Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Trăng non

 


503

Trăng non

Mảnh trăng non lười biếng

Chưa chịu về non cao

Bầu trời đêm trong vắt

Mây ẩn, trôi phương nào…

 

Mùa Xuân đang chạm ngõ

Chút lạnh ngày tàn Đông

Lời thì thầm của gió

Nhắc ai niềm nhớ mong.

 

Nắng vàng như hoa cúc

Nở rộ sân nhà ai

E - ấp từng cánh mỏng

Trong một mùa Đông phai.

 

Có phải trăng lưu luyến

Nên chưa quay về ngàn

Để hồn ta vương vấn

Muốn níu lại thời gian…

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Mười năm yêu em

Trầm Tử Thiêng

https://youtu.be/s6VYBtwrglk?si=5rx-t6BwvbOI8pLy

 

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Khi tình yêu có mặt (Truyện ngắn)

 

 

95.

Truyện ngắn

Khi tình yêu có mặt

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

(Tiếp theo truyệnNhững ngôi nhà không có đàn ông truyện “Những ngôi nhà không có đàn bà”)

 

Mưa vẫn rắc đều trên mái ngói, những tàn lá ngoài sân xào xạc. Huyền mở cửa sổ nhìn ra ngoài, và thoáng ngạc nhiên khi thấy một thằng nhỏ ngồi co ro bên ngoài bậc thềm nhà nàng. Huyền bật đèn, ánh sáng tỏa ra khiến thằng nhỏ quay người nhìn vào, Huyền chăm chăm nhìn nó hỏi: 

- Giờ này sao cháu không ở nhà, mà ngồi ở đây?

Thằng nhỏ nhổm dậy:

- Cô cho cháu trú mưa một lúc…

Huyền bước ra ngồi xuống cạnh thằng nhỏ:

- Được! Hình như cháu ở gần đây, cô thấy cháu quen quen…

- Dạ nhà cháu ở đường dưới kia…(Vừa nói thằng nhỏ vừa chỉ tay về cuối đường)

- Cô sẽ cho cháu mượn áo mưa mặc về, chứ ngồi ở đây biết chừng nào dứt mưa.

Thằng nhỏ nói:

- Cháu không muốn về nhà! Cháu chán ba cháu…

- Ba cháu đã làm gì khiến cháu chán? Rồi cháu định đi đâu?

- Cháu có mấy đứa bạn cùng chí hướng, tụi cháu sẽ họp nhau làm gian hồ hão hán. Cháu ngồi đây chờ tụi nó ra…

- Gian hồ hão hán? (Huyền cau mày nhìn thằng nhỏ chỉ cỡ mười ba, mười bốn tuổi)

Nó làm một cử chỉ khinh bạc (Nó bắt chước diễn viên trong một phim kiếm hiệp…)  

- Đúng thế! Chúng cháu sẽ diệt gian, trừ bạo!

Huyền nín cười:

-…thế thì nên gọi là “Anh hùng hão hán” mới đúng! Nhưng cháu nên nhớ, không thể mang sự bất mãn gia đình bởi một việc gì đó với đôi tay trắng đi làm anh hùng…

- Vậy thì cô nghĩ cháu phải làm thế nào?

- Trở về học tập tiếp và chờ thời cơ thực hiện “hoài bão”.

- Cháu chán học rồi.

- Tại sao?

- Ba cháu cứ chê cháu học dốt.

Huyền không hỏi về má nó vì biết dãy nhà đó không có đàn bà, vì lý do này hay lý do khác cũng như dãy nhà của nàng không có đàn ông. Nàng gật đầu rồi nói với nó:

- Thì hãy chứng minh cho ông ấy thấy chẳng những mình học giỏi mà còn rất thông minh nữa.

Mặt thằng nhỏ nghệch ra:

- Cháu không biết chứng minh bằng cách nào!

