Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Tôi Sẽ Là Tôi Thôi… (Đủ 3 phần) Truyện ngắn



R 56.

Truyện  ngắn.

Tôi S Là Tôi Thôi…

  (Phần 1)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh


Trong đời, tôi rất sợ bất cứ cái gì  có liên quan đến…thi! Tôi cũng không hiểu tại sao người ta vô cớ lại nói là “thi cử” mà không nói là “Cử thi”, nếu gọi như vậy thì có phải là vẹn vẻ cả đôi đường cho những người như tôi! Ít ra thì tôi cũng còn có cớ mà nói rằng “Đấy! Người ta bảo cử thi có nghĩa là kiêng thi, mà đã kiêng thì còn thi làm gì cho…xúi quẩy!”. Nhưng ngôn ngữ vốn đã vậy nên tôi chả có cách nào khác để mà tránh nó, nên dù không thích, tôi cũng ngậm ngùi đối mặt với cái sự thi vài lần. Đầu tiên là thi tốt nghiệp…tiểu học! Hành trình để chuẩn bị bước vào lớp đệ thất của tôi “gian nan” không thể nào kể xiết, mẹ tôi là người đồng hành với tôi trên từng cây số đoạn trường, vì lo tôi ôn luyện quá sức mà tổn hao sức khoẻ nên bà tuyển không biết bao nhiêu là loại đậu đem về tẩm bổ cho tôi, nhân thể lấy cái hên từ chữ “đậu”. Thế là đậu đỏ, đậu nành, đậu xanh, đậu ngự tôi ăn tuốt luốt mấy chục loại đậu nên yên chí lớn chữ rớt đừng hòng còn chỗ chen vô.

Đến ngày, khu vực thi dù giám thị đi qua đi lại dòm dòm, ngó ngó tôi cũng chẳng lo gì sất. Tôi làm bài một mạch là xong, chắc ăn như một với một là ba rồi. Chưa kịp rời bàn thì từ ngoài cửa sổ phía sau lớp ai đó bắn vèo vào một tờ giấy, tôi tò mò nhặt lên vừa mới mở tờ giấy chưa kịp đọc thì tôi bị bắt quả tang! Thế là tôi bị trân trọng mời ra khỏi phòng thi và không cần phải hỏi, sau đó kết quả số phận của tôi ra sao cũng  biết rồi. Cuộc thi đầu tiên trong đời tôi bị trượt vỏ chuối. Tôi ngờ rằng trong các loại đậu mẹ cho tôi ăn có nhầm một loại là Đậu-Phải-Cành-Mềm nên tôi lộn cổ thẳng vô một trường tư thục thay vì trường công như các bạn bè của tôi. Tiếp đó tôi vẫn ba chìm bảy nổi thi với chả cử, có lẽ vì yêu mến chiếc bàn lớp cũ nên cứ hai năm tôi mới nỡ lòng từ giã nó để lên lớp trên. Mẹ tôi bực quá nói “Học dốt quá thì thôi nghỉ học ở nhà tập nấu cơm, nội trợ cho quen việc bếp núc đi, con gái học cho lắm cũng chỉ để viết thư cho…mèo thôi!”. Biết làm sao được, thực ra tôi rất muốn mình…thông minh để không phụ  lòng  cha mẹ, nhưng chữ nghĩa tại nó không chịu ở trong đầu tôi chứ nào phải tôi không cho nó ở!

Nhắc lại việc mẹ mắng tôi! Nói câu gì không nói lại nói câu “…học cho lắm cũng chỉ để viết thư cho mèo…”, nên câu này ám ảnh vào trí nhớ khiến tôi suy nghĩ mãi đến chữ “mèo”. Mèo là gì? Tất nhiên không phải là con mèo tam thể suốt ngày lười biếng nằm khoanh ngay bục cửa nhà chỉ chờ dịp để ỏng ẹo mỗi khi có ai đưa tay vuốt vào bộ lông mượt êm của nó. Tôi nghiền ngẫm và hiểu rằng mèo phải là một thứ gì đó quan trọng lắm với con người để đến nỗi có học cho nhiều vào thì (Trước hết) cũng chỉ để viết thư cho “nó” thôi.

Hết lòng khám phá điều gì người ta sẽ đạt được điều đó! Cuối cùng tôi cũng biết khi một hôm tôi nghe bác hàng xóm ngắm nghía anh con trai của mình rồi buộc miệng:

- Dạo này mày cứ hay cười mím chi một mình, tóc tai còn xức dầu dừa láng mướt. Có mèo rồi hả con?

Rồi thím láng giềng khác quở con gái:

- Tự nhiên mày chững chạc hẳn ra, một ngày mấy sắc áo. Chắc có mèo rồi chứ gì?

