Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Một Ngày Là Nỗi Niềm (Truyện ngắn)


  R 1.

Truyện ngắn

Một Ngày Là Nỗi Niềm

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Lẻn ra được hành lang, tôi đứng nép mình trong bóng tối, giàn Tigon lòa xòa trên tóc. Cách một bức  tường, trong kia tiếng cười nói vọng ra nghe rõ ràng, hình như họ bắt đầu khiêu vũ. Tôi thở dài, một cái gì nghèn nghẹn nơi cổ, dù nguyên nhân chẳng đáng gì, song tự nhiên làm tôi muốn khóc.

Tôi vào Sài Gòn và tình cờ đúng ngay sinh nhật của Kiều Ngọc, có mặt hôm nay là những người có một cuộc sống dư thừa vật chất, câu chuyện mà họ nói với nhau là chuyện thi cử, chuyện vui chơi trong một mùa hè đã qua và chuyện quần áo thời trang .

Tôi cảm thấy lạc lõng giữa những người sang trọng kia và chiếc áo dài lụa tím của tôi càng trở nên chìm lĩm bên những sắc màu rực rỡ. Tôi biết trách ai ? Hai mươi tuổi đời, cái tuổi mơ mộng nhất của ai đó nhưng với tôi thật là buồn chán, Một gia cảnh nghèo khó, một bầy em đông, đứa lớn phải nghỉ học để nhường cho đứa nhỏ học, tôi phải ra đời trước những bạn bè trang lứa của tôi và mọi thứ đối với tôi chỉ là niềm ước mơ. Tôi chưa bao giờ có khái niệm gì về một ngày vui như thế này, tôi không xem sinh nhật là một ngày vui của tôi dù rằng đến cái ngày ấy vài người bạn thân của tôi luôn nhớ, họ mang đến những cánh thiệp với những lời chúc bay bổng tặng tôi.

Và tôi cũng không muốn có mặt ở  những nơi sang trọng như thế này để khi trở về với mặc cảm bị nhân lên nhiều lần. Đã  vậy mà vừa rồi tôi còn không tránh được một vết roi vào tim khi Kiều Ngọc giới thiệu tôi với bạn bè của cô:

-Đây là Hạ, bạn thân của Ngọc. Ở xa đấy, một nơi có khí hậu trái ngược với xứ nóng của chúng ta...

Có tiếng hỏi:

-Đà Lạt?

Tôi chất phát trả lời:

-Không phải Đà Lạt, chỉ gần đó thôi.

Một cô gái trạc tuổi tôi, rất duyên dáng và cũng rất sôi nổi trong bữa tiệc, bĩu môi:

-Thì cứ cho là Đà Lạt đi, chứ nói mấy chỗ quê quê ai mà biết được.

Tôi nóng bừng hai má, chưa biết trả lời làm sao thì Kiều Ngọc đã đỡ lời:

- Đúng là cách Đà Lạt mấy chục cây số, nhưng điều ấy không nói lên điều gì cả Phi Oanh ạ! Ngọc chỉ quan tâm đến tính cách của con người ở đó hơn là những hình thức phụ thuộc...( Quay sang các bạn, cô đề nghị) bây giờ chúng ta hãy làm một chương trình “văn nghệ bỏ túi” để ngày sinh của Ngọc có điều đáng nhớ.

Những tiếng vỗ tay hưởng ứng, liền đó Phi Oanh đứng lên:

-Oanh xin hát bài  Beautiful  Sunday để cuộc đời của Ngọc luôn là những ngày như thế.

Một người ôm đàn đến bên Oanh, tiếng hát cô vút cao, sôi nổi cùng với dáng dấp trẻ trung trong chiếc  robe màu đỏ thẩm, cổ và tay đeo những đồ trang sức lấp lánh, mái tóc ngắn ôm tròn khuôn mặt xinh xắn, cô nhún nhảy theo điệu nhạc. Tôi hỏi nhỏ Kiều Ngọc:

- Nàng ở đâu vậy?

- Ở thành phố này, con gái của một giám đốc. Phi Oanh “kết” anh Khoa đang đàn đó,  nhưng chưa biết đi đến đâu.

- Trông họ xứng đôi lắm.

- Nhìn thì đúng là một cặp đẹp đôi nhưng tiếc rằng Phi Oanh có tính kiêu ngạo và khoe khoang, còn Khoa lại giản dị, hòa đồng nên anh ấy không phù hợp với tính tình của Oanh. Tụi mình luôn “tán” vào mà chưa được...

- Khoa làm gì?

- Tốt nghiệp đại học, đang làm việc cho một công ty, rất yêu thơ, thích nhạc, “chịu” không mình làm  mai cho?

Tôi phì cười:

- Ngọc tưởng Hạ là ai vậy? Đủ điều kiện để so sánh với một người  tài sắc vẹn toàn như Oanh ư?