- Không làm những việc trái khuấy, biết nghe lời ba, tập trung vào bài vở và  luôn nhắc mình cố gắng học giỏi để ba phục lăn…

Thằng nhỏ chưa hề sợ những đứa du côn đồng trang lứa, ở trường bạn nào làm gì mà thấy chướng mắt là bọn nó kiếm chuyện “xử đẹp”, nó không thấy có gì sai trái vì chung quanh nó đầy dẫy việc đó. Mấy anh thanh niên còn bị đòn nhừ tử chỉ vì một cái nhìn mà đối phương gọi là “nhìn đểu”, những cảnh bạo lực ấy đầy trên mạng mà nó đã xem. Nhưng trước người phụ nữ nghiêm nghị và dịu dàng này nó tự nhiên thấy  mình không thể tỏ ra ngang ngạnh, hỗn xược như nói chuyện với “đồng bọn” của nó. Im lặng một lúc như ngẫm nghĩ dữ lắm, nó giật mình rồi trả lời khi nghe Huyền hỏi tên:

- Dạ cháu tên Nguyễn Công Danh… là cháu đời thứ bao nhiêu của ông Nguyễn Công Trứ không biết nữa! Ba nói hồi đặt tên cháu như vậy vì nghĩ đến chữ “Trứ - Danh”… 

Huyền bật cười thành tiếng:

- Quả là có lý! Vậy thì cháu hãy làm sao cho mình trở thành một nhân vật trứ danh để không thẹn mặt là cháu của ông Nguyễn Công Trứ. Giờ thì hãy về nhà nhé.

- Nếu về ba cháu lại la mà không chừng lại oánh cháu cho mà xem.

- Sao cháu không nghĩ là ba đang lo lắng vì giờ này cháu chưa về? Sao không nghĩ vì muốn cháu nên người mới la rầy cháu? Sao cháu không nghĩ ba đã vất vả kiếm tiền nuôi cháu mà còn phải…

Còn muốn đặt một số “Sao…” nữa nhưng thằng cháu của cụ Nguyễn Công Trứ nói:

- Ba đi làm suốt ngày không quan tâm tới cháu. Ở nhà cháu rất muốn có ai để nói chuyện, nhưng…

Huyền gật gù tỏ vẻ hiểu tâm trạng thằng nhỏ:

 - Nhưng dù vậy cháu vẫn may mắn hơn rất nhiều bạn khác, có những đứa trẻ suốt ngày đi lượm bịch nylon, lượm nhôm nhựa hoặc bán vé số, có đứa không được đi học, chúng nó mơ ước như cháu mà không được. Vậy nên bây giờ cháu phải chăm ngoan học hành để mai sau thành người có điều kiện mà giúp cho cuộc đời tốt hơn, như thế sẽ nghĩa khí hơn là làm “anh hùng hão hán” bây giờ. Ba cháu đã vất vả đi làm, cháu phải hiểu…

Nó im lặng, còn Huyền thì ra sức thuyết phục, giảng giải với nó mọi điều mà nàng nghĩ giúp nó hiểu về một đứa trẻ phải làm thế nào để trở thành người tốt. Mưa vẫn bay bay và thằng nhỏ co ro vì lạnh. 

Khu phố này hình thành hai dãy riêng biệt từ bao giờ không ai nhớ, chỉ biết khu phía Đông toàn đàn ông, còn khu phía Tây toàn đàn bà, dãy bên này ngại sang dãy bên kia, tuy gần mà xa nhưng không ai tin có ngày tuy xa mà gần. Riêng Huyền chưa bao giờ có ý nghĩ tới xóm đàn ông vì việc gì đó, vậy nhưng lần này nàng quyết định sang bên đó vì một nhiệm vụ “cao cả”. Nàng phải cứu một tâm hồn đau khổ đang muốn trở thành “Anh hùng hão hán” bằng cách làm bạn với thằng nhỏ và đưa nó về tận nhà. Khi Huyền ngõ ý thì thằng Công Danh riu ríu đứng lên theo nàng. Như tìm thấy điểm tựa, nó đi sát vào Huyền dưới chiếc dù nàng cầm che cho cả hai. 

Ba của Công Danh đang đứng trước hiên ngóng nhìn lên rồi nhìn xuống có vẻ sốt ruột, khi thấy con từ xa anh vội bước về phía họ:

- Con đi đâu mà không cầm điện thoại theo? Ba đi tìm con từ nãy giờ…

Huyền nhắc:

- Cháu xin lỗi ba đi.

Nó lí nhí:

- Con xin lỗi ba, tại…tại…mưa!

Lúc này người cha mới chào Huyền:

- Cám ơn cô đã đưa cháu về. Thật làm phiền cô…

- Không có gì, tôi tự nguyện mà.