Và trong một đoạn vọng cổ, tôi nghe chú Văn Hường diễn tả nỗi nhớ:

-…nhớ em như tết nhớ bánh chưng, hừng đông nhớ rượu, nửa đêm nhớ mèo…

Tôi vỗ tay vào trán la lên “Tôi hiểu ra rồi!”. Như vậy “mèo” đích thị là tên gọi để chỉ một người được yêu thương, là hai người dưng khác họ như ba với má tôi. Vậy có mèo, có nghĩa là có người yêu sẽ giúp người ta biết trau chuốt nhan sắc của họ hơn và dĩ nhiên ở nhiều phương diện khác, họ cũng sẽ hoàn thiện hơn, chứ đâu có gì là xấu…

Nhưng với tôi lại khác, từ khi mẹ tôi kết thúc cuộc đời học sinh thơ mộng của tôi bằng câu “…học cho lắm cũng chỉ để viết thư cho mèo…” thời gian thấm thoát cứ đi qua mà việc ấy vẫn không xảy ra dù tôi đã đến tuổi cặp kê. Trong khi bạn bè của tôi ai cũng có một mảnh tình vắt vai để đêm nằm thao thức nhớ nhung thì tôi vẫn không lọt được vào mắt xanh của ai để mà có cơ hội…viết thư! Không phải là tôi thiếu những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với bạn khác phái, nhưng tôi không hiểu tại sao chỉ qua vài câu chuyện là họ tìm cách lảng đi, hoặc tiếp tục thì họ cũng lơ là có vẻ không nghe tôi nói. Tôi phải gây sự chú ý bằng cách cười thật to, nói thật lớn và nếu vẫn không khiến họ quay lại nhìn thì tôi sẽ tìm cách chen ngang vào câu chuyện họ đang nói với nhau, nhưng cuối cùng tôi chỉ nhận ở họ cái cau mày, lắc đầu rồi im lặng…

Nhưng phận tôi sao mà hẩm hiu được, vì tôi còn con Mận, con Đào, thằng Vui, thằng Tốt. Tụi nó là bạn học cũ của tôi, tụi nó rất có tình nghĩa. Con Mận nói:

- Tụi mình là bạn với nhau, dù lúc còn đi học mày luôn đội sổ không theo kịp tụi tao thì cũng là học cùng thầy, cùng lớp. Tụi tao không phân biệt nên rất thương mày…

Con Đào an ủi tôi:

-… mấy người kia nói mày ăn nói vô duyên. Nồi nào thì úp vung đó, bộ trên đời này không có ai vô duyên để hợp với mày? Chắc chắn có ngày sẽ gặp, chỉ là chưa đến lúc thôi. Cứ lo bò trắng răng…

Thằng Vui trấn an tôi:

- Mày yên tâm không sợ ế, sau này nếu tao không tìm được ai là người thích hợp, thì tao sẽ cưới mày…

Thằng Tốt gợi ý:

- Sách luôn cho ta những điều hay, mày nên dành thời gian đọc nhiều sách để học hỏi. Dần dà đầu óc cũng mở mang ra, mày sẽ biết cách làm sao cho mình tốt hơn khi đã tiếp xúc nhiều với kiến thức của nhân loại.

Vì tôi là người biết lắng nghe lời góp ý của người khác nên tôi thực hiện ngay theo lời các bạn thân mến của tôi. Tôi ra quày sách đầu tiên là thuê truyện chưởng về đọc ngấu nghiến mong học hỏi từ sách như lời khuyên của bạn. Tôi ráng học những câu đối thoại của các nhân vật trong đó để áp dụng khi gặp trường hợp tương tự. Rồi tôi cũng có vài đổi thay nhờ…sách! Nhưng con Mận phản đối:

- Dạo này mày dùng ngôn ngữ thấy kỳ kỳ sao ấy. Cái gì mà bổn cô nương với tại hạ rồi còn đòi điểm huyệt…

Tôi thay truyện chưởng bằng truyện trinh thám, lại ghi nhớ những điều mà tôi thấy đáng nhớ. Tôi kể lại những gì xảy ra quanh tôi;

-…tao thấy có một anh chàng mới xuất hiện, hình tung rất khả nghi không biết có phải là học trò không? Cần phải theo dõi rồi mới kết luận được. Hôm qua hắn hát bài gì đó hay lắm, tao đang điều tra xem đó là bài gì…

Con Đào lắc đầu ngao ngán khi nghe tôi nói chuyện:

-…Cứ vắn tắc là có một anh chàng mới đến thuê nhà trọ gần nhà mày, chưa biết anh ta là người thế nào, chứ phải rắc rối suy diễn làm gì rồi điều tra với lại theo dõi…

Tôi không đọc truyện trinh thám nữa mà chuyển sang truyện…ma! Lần này thì các bạn của tôi không dám bén mảng đến nhà tôi ban đêm vì tụi nó nói nghe tôi nói chuyện cứ tưởng đang lạc vào nghĩa địa. Trời ạ! Thế thì tôi sẽ là tôi thôi với những cái mà ai đó cho là nói chuyện vô duyên! Trời sinh sao để vậy, tôi có cố thành…người khác cũng không xong.

OoO

Vỹ! Tên gã con trai mới đến làm hàng xóm của tôi chồm qua hàng rào đưa cho tôi một tờ giấy, tự nhiên nói:

- Lan này! Đây là bài “Gởi gió cho mấy ngàn bay” tui chép giùm cho nè, Lan hát hay lắm nhưng sai lời tùm lum.

