Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Nhân Quả Thời Nay (Truyện ngắn)

R 75.

Truyện phiếm.

Nhân Quả Thời Nay

Đơn Phương Thạch Thảo

Thằng con trai tóc nhuộm vàng hoe như tây vừa vệ sinh cá nhân xong, đang định phóng xe ra đường để đi thưởng thức cà phê sáng như mọi ngày, thì bị mẹ gọi giật lại:

- Quý Nhất! Ở nhà, hạn chế ra ngoài cho mẹ.

Quý Nhất cau mày hỏi lại:

- Sao vậy hả mẹ? Con đi uống cà phê mà…

Bà mẹ lừ mắt:

- Con có biết con vi rút giống như trái chôm chôm đang lơ lửng bất cứ chỗ nào có thể. Con đừng đi vào đám đông, không bảo đảm được khoảng cách an toàn. Lỡ nó đáp vào con thì mẹ biết tính thế nào?

Thằng con trai trề môi, tỏ vẻ khinh bạc…con vi rút:

- Ối! Tưởng gì, mẹ có biết ông chủ xị của tổ chức y tế thế giới đã nói gì không? Ổng nói “Covid-19 vẫn chưa tạo thành đại dịch toàn cầu”. Nên còn khuya nó mới qua được xứ mình…

- Ý con rằng thì là con vi rút đó nó chỉ bay ở vũ háng thôi hả?

- Vũ Hán chứ không phải Vũ Háng! Nhưng cũng ông chủ xị tổ chức y tế lại nói rằng: “Các ca nhiễm mới ở Trung Quốc tiếp tục giảm và xu hướng rất đáng khích lệ”. Mẹ thấy đó, tại ổ dịch còn đang giảm thì mình việc gì phải lo. Mẹ đã yên tâm cho con đi uống cà phê chưa? Vừa uống cà phê vừa ngắm đường phố “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” mới tăng thêm hương vị mẹ ơi!

Bà mẹ gầm gừ:

- Con có biết tại sao ba, mẹ đặt tên con là Quý Nhất không? Bởi vì con là thứ quý nhất trên đời của mẹ nên phải bảo vệ con cẩn thận.

Thằng con trai đứng uốn éo như có con gì bò vào lưng áo:

-…đi mẹ, không sao đâu mà!

- Thôi được, nếu con muốn ra đường thì phải đeo khẩu trang vào giùm mẹ!

- Mẹ quên ngày hôm qua mẹ đi mua khẩu trang không nơi nào còn bán. Có vài nơi bán thì với giá cắt cổ nên mẹ không mua được. Khẩu trang đang cháy…

Bà mẹ hốt hoảng:         

- Khẩu trang làm sao mà bị cháy???

Quý Nhất giải thích:

-“Cháy” là cách gọi bây giờ, nghĩa là không còn, là hết sạch…

Bà mẹ nhíu mày:

- Hết sạch thì nói là hết sạch, nói cháy…cháy nghe sợ lắm. Thôi được, đi nhanh rồi về. Nhớ đừng ngồi gần ai. Phải giữ khoảng cách hai thước nghe không?

Cậu Quý Nhất cười xã giao với mẹ rồi lẹ làng phóng lên xe vút ra ngõ. Đường phố vẫn dập dìu người xe. Con Corona có vẻ ở phương trời xa lắm.