- Cô cho phép tôi lấy xe đưa về…

Huyền từ chối nhưng người cha cố nài để tỏ lòng cám ơn vì nàng quan tâm tới con mình, nàng ra về sau khi để lại lời mời “Cháu có thể tới nhà cô chơi khi nào cháu thích có người để nói chuyện nhé!”. Tiếng xe máy dừng trước nhà Huyền, vài cánh cửa bên cạnh có người chồm ra nhìn về hướng ngôi nhà từ lâu không có đàn ông ấy với sự ngạc nhiên. 

Ooo

Sống một mình lâu dần cũng quen, Huyền không thấy buồn và cô đơn nữa, không riêng nàng mà cả xóm đàn bà đều nghĩ rằng thêm người vào sẽ làm xáo trộn cái trật tự vốn có của họ. Nhưng từ hôm cô Ngọc leo lên mái nhà moi rác trong máng xối, khi trở xuống vô ý bị ngã bong gân. Chị Mai trèo lên chiếc thang tháo màn cửa thế nào lại hụt chân té nhào. Chị Hiền có lẽ vì ham làm việc nên một hôm ngã bệnh vì kiệt sức, các con chị còn nhỏ nên phải nhờ tới một đám đàn bà khiêng chị đi cấp cứu và còn nhiều sự khó khăn mà các chị phải một mình đối mặt nữa! Những người đàn bà ở xóm…đàn bà bỗng mất tự tin vào khả năng chống đỡ mọi việc nặng nhọc của mình, nhưng mạnh ai nấy nghĩ, không ai nói với ai rằng “Giá mà nhà họ có một người đàn ông đỡ đần giúp họ!”

Lúc này có thằng Công Danh hay đến nhà Huyền chơi nên biết hết, nó về kể lại cho ba nó nghe những chuyện xảy ra ở xóm đàn bà, rồi cũng có lần nó kể cho chú Tám nữa. Vốn là người tốt bụng nên chú Tám lấy làm thương cảm, chú kể tiếp cho  con của chú nghe, chuyện cứ thế lan truyền đến tai những người đàn ông ở xóm…đàn ông! Họ chợt thấy mình vô tâm nếu không ra tay giúp đỡ những người đẹp kia, làm sao để xứng đáng là phái mạnh đúng nghĩa, nên ai cũng tự nhủ chờ cơ hội. Đầu tiên là chú Tám, với tư cách là người lớn tuổi lại rất đứng đắn, nên chú  dạo sang xóm đàn bà mà không e ngại gì. Chú muốn xem họ “đáng thương” đến cỡ nào, tình cờ nhầm lúc Huyền đang loay hoay leo lên ghế thay bóng điện, chú bèn nói lớn:

- Kìa cháu, xuống để chú làm giúp cho…

Huyền giật mình xém nhào xuống ghế, nàng đáp:

- Cám ơn chú, cháu làm được mà…

Chú Tám cương quyết:

- Không được! Leo xuống, để chú.

Rồi chú quay phắt đi thật nhanh, một lát sau chú trở lại với chàng Tí khôi ngô tuấn tú con trai của chú. Chú ra lệnh cho Tí:

- Con leo lên thay cái bóng điện kia, nam nhi đại trượng phu không nên để phụ nữ làm việc này.

Huyền chẳng đặng đừng phải nhường chỗ cho “đại trượng phu” Tí. Lần đầu tiên có người tận tình giúp mình nên Huyền cảm động lắm, nàng lịch sự mời hai cha con chú Tám ngồi lại uống trà, rồi cùng trao đổi câu chuyện về đời sống. Huyền là người tay ngang về xây dựng hạnh phúc gia đình vì nàng chưa lấy chồng lần nào, nên chỉ im lặng nghe chú Tám phân bày rằng ngày trước vì sợ vết thương cũ chưa lành, rước bà khác về có khi gây ra vết thương mới chồng lên, nên chú không tục huyền mà sống đời cô quạnh, đó là sai lầm của chú. Chú thấy điều nghịch lý là khi mới yêu nhau thì ai cũng nhìn vào ưa điểm của nhau, sống chung rồi thì lại chỉ nhìn khuyết điểm không chịu dung hòa nên mới xảy ra nông nỗi. Chú mong muốn mọi gia đình hãy nhìn kinh nghiệm của người đi trước để biết giữ hạnh phúc thay vì sợ giẫm lên vết chân cũ rồi… sống cô đơn ráo trọi! Quá khứ dù có xấu bao nhiêu cũng đừng mang theo nó vào tương lai, phải biết từ bỏ những thứ làm ta đau đớn, phải quên nó càng nhanh càng tốt để vui sống. Chú Tám mong muốn mọi ngôi nhà ở xóm đàn ông và xóm đàn bà đều biến thành mái ấm, đôi mắt người đàn ông lớn tuổi với tia nhìn xa xăm nhuốm buồn, rồi chú cất tiếng thở dài nghe não ruột. Chàng Tí nhìn cha, không biết nghĩ sao chàng cũng thở dài! Chàng thấy thương cha và tự nhủ…!