- Tui thích hát sai cho nó đặc biệt mà, sao có người tốt chép giùm…(Rồi tôi đưa tay đón lấy tờ giấy chứ ngu gì không nhận)

- Lan vui tính quá… (Hắn cười nhận xét trước khi quay lưng)

…thời gian thấm thoát thoi đưa, Vỹ lại chồm qua hàng rào đưa cho tôi một tờ giấy. Lần này thì không tự nhiên như lần trước:

-…ơ…ơ…Lan! Cho tui gởi cái này!

- Gì vậy? (Tôi nhướng mắt nhìn tờ giấy trên tay Vỹ)

Vỹ đưa tay gãi gãi đầu không nhìn tôi, ngập ngừng:

- Thì…thì nhận đi, chút nữa xem rồi biết.

Tôi đưa tay ra đợi:

- Thì đưa đây.

Vỹ thả tờ giấy vào tay tôi rồi quay lưng chạy nhanh vào nhà. Tôi cũng vội vàng trở vào để xem hắn viết cái gì. “…từ hôm đến đây làm hàng xóm của Lan, tui rất muốn xin làm bạn với Lan mà sợ Lan không chấp nhận. Hôm nay sau mấy đêm suy nghĩ, tui quyết định viết đôi dòng gởi đến Lan, mong Lan đừng từ chối tấm chân tình này. Tui xin thành thật nói rằng tui rất mến Lan…được làm bạn với Lan chắc là tui hãnh diện lắm…”

Tôi đứng ngớ ra mấy giây! Hổng lẽ đây là người vô duyên mà các bạn tôi quả quyết chắc chắn có ngày tôi sẽ gặp, đã xuất hiện rồi sao?...

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

(Còn tiếp phần 2)


                                 *Trẻ Magazine (Dallas-Texas)Số 939 Thứ Năm 4 tháng 6.2015 

 (((@!@))) ...

R 59.

Truyện ngắn

Tôi Sẽ Là Tôi Thôi  

(Phần 2)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

 

Tôi gặp Vỹ dọc đường (“Chàng” hàng xóm như đã nói, có lần viết thư cho tôi nhưng tôi chưa biết viết sao để hồi âm) chàng toe ra cười:

- Gưt mo nin Hao a diu…

Tôi nhìn chàng rồi ngớ ra:

- Hao cái gì ạ?

Vỹ lại cười, rồi đưa tay chải vào mớ tóc xòa trước trán (Tôi thấy chàng hay có cử chỉ này) Có vẻ lúng túng một chút chàng mới nói:

- À! Không có gì…

Vỹ dợm chân định bước, nhưng nhớ ra điều gì đó, chàng dừng lại:

-…Lan này! Đọc thư của tui rồi thấy sao?

Nhớ đến lá thư, tôi chợt…thẹn thùng, cúi mặt đáp:

- Tui…tui thấy hay!

- Không! Tui không nói về hay, dở…

- Vậy chớ hỏi cái gì?

- Tui hỏi ý Lan thế nào?

Tôi càng bối rối dữ:

- Ơ…à…à…

Chưa biết nói sao thì chân tôi tự nhiên…chạy! Rồi ‘nó” vấp phải cái gì đó té nhào, rồi ‘nó” tự đứng lên chạy tiếp. Hình như Vỹ bám sát nút sau lưng “Lan…Lan có bị sao không?”. Tôi không quay lại mà dong thẳng vào nhà. Tôi đem chuyện này kể cho lũ bạn nghe, tụi nó la lối:

- Mày dốt ơi là dốt! Anh chàng chào hỏi mày bằng tiếng Anh biết chưa? Lần này lo mà đọc sách tiếng Anh đi…

 Tôi hỏi lại cho chắc:

- Vậy là không đọc truyện chưởng, trinh thám hay truyện ma nữa sao?

Con Mận khoát tay:

-…giải tán mấy thứ sách ấy ngay!

Tao lo lắng:

- Nhưng tao có biết tiếng Anh đâu mà đọc…

Thằng Tốt nói:

- Mày yên tâm, tụi tao học được gì sẽ truyền dạy lại cho mày.

Con Đào trề môi;

- Nó học cho tới chừng nào mới đọc được sách hả trời!

Thằng Vui luôn là người gỡ rối cho tôi:

- Tụi mày đặt yêu cầu lớn quá, chỉ cần dạy cho Lan những câu thông thường như “Ai lớp diu” hoặc là “Ai lớp diu chu” là được rồi.

Con Mận trợn mắt:

- Mày nghĩ sao mà biểu nó học mấy tiếng đó? Nó đi đâu cũng nói vậy thì mày có chịu trách nhiệm không?

Thằng Tốt góp ý:

- Đầu tiên dạy cho nó chào hỏi trước…

- Không! Phải dạy các tĩnh từ về cảm xúc trước…

- Không! Các động từ cần hơn…

- Danh từ cần hơn…

Các giáo sư tương lai của tôi cãi nhau ỏm tỏi. Cuối cùng tụi nó nói “Lan cần gì, chúng ta dạy trước cái đó vậy…”. Tôi phát biểu ý kiến riêng:

- Học gì trước cũng được, miễn dễ dễ một chút.