OOO

Chỉ một tuần sau đó, ông chủ xị tổ chức y tế lại tuyên bố: “ … Covid-19 trở thành đại dịch”! Thì lúc đó con vi rút Wuhan đã lan tràn khó đỡ. Nhiều nước đau thương không thể kể xiết vì số bệnh nhân lây nhiễm rồi không qua khỏi, không phải tăng tà tà mà tăng vút một phát lên “tầm cao mới”. Có vẻ nguyên nhân do người dân các nước đó chủ quan, không chịu nghe lời cảnh báo từ lãnh đạo của nước họ, để khi số người nhiễm bệnh tăng cao thì có một số người dân làm rùm beng đổ thừa tổng thống, đổ thừa bất cứ ai mà họ thích. Họ còn biểu tình phản đối lệnh cách ly tại nhà, họ nói làm như vậy là xâm phạm quyền tự do của họ. Cái gì họ cũng muốn, cũng đòi hỏi phải theo ý họ, họ tưởng chánh phủ là thánh có thể úm ba la một cái là xoay chuyển tình thế ngay khi con Corona bất thình lình xuất hiện khắp nơi không thông báo, không chừa già trẻ, rồi gây tang tóc, đau thương. Ở nước bị nhiễm dịch cao, nhiều người qua đời, mấy ông đứng đầu chánh phủ các nước đó đã khóc, nước mắt mấy ổng ràn rụa vì chưa có cách cứu dân, nhìn thấy mấy ổng mặt mũi bơ phờ vì lo lắng mà muốn khóc theo luôn, tội nghiệp quá thể.

Thế giới còn rúng động như thế huống chi là bà mẹ của Quý Nhất có tính cẩn thận lại lo xa. Bà nhìn đâu cũng sợ. Bà thực hiện mọi cách để phòng ngừa con Corona vô thừa nhận kia vì nó bị nơi sinh ra từ chối, nhưng nó lại nguy hiểm hơn rất nhiều cái xứ đã phát sinh ra nó:

 “Nào ta cùng rửa tay…tay…tay

Đeo Face mask rất hay…hay...hay

Và hạn chế ra đường…đường…đường

Nàng cô vít không thường…thường…thường!

Dù được biết nước của bà chưa có người chết vì cái bệnh mắc dịch này, theo thông tin hằng ngày trên báo, đài bà được biết  rất là ít lây lan, nhưng bà không cho phép mình chủ quan. Nhìn ra thế giới, nghe về số ca nhiễm tăng vọt ở nước người ta nên bà rất lo. Bà tụng kinh hằng đêm để cầu nguyện bình an cho thế giới. Nên bà rất tức giận khi thấy một số kẻ nhìn sang nước người ta mà hả hê “Cường quốc hả mày?! Lây lan hết đỡ rồi hả mày?!”, thật là độc mồm, độc miệng. Không! Bà không muốn nhìn thấy đau thương của người khác, cả nơi phát sinh ra con vi rút có hình dáng trái chôm chôm kia cũng thôi đừng có người dân vô tội nào nữa phải lìa bỏ cõi đời rất là đáng sống này.

Nhưng thằng Quý Nhất thì rất bức bối khi bị mẹ giữ trong nhà. Nó rên rỉ: “Cô rô na từ đâu em tới. Cô rô na từ đâu em tới đất này…”. Do nghe khuyến khích bớt tụ tập ở chỗ đông người nên mẹ nó tạm thời giữ kỹ nó, khiến nó đành ngăn cách với đám bạn và chấp nhận nhà ai nấy ở, vài ngày đầu chịu trận như thế. Đến một tối nọ nó dòm trước ngó sau, khi bà mẹ thiếu cảnh giác trong việc canh giữ thằng con quý tử, thì nó bèn vút ra đường với cái Smartphone í ới gọi nhau và cả đám cùng trực chỉ quán bar. Mặc kệ ai lo chống dịch, những kẻ mà người ta gọi nôm na là “Điếc không sợ súng” tin tưởng rằng  dịch sát bên hong còn chưa bị lây, huống chi hiện giờ con vái ơ rợt đang ở tận trời tây, chỉ có vài con thích lãng du khắp nơi nên đeo theo các đại gia mang về nước, rồi người ta cứ làm quá lên, chúng nó nghĩ thế.

Nhưng rồi một ngày kia, chính vài con vi rút được đu theo được một nhóm người “cao quý” nào đó về đã sinh ra chuyện. Lệnh cách ly ở nước của bà cũng ban ra trên toàn quốc. Bà là người luôn tuân thủ mọi chỉ thị ở  trên ban ra và là người có tinh thần ý thức cao, biết giữ gìn cho bản thân và cho cả cộng đồng. Để hạn chế ra ngoài, bà lẳng lặng đi ít mua gạo, mắm muối và các thứ cần dùng trong những ngày đề cao cảnh giác với con Corona, bắt đầu một cuộc phòng chống dịch tại nhà. Người dân ở nước của bà có vẻ sợ ngủm củ tỏi oan ức vì con cô rô nà hay còn gọi là cô vít mười chín gì đó nên cũng chấp hành lệnh cách ly rất ư là nghiêm chỉnh.