…thời gian thắm thoát thoi đưa! Có người ngạc nhiên, có người thì xem chuyện ai đó đi lấy chồng, lấy vợ cũng bình thường, nhưng thằng Công Danh thì khỏi phải nói, nó buồn mất mấy ngày vì hay tin cô Huyền của nó sắp về làm dâu chú Tám, vì nó cứ đinh ninh có ngày cô sẽ…về nhà nó, vì từ ngày nó “kết giao” với cô, tâm tánh nó thay đổi biết nghe lời ba nó, không đàn đúm với bạn bè quậy phá, còn học hành tiến bộ nên ba nó có lần ghé thăm cô để cám ơn vì nhờ cô khuyên nhủ nên nó mới được như vậy,  hai người chuyện trò vui vẻ, tâm đắc lắm nhưng sao bây giờ cô Huyền lại đám cưới với chú Tí? Người lớn luôn khó hiểu, khó hiểu như ngày ba má nó đang sống chung một nhà bỗng dắt nhau ra tòa,  rồi thì em gái theo mẹ, còn nó ở với với ba? 

 Trong thời gian trong xóm đang chuẩn bị lễ cưới cho Huyền, ai nấy đều hớn hở. “Xóm đàng trai” có cơ hội qua lại “xóm đàng gái” thường xuyên, nhưng không phải các anh tới nhà Huyền mà rằng thì là họ đến nhà chị nào họ mới làm quen được. Chú Tám không muốn chuyện vui chỉ riêng nhà chú, chú thu xếp cho từng đôi đưa, rước dâu. Chú cứ âm thầm làm việc mà chú cho là tốt. Ngày trọng đại của con trai chú Tám càng vui hơn khi người ta thấy má thằng Công Danh bên cạnh ba nó đi đón dâu, và chồng cô Thảo trở về cùng với cô trong đoàn đưa dâu, miệng cô luôn cười thay vì càu nhàu “đọc thần chú” như trước đây. Có lẽ sau này cô Thảo sẽ viết lại bản hợp đồng hôn nhân với chồng cô, phải thêm, bớt sao cho đẹp lòng cả hai, vì thời gian xa cách đủ cho cô nghiền ngẫm thế nào là phải, trái.  Chú Tám hài lòng lắm, chú cứ gật gù nói thầm khi nghĩ đến những cặp lòng trong như đã…“Chỉ chờ chúng nó tuyên bố yêu nhau là xong nhiệm vụ của ta”. Riêng cô Nga vẫn xinh đẹp và vẫn…dữ, nên không có anh nào bén mảng đến nhà cô, khiến cô thấy không vui khi nhìn người khác hạnh phúc, cô không tham gia lễ cưới mà còn hậm hực: “Chỉ có những kẻ ngốc mới khẳng định rằng thực sự yêu ai đó. Và chỉ có những kẻ dại khờ mới tin mình thực sự được yêu. Hừm! Lấy chồng đi, rồi sẽ sáng mắt ra nghen cưng!”. Với tánh cách đó, e rằng cô Nga còn cô đơn dài dài...

Ooo

Nơi nào tình yêu có mặt, nơi đó sẽ ấm áp. Chỉ có tình yêu mới chữa lành vết thương do tình yêu gây ra, nên tôi (Người kể chuyện) xin kết thúc câu chuyện bằng cách sáp nhập hai xóm lại, để những người cô đơn ấy tìm thấy hạnh phúc mới, còn  giữ được điều đó hay không là tùy vào việc họ biết sống vì nhau, chấp nhận sự khác biệt, vì có ai trên đời luôn hoàn hão mà không có lần mắc khuyến điểm, phải không?...