Thằng Tốt nhún vai:

- Khó, dễ tùy người…đối diện!

Coi như tạm ổn!

OoO

Bức thư lần đầu tiên tôi nhận từ Vỹ có lẽ là bức thư…tình hay nhất! Nên tôi không thể giấu đọc một mình, nó được chuyền tay một vòng qua các bạn tôi. Sau “chuyến lưu diễn” trở về, lá thư nhàu nhèo lắm rồi, tôi phải dùng cái bàn ủi đựng than có chú gà trống oai vệ, ủi cho tờ giấy phẳng phiu lại trước khi cất nó vào bao gối. Thỉnh thoảng lấy ra đọc tôi vẫn thấy hay, chứ không như nhận xét đầy ác ý pha lẫn ganh tị của mấy bạn tôi “Anh chàng viết thư mèo dở ẹt!”. tôi không để mình bị ảnh hưởng vì những lời không khách quan ấy. Vấn đề là tôi sẽ ráng học rồi sẽ hồi âm cho Vỹ bằng… tiếng Anh để chàng đừng “lầm tưởng” là tôi không biết gì!

Nhưng đến khi các bạn vàng của tôi mang sách đến, liếc thấy các chữ “English For Today” trên bìa sách, thời học sinh tôi cũng có nó trong cặp, nhưng trời đất ơi! Bây giờ tôi chịu thua chả còn nhớ chữ gì trong đó, lật nhanh một lượt, những chữ chi chít trong sách làm tôi hoa cả mắt. Tôi bèn năn nỉ:

- Tụi mày dạy tao nói trước đi, như con nít đó, nó nói rành rồi mới đi học viết sau chắc dễ tiếp nhận hơn.

Các bạn tôi kiên nhẫn dạy theo…trình độ của tôi. Còn tôi là một người cũng rất muốn tiến bộ nhanh nên lúc nào cũng lẩm bẩm “Ây bi si đi…” lúc thì “quát do nêm…mai mên i sì Lan…” lúc thì “Hao a rờ dú…” hoặc “Then kiu. Am phai…en diu..”. Còn đang trau dồi kinh sử chưa đâu vào đâu, thì liền đó tôi lại gặp Vỹ, anh chàng nhỏ nhẽ:

- Mê ai ác diu…

Tôi sửng sốt nhìn Vỹ, lẽ nào tôi chưa kịp hồi âm thư mà hắn dám hỏi tôi “Mê ai ác dữ!”. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác bị xúc phạm, dù tôi mười sáu tuổi rồi, nhưng trong đầu tôi chưa để hình bóng một gã trai nào ngoài... có thể là hắn, thì làm sao mà mê ai chứ! Nước mắt tôi muốn chảy ra vì tức:

- Tui…tui có mê ai đâu mà ác!

Rồi không để cho Vỹ nói gì thêm, tôi bỏ đi một nước. Tôi ấm ức kể chuyện lại cho các bạn của tôi nghe. Thằng Vui cười gần té xuống ghế:

- Hắn nói “May I ask you” là muốn xin phép để hỏi mày cái gì đó, mày trả lời kiểu đó thì chắc đường ai nấy đi rồi…

Tôi giãy nảy:

- Không! Tao không muốn đường ai nấy đi!

- Vậy thì học cho đàng hoàng, để còn nâng cao mình đừng để quá thua kém người ta.

Lần này thì tôi quyết tâm và có kế hoạch của riêng mình:

- Tao sẽ cố hơn, hãy đem cho tao mượn thêm cuốn từ điển Việt-Anh để tao nghiên cứu thêm khỏi mất thời gian nhiều của tụi mày.

Lần này tôi không bù đầu, bù cổ học như trước nữa. Tôi phơi phới viết những câu tôi cần, chỉ việc tìm từng từ tôi muốn và ráp lại, đơn giản và nhanh, ví dụ như “Không dám đâu là: No dare where” hay “Đường anh anh đi, đường tôi tôi đi là: Sugar you you go, sugar me me go..”. Té ra học ngoại ngữ cũng không có chi là khó. Tôi thực hành ngay “vốn tự học” khi các bạn tôi cứ bàn bạc mãi cái chuyện…tình chưa bắt đầu của tôi với Vỹ. Chúng nó nói nếu tôi không học hành cho tốt để thành…người khác thì chỉ tiếp xúc vài lần nữa chắc Vỹ sẽ chạy mất cả dép. Thấy chúng quá coi thường, tôi bực tức la lớn:

-No table silver female what more…” (Không bàn bạc cái gì nữa…)

Cả lũ bạn tôi vừa nghe là đồng thanh há miệng:

- Ha..h..a..hả???

Các “giáo sư của tôi” còn chưa thốt nên lời (Chắc quá bất ngờ vì sự tấn tới của tôi) tôi hinh hỉnh hỏi tiếp:

- Thế nào? Có muốn biết tao đã học tới đâu không?

Cả bọn nó không trả lời mà cùng nhau cướp lấy cuốn tự điển trên tay tôi. Thằng Tốt nói:

- Lỗi là do cuốn Dictionary này, phải thu hồi tức khắc…

Tôi ôm chặt “bửu bối” của mình:

- Lấy cuốn English For Today kia đi, còn cuốn Đít sân nơ ry cho tao mượn, tao biết ơn tụi mày...