Ooo

Thằng Quý Nhất được tạm thời nghỉ học, đứng nhìn trời từ khung cửa sổ mà nhớ phố xá, bạn bè như chim trong lồng nhớ bầu trời xanh. Nó cắn bút làm thơ theo trường phái HaiKu để giết thời gian:

“CoronaVirus

Bên ngoài tung hoành

Ta Self- isolate

Bình yên!”

Rồi đăng lên phây bút, bạn bè nó vô khen nó có tâm hồn thi sĩ, thơ sát với thời sự. Quý Nhất thích lắm, định bụng sau này nếu không biết làm nghề gì thì nó sẽ làm…nhà thơ!

Bỗng mấy ngày nay Quý Nhất thấy ngứa ở cuống họng, thế là nó ho cả tràng, ho đỏ mặt tía tai. Hàng xóm láng giềng thấy nó ho thì sợ khiếp vía, không dám đến gần. Bà mẹ chưng chanh với đường phèn cho nó ngậm thấy ổn, chả cần thuốc thang gì. Nhưng bỗng đâu bệnh viện mới phát giác có một người bị dương tính cô vy mười chín, điều tra lịch trình di chuyển của người đó thì người đó có đến quán bar, thời điểm mà Quý Nhất cùng nhóm bạn có mặt. Như sét đánh ngang tai, bà mẹ là người hiểu rõ muốn phòng chống dịch bệnh thì không được giấu bệnh khi có triệu chứng nghi ngờ, nên bà báo ngay cho y tế địa phương. Ngay lập tức họ có mặt tại nhà nó, họ đưa nó đi xét nghiệm và cách ly tại nơi quy định để theo dõi. Còn bà mẹ cũng được yêu cầu cách ly tại nhà chờ tin con. Bà lo lắng mất ăn mất ngủ, tự trách mình đã không ngăn cản con giao du với mấy đứa chỉ thích làm…trời chứ chả biết làm gì! Mới ra nông nổi…

Dẫu cho thời gian có đứng yên lắng đọng! Thì Trời cũng không phụ lòng người hiền, thằng Quý Nhất có kết quả Negative, nó về nhà với tâm thế của một người hối lỗi vì không biết vâng lời mẹ nên giao du không lựa chọn bạn mà chơi. Câu người xưa nói “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” không bao giờ sai. Chả là bà mẹ của Quý Nhất là người đạo đức, bà luôn cầu khẩn đấng tối cao cứu nhân loại trên toàn thế giới thoát khỏi nạn Cô rô nà dữ dằn này. Và trước mắt là con trai yêu quí của bà đã thoát nạn. Khắp nơi giờ đây đang hoan hỉ khúc ca bình minh, sau những ngày u ám!

*Điều ước:

-Nhưng có một quốc gia chạy đàng trời không thoát, vì độc tài, độc ác! Vì sau khi con cô rô nà bị thế giới hợp sức đánh cho tơi bời chạy rớt cả dép mà không dám quay lại lượm, ả chả biết chạy đâu, bèn chạy thẳng về quê hương nhà ả. Nơi có họ hàng, con cháu ả đã sinh sôi nẩy nở đông đúc, ở đó ả tu thân sám hối. Còn loài người văn minh thì chả ai muốn kết giao với xứ sở có gốc gác của ả. Người ta nói “Nơi nào gieo gió thì nơi đó ắt gặt bão” thật chẳng sai.