Hồ Thụy Mỹ Hạnh


   Truyện ngắn

Nhng Ngôi Nhà Không Có Đàn Ông

https://hothuymyhanh.blogspot.com/2019/08/nhung-ngoi-nha-khong-co-ong-truyen-ngan.html


Truyện ngắn

Nhng Ngôi Nhà Không Có Đàn Bà

https://hothuymyhanh.blogspot.com/2022/06/nhung-ngoi-nha-khong-co-ba-truyen-ngan.html

 

 


Đan áo mùa Xuân

Nhạc: Phạm Thế Mỹ

https://youtu.be/pTC7p3-DFu4?si=TlL6eor9OURUzo2Y

 

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Gởi mùa Xuân ấy…

 

r501.

Gởi mùa Xuân ấy…

Em sẽ gởi mùa Xuân xưa cho anh

Và bức tranh nhuộm màu năm tháng

Những hình ảnh đã nhạt nhòa nhân dáng

Ngày ấy xa rồi, dẫu có nhiều lãng quên.

 

Em sẽ gởi cho anh một cái tên

Mấy mươi năm biết anh còn nhớ?

Đường đời ta dẫu gập ghềnh, lỡ dở…

Thì kỷ niệm kia đâu có tội tình gì!

 

Nhìn về chân trời khuất bóng thiên di

Ngày anh đi, đất trời còn bỡ ngỡ

Để lại em một khung trời tan vỡ

Đến bây giờ mà vẫn tưởng là mơ…

 

Em còn gì ngoài những trang thơ

Với bốn mùa như nhau không thay đổi

Đường đời em bước bằng đôi chân mỏi

Nên cứ xa mơ ước khỏi tầm tay…

 

Em gởi cho anh mùa Xuân hôm nay

Vẫn là hoa, là trời xanh mây trắng

Có một người suy tư bên thềm vắng

Anh có nhận ra ai (Trong ký ức xa vời…)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

BÀI TÌNH CA CHO ANH







Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Những mẩu chuyện ngày cũ. (Con Chó Bi!)

 

Những mẩu chuyện ngày cũ.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

((@!@))

 

Con Chó Bi!

Năm Giáp Thìn 1964 của 60 năm trước, đó là năm gia đình tôi rời bỏ Lâm Tuyền để dọn lên Dran sinh sống. Lúc đó ba má tôi mới có 5 người con, đứa nhỏ nhất mới sinh được mấy tháng, tuổi Giáp Thìn (Nhờ dựa vào tuổi đứa em này tôi mới biết năm nhà tôi thay đổi chỗ ở, và cũng nhờ tuổi đứa em này tôi nhớ trong năm Giáp Thìn có một trận lụt lớn…) tất cả người trong gia đình không ai nhớ hoặc quan tâm làm gì về những chuyện nhỏ nhặt ngày xưa, nhưng với tôi thì lại khác, ngày còn nhỏ chưa biết gì thì tôi không có suy nghĩ, nhưng sau này lớn lên khi tôi hiểu ra những việc tôi còn nhớ trong quá khứ như thế nào rồi nghiền ngẫm thì nó trở thành nỗi ray rứt trong lòng, những điều đó lẽ ra như thoáng mây qua, thì cứ âm ỷ trong tôi. Trong đoạn hồi tưởng này tôi không kể về người, mà tôi lại muốn nhắc tới một con vật nuôi trong nhà, đó là con chó tên Bi, tôi nghe nói khi má tôi sanh chị tôi thì cũng là lúc đem con Bi về nuôi, như vậy con Bi bằng tuổi chị tôi và lớn tuổi hơn tôi. 

Con chó Bi cao lớn, có màu lông vàng óng và đẹp mã, nó có “nhiệm vụ” canh người lạ tới nhà thì cất tiếng sủa để người trong nhà biết, dù vậy tôi chưa nghe nó cắn ai hoặc làm cho ai khiếp sợ. Nó già chưa tôi không biết, nhưng chắc chắn nó là con vật trung thành. Mỗi chiều khi xe của ba tôi về còn từ rất xa ngoài ngã 3 người chưa nghe tiếng xe, thì trong nhà con Bi đã vẫy đuôi tỏ vẻ vui mừng chạy ra đầu ngõ ngóng ra hướng ba tôi đang lái xe vô. Nó đã sống trong gia đình như thế gần 10 năm! Vậy mà ngày dọn nhà đi, những vật vô tri không thể mang theo được phải bỏ lại đã đành, sao con  Bi cũng bị bỏ lại? Lúc đó chúng tôi còn nhỏ không quyết định được việc gì, mọi thứ đều theo sự sắp xếp của ba má, đáng tiếc tôi còn nhỏ nên không biết “nghĩ giùm” cho thân phận của con Bi, nó ở lại với ai trong căn nhà chủ đã dọn đi nơi khác, giữa một thôn xóm còn thưa thớt dân cư? Rồi nó sẽ ra sao trong những ngày vắng chủ? Khi chuyến xe chở toàn thể gia đình tôi rời khỏi sân, tôi thấy con Bi hộc tốc chạy theo sau, có lẽ nó cũng biết chủ đã bỏ nó lại với ngôi nhà đã khóa cửa, tiếng kêu thảm thiết như tiếng khóc của nó không dừng được bánh xe lăn nhanh, con Bi cứ chạy theo mãi cho đến cầu Dran thì dừng lại, mọi người trong nhà có vẻ chẳng ai quan tâm rằng con Bi ra sao ở đoạn đường đó.