Con Đào nói:

- Biết ơn bằng cách đừng nói là tụi tao đã xúi dại mày học ngoại ngữ và cũng đừng cho ai biết tụi tao lỡ “làm thầy” mày mấy bữa nay là được.

Thế là chúng nó ngừng không truyền đạt kiến thức cho tôi nữa, chúng nói “Cho mày dốt luôn”. Tôi buồn lắm, buồn hơn vì thấy Vỹ thấp thoáng bên kia bờ rào là tôi lũi ngay vào nhà không dám cười một cái như vẫn thế, sau vụ “mê ai...” dây thần kinh mắc cỡ của tôi vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường, nên tôi chưa dám nhìn mặt Vỹ, làm sao “ai kia” hiểu được nỗi lòng của tôi! Buồn hạng nhất là sau mỗi chúa nhật về nhà khi trở ra Vỹ luôn đem theo trái cây trong vườn nhà Vỹ cho tôi, lần này thấy bịch ổi treo lủng lẳng ở bờ rào toát ra sự hấp dẫn nhưng tôi đành lấy mắt ngó không dám ra nhận. Điều khác thường ấy khiến Vỹ phải gặp tôi:

- Lan giận tui phải hông?

- Đâu có, tại…tại tui đang…

- Sao tự nhiên Lan lơ tui?

Tôi không biết nói dối, nên đành nói thật:

- Nói thiệt mí anh, tui hổng biết một tiếng Anh nào. Hồi đó tui học đâu quên đó, nên hôm bữa nghe anh hỏi tui hổng hiểu, mới về hỏi mấy bạn tui, tụi nó cười tui quá chừng, rồi quyết dạy cho tui học. Thật ra tui cũng rất muốn hoàn thiện mình, rất muốn học hỏi nhưng càng cố gắng, tui càng giống một kẻ ngốc…

Vỹ chải những ngón tay vào tóc vừa gật gù;

- Tui hiểu rồi, tui xin lỗi, vì tưởng Lan cũng học qua tiếng Anh nên tôi mới nói như là thực tập cái mình đang học cho khỏi quên, hôm nọ khi nghe Lan trả lời tui cứ tưởng Lan nói giỡn.

- Bi giờ biết tui nói thiệt anh có thấy…tui ngu hông?

Vẻ mặt nghiêm trang của Vỹ giống người ta hay nói là “ông cụ non”:

- Lan đừng bí xị như thế, biết mình dở mà cố gắng học hỏi sẽ có ngày tiến bộ như mong muốn. Chỉ sợ dở mà cứ tưởng mình giỏi thì suốt đời mới giậm chân tại chỗ.

Tôi nhoẻn miệng cười:

- Vậy tui hổng đến nổi nào ha?

- Cái nổi trội ở Lan là sự hồn nhiên và thiệt tình ít người có được. Nên tui…mến Lan ở điểm đó.

Tôi quay mặt đi:

-…sao tui hổng nghe ai nói dzậy từ nào giờ…

- Thì tui mới nói rồi đó!

Nắng chiều đi mà dường như rớt lại một chút trên má làm tôi thấy nóng ran, chưa biết nói gì thì Vỹ hỏi nhanh:

- Còn…còn cái thư sao Lan hông hồi âm cho tui? Tui đợi bắt hụt hơi luôn.

Tôi cúi mặt không dám nhìn cái mũi cao như tây, rồi cái miệng hay cười của Vỹ. (Trời ơi! Sao có người đẹp trai thế chứ). Tôi lí nhí đáp:

- Để từ từ… nhất định tui sẽ hồi âm mà.

Tôi dợm chân quay đi thì Vỹ gọi lại:

- Nè Lan, còn ổi!

Tôi chìa tay cầm lấy khi Vỹ đưa bịch ổi cho tôi. Để tỏ lòng biết ơn, tôi nói:

- Lan hứa!Nhất định ngày mốt Lan sẽ trả lời thư cho anh…

Tôi mạnh dạn nói chắc chắn như thế vì tôi vừa nghĩ đến cuốn “Những bức thư tình hay nhất thế giới” mà tôi mới mượn về. Vỹ tỏ vẻ vui:

- Thật nhé! Anh mong lắm…

Tôi gật đầu như một cam kết, rồi mới quay đi. Ủa! Hai đứa tôi đổi cách xưng hô rồi sao.Tôi nhún vai nghĩ “Ăn thua mình gan! Có gì mà phải ngán chứ…”. Dám nói thiệt mới đúng là…tôi!

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

(Còn tiếp phần 3)



*Trẻ Dallas (Texas) Số 985 Thứ Năm 21.4.2016

 


R 62.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Níu Li Thi Gian

-Tiếp theo:Tôi sẽ là tôi thôi. (Phần 3)

 

Thế là tuổi 16 của tôi qua nhanh đến độ tôi chưa kịp chuẩn bị gì để đón tuổi 17!