Đơn Phương Thạch Thảo

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

Nước Mắt Mùa thu (Hồ Thụy Mỹ Hạnh is singing)

      Nước Mắt Mùa thu

                          Hồ Thụy Mỹ Hạnh is singing

                         https://www.youtube.com/watch?v=8ybXhPEXJQo&feature=youtu.be

 

Hồ Thụy Mỹ Hạnh (Trang tho Nam Úc Tuần Báo)







Báu Vật Trong Nhà (Truyện ngắn)



R 64.

  Truyện ngắn                         

Báu Vt Trong Nhà

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Ba má tôi chỉ có hai người con, là anh Tuấn và tôi!

Khi người ta có “báu vật”, họ sẽ rất khó khăn chọn lựa nơi xứng đáng để gởi gắm. Đối với ba má tôi, thì anh em tôi là báu vật. Tôi sẽ nói về anh Tuấn trước. Anh là kỹ sư trong ngành xây dựng, bao nhiêu căn nhà đẹp đã được hoàn thành dưới sự giám sát của anh. Óc thẩm mỹ và kinh nghiệm trong nghề đã giúp anh có một vị thế trong xã hội và cuộc sống tốt. Tuy nhiên anh Tuấn đã hơn bốn mươi tuổi, mà anh vẫn còn độc thân. Không phải vì anh kém tài, xấu trai hay lý do gì khác để không có ai để mắt tới. Mà phải nói rằng tình yêu luôn nối tiếp tình yêu đến với anh như phim dài tập. Cũng có sự thúc hối của ba má, nên hễ quen chị nào là lập tức anh đưa về ra mắt gia đình. Nhưng chưa có ai lọt được vào mắt xanh…của tôi! Đó là lý do để những người đẹp của anh rời khỏi nhà tôi ra về là không hẹn ngày quay lại.

Và bây giờ tôi giới thiệu một chút về tôi. Mắt tôi long lanh như mặt hồ thu. Mũi tôi thanh tú…dọc dừa. Miệng tôi cười như nụ hoa hồng e ấp. Da tôi trắng như tuyết…(Ồ! Trắng như tuyết thì ghê quá, vậy nói là trắng…thôi!) Dáng tôi thon thả, có thể mặc các trang phục làm cho các mẫu áo đẹp…đẹp hơn! Tôi không nói quá đâu. Còn nữa nè, tôi nấu các món ăn thì người nhà không ai dám chê dở! Tôi trang trí người nhà không ai dám chê xấu và tôi nêu ý kiến về điều gì đó, người nhà cũng ít khi dám phản đối! Như thế đủ cho tôi kết luận rằng tôi rất…có uy!

Tôi tiếp tục kể về những  chuyện liên quan tới anh Tuấn. Vì trong mắt của gia đình, anh Tuấn là mẫu người lý tưởng như thế, nên phải có một người tài sắc vẹn toàn mới tương xứng với anh. Tôi phải có một sự “tuyển lựa” không thể lơ mơ cho một cô gái nào đó không đủ điều kiện, may mắn trở thành chị dâu của tôi. Tôi chỉ nêu lên vài chị và lý do họ bị “out” khỏi tầm ngắm của tôi.

 Thuở lâu thật là lâu, anh Tuấn đã từng lần lượt đưa các chị về ra mắt. Lần nào ba má tôi cũng bày tiệc để…ăn mừng! Ngoài tôi ra thì còn ai khác phải vào bếp? Dĩ nhiên cô gái được anh Tuấn đưa về không thể ngồi chơi xơi nước trên phòng khách. Tôi kể về chị đầu tiên, chị nhiệt tình vào bếp phụ tôi. Nhưng như đã nói, với một người “tài giỏi” như tôi thì khó ai làm trúng ý. Vì vậy tôi cứ nhăn nhó khi chị cứ va vào tôi trong khi căn bếp rộng chỉ đủ cho mấy người cùng làm việc. Chị càng nhiệt tình thì càng lộ sự vụng về của chị, nhưng chị muốn trổ tài để lấy lòng tôi, có lẽ chị biết câu “Giặc bên Ngô không bằng mụ cô bên chồng”. Tôi có cảm giác chị “canh me” tôi, nên cứ thấy tôi chạm tay vào việc gì là lập tức chị giành lấy, cứ thế chị làm tôi vướng cẳng vướng chân đến nổi có lúc tôi làm rơi vài thứ đang cầm trong tay. Tôi đâu phải là người dễ tính nên gắt lên:

-Chị làm ơn tìm thứ khác mà làm, còn thứ gì tui đang làm chị đừng giành.