Sau đó ít lâu Ba tôi đưa cả nhà về thăm lại nhà cũ, thấy con Bi vẫn nằm khoanh ở đầu hè, như vậy là sau khi không rượt theo xe nữa, nó đã quay lại một đoạn đường khá dài về nhà cũ, lại nằm ở đầu hè như ngày chủ của nó còn cư ngụ ở ngôi nhà, bộ dạng của nó mệt mỏi, khi thấy chúng tôi về nó không cuống quít mừng như trước nữa (Phải rồi, mừng sao được với những người đã không xem nó là “thành viên” trong nhà, và nuôi nó vì cần nó trông nhà chứ đâu dành cho nó sự thương mến nên mới “bỏ rơi” nó như thế!). Má tôi nói đã nhờ một nhà gần đó cho nó ăn!?...

 Lần sau nữa, chúng tôi lại về, con Bi gầy rạt, lông xơ xác và có một vết thương như vết chém đã khô trên sống lưng (Có thể nó đi kiếm ăn ở một nhà nào đó và bị người ta xử nó bằng một…nhát dao!?) khi đó tôi đã biết xót cho nó, nhưng cũng đành chịu không biết làm sao giúp nó, tôi không phải là người có quyền quyết định mang nó theo về nơi ở mới.

Rồi một lần nữa về lại nhà cũ, tôi không còn thấy con Bi! Hỏi thăm quanh đó cũng không ai biết, nó bị người ta bắt đi hay nó đã trút hơi tàn ở một nơi nào? Nhưng nhất định “số phận” không may của nó đã kết thúc không đáng như vậy.

Tôi chưa quên nó, con vật hiền lành đã có trong thời tuổi thơ của tôi, hình ảnh sau cùng mà tôi nhìn thấy nó với vết thương trên lưng thật tội nghiệp. Nhiều lần tôi nhớ tới con Bi, là nhớ tiếng kêu thê thiết của nó ở cầu Dran 60 năm trước như còn ám ảnh tôi với niềm ân hận. Con vật cũng có số phận bất hạnh (hoặc diễm phúc) như con người, chỉ có điều con vật thì không thể làm cho người ta hiểu được “nỗi đau” của nó…

Riêng tôi với vài dòng này khi nhắc tới nó, con chó Bi tội nghiệp của 60 năm về trước tự dưng nước mắt tôi muốn chảy, và sự xót xa này chỉ tôi là hiểu rõ…

Hồ Thụy Mỹ Hạnh




CHUYỆN MỘT ĐÊM

Nhạc: Anh Bằng

https://www.youtube.com/watch?v=0qszIPKA8Mo

 



Trong Tim Em

 

r111.

Trong Tim Em

Em không cần tìm kiếm ở đâu

Trong tim em anh vẫn luôn ở đó

Em chẳng sợ anh sẽ là cơn gió

Thoát bay đi vào hư ảo mịt mờ

 

Bởi vì anh sẽ mãi mãi là thơ

Cho thao thức từng đêm dài em viết

Cho nỗi nhớ trong tâm hồn tha thiết

Cho đắng cay để em khổ một đời

 

Chuyện của mình chỉ có thế anh ơi!