 365 ngày với nhiều vui buồn lẫn lộn đã thành kỷ niệm mà trong đó khúc đầu thì vui lắm, còn khúc sau thì buồn quá chừng vì tôi vừa tiễn Vỹ lên đường. Vỹ đã rời khỏi căn trọ cạnh nhà tôi để lên tỉnh tiếp tục trau dồi kinh sử với quyết tâm lấy cho được bằng tú tài đôi vì sợ rớt tú tài phải… đi trung sĩ! Bỏ tôi nhập tâm với khúc vọng cổ mùi mẫn đến nổi có lúc tôi rớt nước mắt vì cám cảnh “Điệp ơi mai mốt anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ trông…ư..chờ…”, tại sao tôi thích khúc ca ấy? Thì ai bảo tôi tên Lan kia chứ, nhưng may là Vỹ không phải tên…Điệp, nên chuyện của tôi chắc không đến nỗi phải đi về kết cuộc … có ngày tôi phải cắt đứt dây chuông!.

Khi Vỹ đi rồi, các bạn của tôi Con Đào, con Mận, thằng Tốt, thằng Vui cũng vào mùa thi cử, chẳng ai rảnh rang để đến hàn huyên với tôi nữa, bỏ tôi một mình bơ vơ như con bà Sơ với những hoài niệm, khiến tôi cứ đêm nằm thao thức hồi tưởng…

**

Chỉ có Vui dạo này tự nhiên có những hành tung rất lạ, khi đến nhà tôi nó ít đi cùng với cả bọn, chỉ đi một mình, tới thì lắm la lắm lét dòm trước ngó sau như đi…bắt trộm gà! Rồi thì lầm lì, có lúc lại chất vấn tôi:

- Hồi tối mày đi xem gánh hát “thả giàn”* với thằng Vỹ phải không? Nó có ngon thì mua vé cho mày ngồi ghế đàng hoàng xem đủ tuồng, sao cứ rủ đi “coi cọp”* như thế?”. Tưởng dân bảnh, té ra coi hát thả giàn, hút thuốc “tàn” Ruby…

Tôi khó chịu khi nghe Vui “xúc phạm” Vỹ nên nộ nó:

- Ổng đâu có thích cải lương. Tao rủ buộc lòng ổng phải đi, vô thì đứng mắc cỡ cứ che che cái mặt. Mà sao mày biết tao đi xem?...

 Vui không giấu giếm:

- “Tao theo dõi mày hẹn hò với thằng Vỹ ở đâu để…”

Tôi ngắt lời nó:

-…Mày sẽ làm gì?

- Tao…tao sẽ méc má mày!

Thế là lộ ra chân tướng của kẻ thích phá đám.Vui đúng là khắc tinh với tôi rồi, nhưng tôi dễ gì để nó bắt nạt. Tôi cất tiếng cười theo nhịp điệu:

- Ha!Ha!Ha! Tao quang minh chính đại có gì mà sợ. Tụi tao cũng gặp chỗ đông người, mày méc má tao cũng không la đâu. Thách mày mách lẻo đó.

Vui nhìn vẻ tự tin của tôi, bèn đổi giọng:

- Thật ra tao theo dõi để bảo vệ mày, nếu nó có cử chỉ sàm sỡ với mày là tao nhảy tới “phặt” liền (Nó đưa bàn tay ra chém vào không khí, vẻ mặt câng câng thật…hắc ám!)

Tôi chắp hai tay xá xá nó:

- Tao lạy mày, không có lý do gì để mày xen vào giữa hai đứa tao.

 - Có lý do đây! Tao tuyên bố, bắt đầu hôm nay tao chính thức theo đuổi mày!

Tôi rợn tóc gáy khi nghe Vui nói một câu xanh rờn như vậy, vì nó có vẻ hăm dọa hơn là nó thích tôi. Tôi cau mày nhìn sững cái mặt đầy mụn trứng cá của nó đang nghênh nghênh nhìn lại tôi đầy thách thức:

- Có phải tao đã từng nói với mày rằng “Nếu không tìm được ai phù hợp, thì tao sẽ cưới mày…”.

Tôi gắt:

- Vắt mũi chưa sạch mà cưới cưới cái gì!

- Bây giờ chưa cưới, nói cho mày biết ý định của tao thôi. (Tôi kêu trời không thấu với tuyên bố đó của Vui!)

Lúc khác Vui đến khi tôi đang chuẩn bị đến bãi chiếu bóng ngoài trời ở trước sân hội đồng xã. Đây là cơ hội gặp gỡ của các đôi nam, nữ hẹn hò chứ xem phim là phần phụ. Cũng có những người không hẹn hò với ai cả, chỉ thích hòa vào dòng người để hưởng sự náo nhiệt của đám đông.

Kỳ đà cản mũi thật đúng lúc, tôi cau có:

- Sao mày đến đây một mình? Mấy đứa kia đâu?

- Chỉ có tao dù bận rộn cũng phải dành thời gian để ghé thăm mày…

Nhưng tôi lại muốn đuổi khéo nó, nên giả vờ…ngáp:

-…ôi! Hôm nay sao buồn ngủ quá!

Vui nhìn tôi dò xét:

- Mày đang chuẩn bị ra ngoài nên mới mặc cái áo khoác này?.