Chị cúi gầm mặt xuống, còn mắt thì nhìn ngược lên tôi:

-Chị đâu biết cái gì cần làm trong bếp này nên…

Tôi gợi ý (Một cách ác ý):

-Thì ra ngoài sân có thiếu chi việc, các chậu kiểng cần xếp gọn lại đó.

Chị có vẻ mừng rỡ khi nghe tôi “chỉ việc”:

-Được! Chị sẽ làm…

Nói rồi chị thoắt nhanh ra cửa, khi tôi nhìn ra thấy mặt chị nhễ nhại mồ hôi vì cố sức vần các chậu cây vào một góc, nhưng chả có thẩm mỹ mà còn lộn xộn. Anh Tuấn phải mất thời gian ra phụ chị xếp lại…như cũ. Nhận xét của tôi về chị:

 -Thích nhàn rỗi và  thích được người khác phục vụ, là loại người cứ giả bộ vụng về không biết làm gì, đụng vô cái gì hư cái đó để không ai bắt mình làm nữa.

Đó là lần đầu cũng là lần cuối chị có mặt ở nhà tôi.

Một thời gian sau đến chị thứ hai, rất thời trang và xinh đẹp chẳng kém…tôi. Chị này không theo tôi vào bếp, mà ngồi chễm chệ trên phòng khách nói chuyện với má tôi. Chị tự nhiên nói cười:

-Dạ thưa bác! Năm nay bác được bao nhiêu tuổi rồi ạ?

Khi nghe má tôi trả lời là gần bảy mươi tuổi, chị ồ lên:

-Vậy là “hưởng thọ” chứ không phải “hưởng dương” bác nhỉ?

Rồi chị còn tiếp tục “phỏng vấn” má tôi đủ điều. Lúc cao hứng chị còn nói “Con cần phải biết hết, để mai mốt làm người một nhà thì khỏi bỡ ngỡ…”. Tôi nhận xét:

-Nếu nhà mình cần một người có “cấp bậc” cao hơn ba má, thì rước chị ấy về!

Kết thúc, chị một đi không trở lại.

OoO                                                 

Má tôi vẫn nhắc Tuấn tìm ý trung nhân. Anh nói “Nếu lấy vợ cho cả nhà thì con sẽ thôi không nghĩ đến nữa. Để em gái con lấy chồng rồi con mới tính…”. Mãi cho đến khi có người dạm ngõ sắp rước tôi về dinh, không biết nhường ngôi nội trợ cho ai để chuẩn bị lên xe hoa. Tôi mới dễ dãi “Anh hãy lấy vợ…cho anh đi, lần này em không can thiệp vào nữa!”. Có lẽ nghe vậy Tuấn mới đưa một chị có tên Hiền Thục về ra mắt. Chị thật sự dịu dàng, nhã nhặn, lễ phép và gì nữa nhỉ? À! Có vẻ hiền thục như cái tên của chị. Má tôi thích mê tơi, nhưng chị nhỏ nhẹ đến độ khi tiếp xúc với chị, cả nhà chúng tôi đều có cảm giác mình bị lãng tai. Khi lắng nghe chị nói, chúng tôi phải tắt hết các giác quan khác để dồn nội lực vào thính giác nếu không muốn hỏi lại để biết chị vừa nói gì. Cho nên sự nhỏ nhẹ đôi khi cũng là khuyết điểm. Giữ lời hứa, tôi không chê, nhưng cũng có nhận xét “Người chi mà nói không ra hơi. Sau này ai chửi không thèm chửi lại mới là thâm!”. Tuấn không nhường nhịn tôi như những lần trước, anh sừng sộ:

-Em đừng thấy anh cưng chìu quá mà làm tới. Không ai tốt dưới mắt em là sao? Phải tu dưỡng tính tình để mai kia sống ở nhà người ta không làm họ thất vọng, hãy lo việc của em đi.