Nên em chẳng kiếm tìm anh vội vã

Anh sẽ chẳng ở một nơi nào cả

Rất âm thầm em giấu anh trong tim

 

Để những khuya cùng chiếc bóng im lìm

Em quên tiếng thở dài dù anh vắng

Anh vẫn ở bên em trong thầm lặng

Nên nghĩa gì khi mình cách xa nhau

 

Em không cần tìm kiếm anh ở đâu

Trong tim em anh vẫn luôn ở đó…

Hồ Thụy Mỹ Hạnh


TÌNH YÊU NHƯ BÓNG MÂY

Song Ngọc – Hoài Linh

              https://www.youtube.com/watch?v=MutyE-jSqM8

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

THỜI GIAN…

 


r379

THI  GIAN

Ngày xưa tôi cứ thường tự nghĩ:

“ Đến năm ba mươi tuổi hẳn là mình già lắm?”

rồi thời gian vụt qua không kịp đếm

nhẩm lại đã thấy vượt xa tuổi ấy lâu rồi

hơn bốn mươi năm vắt qua đời tôi

những sợi tóc đã bắt đầu điểm bạc

quá khứ và tương lai nhìn nhau ngơ ngác

một quá khứ chẳng yên lành

và tương lai cũng là khoảng trống thôi

hơn bốn mươi năm lặng lẽ qua rồi

đời người như chớp mắt

chớp mắt niềm vui

chớp mắt nụ cười

gian nan thì đằng đẳng

và ta trôi lẵng lặng

trong dòng sông cuộc đời…

(2005)

Hồ  Thụy Mỹ Hạnh

 

Lạnh trọn đêm mưa

Nhạc: Huỳnh anh

https://youtu.be/eykvX8pVtuE?si=NP5IBWQXeY5jyNul

 

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Trăng Khuya Lặng Lẽ

 r164

Trăng Khuya Lng L

Đêm nay trăng sáng ngập hồn tôi

Gió đùa cây lá, mây ngập trời

Không gian yên ắng mà vui thế

Chỉ riêng lặng lẽ một mình tôi.

 

Dịu dàng tiếng nhạc vẳng đâu đây

Trăng vẫn mênh  mông soi bóng gầy

Vô tình sương thấm vào vai áo.

Đêm lướt qua dần, hương thoảng bay…

 

Trăng gió và tôi...Cùng lẻ loi!...

Tôi ngắm nhìn trăng, trăng khuất rồi

Gói ánh trăng vàng rơi trên áo

Nhờ gió đêm nay gởi đến người.

Hồ Thụy  Mỹ Hạnh

*Bình Dương Chủ Nhật Số 496 Ngày 7.4.2000

 

Tình khúc buồn

Nhạc; Ngô Thụy Miên

https://youtu.be/tLUsKisZXj8?si=RmXpbTYWnBPje5GS

 

 

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Tìm trong ký ức

r74.

Tìm trong ký  c

Nửa đêm mình chợt thức

Vẳng từ đâu tiếng đàn

Âm thanh nào ray rứt

Thương nhớ mùa Thu tàn.

 

Ngồi đây bên trang giấy

Tìm lối xưa trở về

Bóng người xưa nào thấy

Trong tâm hồn não nề.

 

Nửa đêm mình chợt thức

Tiếng đàn xa vắng đưa

Ngoài trời mưa không dứt

Niềm nhớ nhung nào vừa…

 

Tiếng thời gian gõ nhịp

Trên quạnh hiu đời ta

Những gì muốn níu giữ

Lại nghìn trùng cách xa.

 

Mái hiên còn thánh thót

Tiếng mưa ngân, ngân dài

Chiếc lá nào trăn trở

Cùng tôi chờ sớm mai…

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Nửa hồn thương đau

Phạm Đình chương

https://youtu.be/2XHw9xZSv6g?si=jWbJSjkPKpjNtMe4

 

Thu Sầu

 


r45.

Thu Sầu

Em bao giờ cũng thế

Làm thơ cho mùa Thu

Để lá vàng kể lể

Trên lối đi sương mù.

 

Bây giờ người đã xa

Tiếng mưa buồn thiết tha

Lệ ai nhòa mực tím

Sầu của ai trong ta.

 

Em vẫn không trách người

Với những ngày ngoảnh mặt

Dù môi vắng nụ cười

Và mưa giăng bờ mắt.

 

Em bây giờ vẫn thế

Trong tóc dài thi nhân

Gói ghém nỗi bâng khuâng

Ước mơ xa tầm với.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Tập thơ “Mảnh Trăng Mồ Côi”  (NXB Văn hoá dân tộc 1999)

 

Hạnh phúc lang thang

Trần ngọc Sơn

https://youtu.be/B_QN7_A5Byw?si=VN3FLbSbFxaTHBsL