Trời đất! Cái gì nó cũng biết. Khác với Vỹ, một phần vì sợ lộ sự kém hiểu biết của mình nên tôi chỉ lắng nghe Vỹ hơn là nói, nên anh không hiểu khúc tâm tình tôi cất giấu trong bộ lòng của tôi, à…tôi muốn nói tình cảm trong tim, gan, phèo, phổi của tôi Vỹ không hề biết, cả những thứ lặt vặt thường ngày của tôi anh cũng làm sao ngó thấy. Chỉ có nhóm bạn, mà hơn cả là Vui cứ soi mói từng chút những thay đổi của tôi nên biết hết. Cái đó cũng có thể gọi là nó hiểu tôi. Biết không giấu được nên tôi thú nhận:

- Ờ… vì cũng biết tụi mày mắc học thi nên má tao mới cho phép tao đi xem phim…một mình.

Vui đứng trầm ngâm một lúc không nói gì, có vẻ suy nghĩ gì đó căng thẳng lắm, rồi nó mới nói nhỏ:

-…tao kể mày nghe chuyện này, lúc nãy đi ngang con đường chỗ tối tối tự nhiên tao bỗng sợ ma, thấy có người đi phía trước tao bèn gọi “chờ đi với”, liền đó tao nghe tiếng trả lời “…chờ nè, lẹ lên! Bạn sợ ma hả? Hồi còn sống tui cũng vậy…”

Đầu óc để tận bãi chiếu bóng, tôi buộc miệng:

-…vậy là may rồi, đang sợ mà gặp được người đồng hành…(Chưa hết câu tôi giật mình ra khỏi lơ đãng) Hả? Vậy người đó không còn sống hả? Thiệt hông?...mày xạo hả?

- Tao mà xạo…(Nó đưa bàn tay ra với những ngón co quắp lại)… cho tao cùi sứt móng vầy nè. Tao đã chạy một mạch đến đây vã cả mồ hôi không thấy sao?

Tôi co chân lên ghế ngồi kiểu tránh nước lụt, bán tín bán nghi nhìn thằng Vui. Cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng khi nghĩ đến con đường tình ta đi đã bị ngăn chặn bởi cái bóng thấp thoáng mà Vui vừa kể, tôi sắp phải ngang qua đó mới đến được bãi chiếu bóng có Vỹ chờ tôi, tôi thấy anh đã đi trước một đổi rồi. Vui ơi là Vui! Mày đem chi cái sợ bất nhơn đến cho tao nghe rồi tao phải làm sao đây? Không lẽ nhờ mày hộ tống tao ra đó…(Cho lộ bí mất của tao!)

Thỉnh thoảng Vui phóng mắt nhìn qua căn nhà bên kia hàng rào dâm bụt. Lẳng lặng không nói gì, vẻ mặt buồn so, rồi bất thần nó quay ra cửa:

- Tao về cho mày đi xem phim…

- Khoan đã (Tôi tính nhờ…)…à! Thôi, mày về đi!

Cái sợ đã bắt đầu xâm nhập mất trật tự vào cơ thể khiến tôi run lên. Vui vừa đi khỏi là tôi liền đóng  cửa lại dù trong bụng bồn chồn không biết làm sao báo cho Vỹ biết là tôi đành lỡ hẹn với anh.

Chờ đợi không lâu, có lẽ Vỹ đã về lại khi không gặp tôi ở đó. Tôi thấy đèn bên nhà anh bật sáng, tôi cần phải liều lĩnh “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” sang ngay nói cho anh hiểu lý do  tôi lỡ hẹn, vì sáng mai anh sẽ rời nhà trọ để lên đường sớm…

Má tôi chưa bao giờ dễ dãi trong việc tôi gặp gỡ  với ai ngoài nhóm bạn học cũ là Đào, Mận, Tốt, Vui. Vì thế tôi phải len lén mở cửa, nhưng mới bước chân ra thềm thì nghe:

- Lan! Khuya rồi còn mở cửa đi đâu đó hả?

-…dạ…dạ…đâu có đi đâu!

Tôi lại rón rén quay vào, lòng than thầm “Thế là hết! Khuya anh đi rồi sao trời đưa lối…”. Ai làm cho tôi lỡ hẹn với Vỹ? Không phải là Vui, mà là… cái bóng thấp thoáng mà Vui nói!

**

Tôi thêu một chiếc khăn tay với hai mẫu tự V và L lồng vào nhau. Vui nhìn thấy rồi nói vu vơ “Đôi khi sự trùng hợp cũng có cái hay…”. Tôi hỏi “Trùng hợp cái gì?”. Vui trả lời “Tên tao cũng là mẫu tự V!”. Tôi lườm nó, và chợt nhận thấy bạn tôi không còn cái vẻ láu táu thường thấy. Dường như chúng tôi đã bỏ quên sự hồn nhiên ở đâu đó phía sau lưng khi tất cả tiến về phía mà người ta gọi là “Tuổi biết yêu”.