     Chưa bao giờ Tuấn la tôi như vậy. Tôi bực lắm nhưng không có lý do để cãi với anh. Rồi đám cưới của Tuấn và Hiền Thục diễn ra tưng bừng. Hiền Thục về nhà tôi biết kính trên, nhường dưới. Má tôi hả lòng hả dạ, nhưng tôi thì không. Tuấn “đề phòng” tôi, anh không bao giờ dùng “thân mật ngữ” để nói với vợ trước mặt những người trong gia đình, đặc biệt là trước tôi. Có một sự ganh tỵ không hề nhỏ trong lòng tôi vì giờ đây anh hết ưu tiên cho tôi như ngày anh chưa vợ. May cho Hiền Thục là tôi đang bận lo cho hôn lễ sắp tới của mình nên “gác” chị sang một bên. Tôi cũng biết mình được rảnh tay, không còn phải làm gì vì đã có chị thay tôi những việc trước kia là của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn không thích chị, vì xét cho cùng chị là người…xen vào tình cảm trong gia đình tôi. Một sự mặc định khó thay đổi trong suy nghĩ của tôi. Vì chuẩn bị lo việc trọng đại của tôi, nên khách đến nhà liên miên, ăn uống cũng liên miên. Chị là người sau cùng rời khỏi bếp vì mãi còn dọn rửa. Tuấn có “nóng ruột” khi thấy vợ làm việc không ngơi tay thì cũng chỉ biết đứng xớ rớ bên cạnh. Vì nếu đụng tay vào là có tôi “can thiệp”:

-Đi làm kiếm tiền đã cực rồi. Việc nội trợ không phải của đàn ông.

Có lẽ vì muốn yên nhà, yên cửa nên Tuấn không đôi co với tôi.

Những lúc Tuấn không có ở nhà, Hiền Thục làm xong việc, thì tôi thấy chị hay ra ngồi ở đó, trầm ngâm nơi chiếc ghế đá dưới lùm cây. Khó đoán được chị đang buồn hay vui. Bình thường chị chỉ mỉm cười và  rất ít nói, có lẽ chị nhường cho tôi nói. Hiền Thục không làm mếch lòng tôi, có lẽ chị sợ “Hàng không đúng phẩm chất thì sẽ bị trả về nơi sản xuất?”

Ooo

   Rồi tôi lên xe hoa!

Nhà chồng tôi cũng có hoàn cảnh xêm xêm nhà tôi. Tôi có cô em chồng tính tình khó cũng xêm xêm tôi! Và có vẻ như tôi và cô ấy xung khắc, cô ít hài lòng những việc tôi làm. Tôi tài giỏi như thế mà vẫn bị cô góp ý, sửa sai. Đôi lúc tôi cũng “xực’ lại, thì cô ấy bảo “Núi cao thì có núi cao hơn. Người cứ tự cho là mình giỏi thì khó tiến lên được…”. Nếu dám tuyên bố, tôi sẽ nói rằng “Tôi không ưa cô em chồng của tôi chút nào!”.

Mùa xuân đang đến, nhà nào cũng chuẩn bị để đón tết. Nhà chồng tôi cũng không ngoại lệ, nào là giặt giũ, sắp xếp lại mọi thứ cho sạch đẹp, rồi thì làm bánh, mứt. Tôi vận dụng trí thông minh của mình bằng cách giả…bệnh để tránh việc. Vậy là tôi nhường hẳn việc cho cô em chồng một cách hợp lý. Tôi nhàn rỗi nằm trong phòng…nghe nhạc! Nhưng ba má, anh chị tôi nghe tôi bệnh thì không yên lòng, Hiền Thục được cử đi thăm tôi. Vượt mấy trăm cây số và nhiều quà cáp đem theo để biếu nhà chồng tôi. Khi gặp chị, tôi không giấu “mưu” của mình, trong lúc này còn ai tốt hơn Hiền Thục để tôi kể sự căm ghét của mình về cô em chồng:

-…Em sẽ không sống cho kẻ khác, khi những điều mình đã cố hết sức vẫn không được họ…khen!

