến một ngày nàng nhận ra gã si tình vẫn lẽo đẽo theo sau nàng. Trái tim tôi đã xém rời nơi trú ngụ nhảy vọt ra ngoài khi ánh mắt nàng chiếu thẳng vào tôi.

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”

Một nhà thi sĩ trứ danh đã làm sẵn mấy câu thơ kia để nói hộ tôi rồi. Hôm nay vẫn ánh mắt ấy, có thêm giọt nước mắt dỗi hờn của nàng làm tôi không còn lòng dạ nào mà ra oai nữa. Năn nỉ thì hơi...mất giá! Thật lòng thì tôi thấy vợ tôi vô cùng đáng yêu. Tôi bèn đến bên nàng, nâng mặt nàng lên, định đưa tay chùi vết lọ vẫn còn trên mũi nàng, nhưng nàng dỗi, hất tay tôi ra:

- Ai biểu anh định đánh em!

- Đâu có, anh đâu có...định.

- Ai biểu anh kêu em bằng cô!

-  Đâu có , anh đâu có...kêu.

- Ai biểu anh xưng hô với em là tôi!

- Đâu có, anh đâu có...xưng.

Và bao nhiêu là câu “Ai biểu anh…” đầy hờn dỗi mà có một quyền lực ghê gớm, khiến tôi chẳng còn lòng dạ nào mà ra oai nữa, làm sao tôi có thể in dấu bàn tay thô bạo lên má nàng, mà cho dù có tìm ra được khuyết điểm của nàng đi nữa thì với sự dịu dàng, nhân hậu kia tôi  lại phải phục tùng nàng vô điều kiện.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Báo HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH Số tháng 10.1995