Từ ngày Vỹ rời căn trọ cạnh nhà tôi, anh chỉ gởi cho tôi một lá thư với những lời thăm hỏi bình thường, không có một lời nào nói lên sự mong mỏi gặp lại tôi. Vỹ không biết tôi vô cùng mong ngóng, cho đến khi không còn tin chú đưa thư sẽ ghé đến nhà tôi thêm lần nữa. Tôi đã đủ khôn để giấu nỗi âu sầu của tôi tận đáy lòng, nhưng Vui dường như biết, những lúc bất thình lình đến thấy tôi ngồi bó gối nơi hiên nhà nhìn sang căn trọ bên kia hàng rào giờ đã có người khác ở, Vui chỉ lẳng lặng ghé ngồi cạnh rồi cùng tôi nhìn “mây bay về đâu cuối trời…”. Lạ là nó không như trước đây mỗi lần bắt được điểm yếu của tôi là trêu chọc cho đến khi nào tôi chịu thua mới thôi. Chỉ duy nhất một lần nó gầm gừ “Tao mà gặp được thằng Vỹ thì nó biết tay tao…” rồi thôi, sau đó không bao giờ nghe nó nhắc gì đến tên Vỹ trước mặt tôi nữa. “Mối tình đầu” của tôi nếu kể ra ghi chưa hết một trang giấy là chấm hết.

Làm sao níu được thời gian dừng lại! Chúng tôi lớn lên với tình thân quấn quít, đủ cho “Nỗi sầu xẻ nửa, bước đường chia hai” khi phải tách ra vì mỗi người sẽ đi theo con đường riêng của mình. Ngày tiễn các bạn tôi lên kinh ứng thí, tôi nghĩ mãi mới “ra” một câu “Cha tụi mày, mẹ tụi mày, dòng họ tụi mày…rất mong tụi mày thi đậu. Cố lên đừng làm họ thất vọng vì học dốt như tao nhé…”. Nói chưa xong câu và nước mắt tôi chưa kịp chảy thì cả bọn cười ồ “Trời! Đang ngạc nhiên vì tưởng mày chửi tụi tao…”. Chỉ có Vui cười gượng gạo rồi nói nhỏ vào tai tôi “Giữa thời này tìm khắp nhân gian không có một người thật thà, chân chất như Lan. Vui rất quý bản chất đó, vì Lan không biết sự đến sự giả tạo…”

Mận, Đào, Tốt tự nhiên lạng qua chỗ khác để tôi đứng riêng với Vui:

- Dù đậu hay rớt Vui cũng sẽ tình nguyện nhập ngũ, đó là con đường mà Vui chọn cho mình…

Tôi hốt hoảng, phản đối:

- Không! Tao không thích mày đi lính, khổ mà nguy hiểm nữa…

Vui cười hồn nhiên:

-“Làm trai đứng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Nếu ai cũng nghĩ như Lan thì đất nước này ra sao?

Tôi lắc đầu:

- Nhưng tao không…

Vui ngắt lời tôi:

- Trước hết yêu cầu Lan đừng xưng hô mày tao nữa, tụi mình lớn rồi.

- Nhưng mình là…

-…bạn chứ gì? Nhớ là con gái không bao giờ được lớn hơn con trai.

- Nhưng tao với mày…

- Có thể thay đổi hết. Vui đã nằm vắt tay lên trán suy nghĩ nhiều lắm rồi, suy nghĩ luôn cả phần của Lan nữa. Thi xong Vui về “chúng mình” nói tiếp.

Vui xách giỏ hành lý chạy vội về phía đám bạn đang gọi để chuẩn bị lên xe, vừa quay lại vẫy tay chào. Tôi giậm chân, mếu:

- Trời ơi! Cứ chặn họng hổng cho tao nói gì hết vậy…

Bến xe vẫn rộn ràng người qua lại, xô đẩy nhau ở ô cửa bán vé. Từng chuyến xe rời khỏi bến. Tôi thấy mấy cánh tay thò ra cửa vẫy vẫy từ chuyến xe chở các bạn tôi, rồi xe chuyển bánh.

 Cũng vì những vụ Thi - Cử ngày xưa mà tôi phải ì ạch leo lên con dốc tri thức một cách vất vả, đến độ cuối cùng tôi chỉ gom đâu được một nia nhỏ chữ nghĩa mà qua mấy năm sàng qua sàng lại cũng vơi đi ít nhiều. Nếu trước đây tôi thi đâu đậu đó, học hành tấn tới thì chắc chắn bây giờ tôi cũng là người đồng hành với các bạn tôi, không phải đứng lại nhìn theo con đường thênh thang phía trước.

Bầu trời vẫn còn lấp lánh những vì sao. Ánh đèn đường vàng vọt buồn hiu dọc theo con đường. Tôi đứng tần ngần, nghe buồn ơi là buồn…

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Các gánh cải lương khi diễn gần đến phần cuối thì mở cửa thả giàn cho khán giả vào xem.

*”Coi cọp”: Những người không mua vé, đứng bên ngoài nhìn vào các khe hở để xem diễn bên trong.


*Trẻ Dallas (Texas) Số 1011. Thứ Năm 20 tháng 10. 2016 : http://baotreonline.com/niu-lai-thoi-gian/