Hiền Thục nắm tay tôi:

-Em à! Là phụ nữ đã có gia đình, đôi lúc không được sống cho mình mà phải hy sinh vài điều, cả việc không được tự do làm theo ý mình.Vì sống chung nên không thể làm theo ý riêng. Để có sự vui vẻ, trước khi làm gì hãy chịu khó hỏi để có sự đồng lòng của mọi người. Hỏi ý trước cho thấy rằng mình biết tôn trọng ý thích của họ nữa. Biết tôn trọng người khác cũng là cách gây được sự cảm mến. Nhìn mặt em chồng của em, chị thấy cô ấy cũng có nét dễ thương, dễ gần đó…

-Nhưng nếu em hiền cô ấy sẽ bắt nạt!  

-Đừng nghĩ như vậy! Em hãy sống thật lòng, thật tốt rồi cô ấy sẽ hiểu ra rằng em đã bỏ cha mẹ để đến làm con của gia đình họ, phải gánh vác, chu toàn những gì mà bổn phận một người con dâu phải làm. Làm sao có thể hiểu nhau khi cứ khép chặt lòng mình hả em. Mọi loài đều khó sống được nếu dội nước sôi vào nó. Em hãy cho cô ấy cái nhìn thiện cảm, thì em sẽ thấy cô ấy không đáng ghét đến như vậy.

Tôi ngượng ngùng không dám nhìn thẳng Hiền Thục. Có phải chị đang truyền lại cách cư xử của chị khi mới về nhà tôi. Tôi đã từng đối xử không tốt với chị, giờ tôi cũng trong hoàn cảnh chị, mới cảm thông:

-Hồi chị mới về nhà em, em cũng có làm điều không tốt với chị. Chị có giận em không?

-Có một chút buồn, nhưng chị không giận. Chị chỉ nghĩ chúng ta chưa có cơ hội để hiểu nhau nên…

-Cám ơn chị!              

Lần đầu tiên từ ngày Hiền Thục về làm dâu nhà tôi, tôi cảm thấy quý chị thật sự, từ tình cảm đó, tôi nắm bàn tay chị thật chặt, yêu mến như với chị ruột của mình. Chị mới thật là “báu vật” của nhà tôi, giờ đây chị mới là người cần thiết trong gia đình chứ không phải là tôi. Tạo hóa đã không phí công để tạo nên một “tuyệt tác” là chị đó Hiền Thục. Giờ thì tôi không còn ngạc nhiên sao anh Tuấn yêu quí chị nhiều như vậy. Dù đã hiểu ra chuyện, nhưng tôi không thể…hết bệnh ngay được, nên tôi phải tiếp tục…mệt! Hiền Thục nán lại một ngày. Một ngày với sự vui vẻ của cô em chồng tôi khi họ cùng nhau làm việc gì đó ở bếp. Tôi nghe cô ấy luôn miệng khen “Chị giỏi quá…Chị khéo quá!”. Còn Hiền Thục thì: “…em còn khéo hơn. Chị làm được như thế là nhờ chị dâu em truyền cho đó…”. Tôi không “truyền” gì cho chị cả, chị đang nói tốt cho tôi thôi, vì ngày chị mới về, tôi còn không đủ thời gian để…ghét chị mà. Cô em chồng tôi nói “Công nhận chị dâu em giỏi, nhưng chị ấy kiêu ngạo quá nên em không thích…”. Tôi đã hiểu tại sao hai người ấy có vẻ tâm đồng ý hợp. Tôi tự vấn “Có phải mình đã sai?...”. Tôi đứng tần ngần trước gương, “người” trong gương mỉm cười nhìn tôi. Nếu tôi cau có thì nó sẽ “đáp trả’ tôi y vậy! Trong gian bếp vẫn tiếng của cô em chồng tôi nói cười rộn rã. Không nghĩ gì thêm, tôi bước vội ra ngoài:

-Dường như mùa Xuân đến từ chỗ này?

Hiền Thục thấy tôi thì vội hỏi:

-Sao em không nằm nghỉ thêm cho…mau khỏe?

-Em đỡ nhiều rồi, phải ra học hỏi cô em làm!...

Cô em chồng tôi ngạc nhiên:           

-Chị mà cần học hỏi người khác ư?

Tôi tạo một cử chỉ thật tự nhiên:

-Có chứ, thời gian qua chị đã cố tình tỏ ra mình giỏi cho “ai kia” tức mình mà trổ tài. Hôm nay thì mắc mưu chị rồi nhé…

Người đời thường ghét sự nịnh nọt, nhưng lời khen thì ai cũng thích. Cô em chồng tôi “rớt” ngay bộ mặt “hình sự”. Nụ cười của em sao mà xinh thế:

-Mau khỏe để em giao lại cái giỏi cho chị. Chị bệnh mấy ngày mà em mệt chết đi được…

-Ôi thôi, thế thì tui…bệnh lại đây!   

Cô em chồng đẩy tôi vào một chiếc ghế:

-Đừng hòng thoát! Có bao nhiêu tài mau bỏ hết ra…

 Chúng tôi vật nhau ra mà giỡn. Tiếng của mẹ chồng tôi “Chỉ có ba cô con gái mà nhà tôi giống hội chợ thế!”. Cô em chồng gọi ‘Mẹ có muốn…tham gia với chúng con không?”

Mùa Xuân đầu tiên xa nhà! Tôi biết mình sẽ không cô đơn. Khi ta yêu mến một nơi nào, nơi đó sẽ thành thân thuộc. Khi ta mở rộng cánh cửa tâm hồn, tình yêu thương cũng tràn vào xua đi những  u ám, tối tăm của những gì trước đó.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh


Phương trời chim bay

r435.

Phương tri chim bay

Tình yêu em không níu được bờ kia

Không làm cho đại dương mênh mông hẹp lại

Nên  giữa chúng ta mãi hoài xa ngái

Anh ở một nơi và em một nơi.

 

Sao tình yêu như vết bỏng trong đời

Hạnh phúc cũng rất xa tầm với

Ngày vội qua, hoàng hôn đời đã tới

Người vẫn còn xa tít tắp phương nào.

 

Ta chờ nhau mộng ước cũng hư hao

Một cuộc đời đã dần qua, ngắn lại

Anh với em vẫn còn xa nhau mãi

Giấc mơ nào cũng buồn quá trong em…

 

Em lặng thầm nghe tiếng vọng của đêm

Không thể chia cho anh niềm riêng được

Em bây giờ buông tay niềm mơ ước

Để chân trời chim xoãi cánh bay xa…

(14g Thứ Hai 10.2.2014)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

 



 Nước Mắt Mùa thu

Phạm Duy

  https://www.youtube.com/watch?v=8ybXhPEXJQo&feature=youtu.be

 

Xa Nhau Lần Nữa…



r434.

Xa Nhau Ln Na…

Anh về rồi anh lại đi

Giọt mưa nào đọng trên mi âm thầm

Trả người về với xa xăm

Trả thương yêu cũ xa tầm tay nhau

Mây bay thì biết về đâu

Vầng trăng năm ấy vương sầu tháng năm

Nỗi niềm chôn giấu, lặng câm

Trong tim em vẫn âm thầm xót xa

Ngày xưa ấy đã rất xa

Nhắc làm chi chuyện đã qua trong đời

Ngày nào còn thắm môi cười

Ta không trao được cuộc đời cho nhau

Đã như giấc mộng tàn mau

Ngày về anh tặng nỗi sầu cho em

Làm sao như chẳng hề quen!

Để niềm cảm xúc đừng len vào hồn

Anh về khi bóng hoàng hôn

Đã nghiêng trên những lối buồn đời em…

(Đơn Dương 14.5.2013)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Tình chết theo mùa Đông

Lam Phương

https://youtu.be/fPUuvKr1KmI?si=gaUACnCGOslnUR7B