Ngọc nheo mắt:

- Nếu loại bỏ những thứ gọi là vật chất bên ngoài, chỉ nói về lĩnh vực tâm hồn thì Hạ hơn hẳn. Ngọc tự tin nói vậy là vì Khoa đã biết tên Hạ qua những bài thơ đăng báo. Ngọc còn cho Khoa xem hình của Hạ nữa, anh chàng có vẻ chú ý lắm, giờ lại gặp Hạ ở đây.

Tôi cười buồn:

-Gặp Hạ ở đây! Một con người mà không thể là niềm mong đợi của ai cả…

Oanh đã chấm dứt bài hát, không khí rộn lên vì tràng pháo tay. Khoa quay đến chỗ tôi ngồi:

- Hạ hát nhé, bản gì để anh dạo trước?

Tôi hơi bất ngờ khi nghe Khoa hỏi nên lúng túng:

- Ồ! Hạ không quen hát ở đám đông, sợ “bể dĩa” lắm…

Ngọc khuyến khích:

- Trước lạ sau quen, sợ gì chứ?

- Hát đi, anh sẽ đệm lướt qua nếu Hạ bị vấp.

Sợ làm mất thời gian vì chờ đợi, tôi do dự đứng lên và tiếng hát tôi hòa vào tiếng đàn của Khoa “Chiều buồn len lén tâm tư, mơ hồ nghe lá thu mưa, dạt dào tựa những âm xưa, thiết tha ngân lên lời xưa...”. Buông những nốt đàn rời rạc sau cùng, Khoa nói:

- Hạ hát buồn quá!

Phi Oanh đã dời chỗ đến bên Ngọc, nên khi vừa quay lại tôi nghe cô nói:

- Thời buổi này mà hát mấy thứ nhạc xưa rích ấy buồn ngủ thí mồ, ta phải “chơi” nhạc trẻ...

Ngọc tiếp lời Oanh:

-…Chẳng hạn như Beautiful Sunday?

Oanh không đáp, quay lại nhìn tôi:

-Hạ mặc áo dài tím trông như một thôn nữ.

Biết Oanh có ý chê tôi quê mùa, nhưng tôi thản nhiên như không hiểu ý nàng:

- Cám ơn lời khen của Oanh.

- Hạ đang học đại học nào? (Cô chuyển đề tài đột ngột)

- Mình đã nghỉ học rồi.

- Cỡ tuổi tụi mình chưa làm được gì, nên nghỉ học ở nhà chỉ ăn bám gia đình thôi.

Ngọc lại xen vào:

-Thế những người còn đi học như bọn mình thì không ăn bám gia đình sao?

- Nhưng tương lai là một sự rạng rỡ sẽ bù lại...

- Chưa chắc đâu, trong điều kiện của gia đình cho phép, thì Oanh được nghĩ như vậy, chứ Ngọc thì cho rằng còn đi học là điều may mắn của mình, nhưng rạng rỡ hay không lại là chuyện của sau này.

Tôi có cảm giác Oanh có ý công kích tôi ngay từ đầu, lẽ nào sự giản dị của tôi lại làm cho cô khó chịu? Tôi lặng im nghe hai người đấu khẩu, ngầm công nhận là Oanh khá bảo thủ và kiêu ngạo trong từng lập luận. Cuối cùng thì Oanh cũng rút lui về chỗ của mình.

Khoa đang hát, anh đứng tựa vào cửa sổ nhìn nghiêng ra ngoài, mái tóc bồng rũ xuống vầng trán rộng, ánh mắt anh thăm thẳm tia nhìn sâu lắng. Không khí trầm xuống, Tôi nghe tâm hồn mình chìm vào tiếng hát “...thấy hối tiếc nhiều thuyền đã xa bờ đường về không lối, đường trần thôi đã về chiều mà lòng nhớ còn nhiều, đập gương xưa tìm bóng, nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay anh rồi đi...”

Tôi buộc miệng:

-Khoa hát buồn quá (Vô tình tôi lập lại câu Khoa nói với tôi)

Hình như ngoài trời có cơn mưa nhỏ, trời chợt lạnh. Một số người đề nghị dọn bàn ghế sang một bên để lấy chỗ khiêu vũ. Trong lúc mọi người loay hoay khiên dọn là lúc Phi  Oanh có dịp đứng gần tôi:

- Chắc Hạ không thích môn này?

- Hạ không nhảy được nhưng cũng thích nhìn người khác...

- Nghệ thuật này đòi hỏi những người tân tiến, người ở thôn quê mà nhảy chắc giống nhảy lò cò?

 Cảm thấy có một chút khó chịu khi nghe Oanh nói, tôi cười khẩy đáp lại:

- Điều chủ yếu là làm thế nào cho hợp với hoàn cảnh, chứ thôn quê hay thị thành mà để nó trở thành sự phô trương hay đua đòi quá đáng thì đều lố bịch như nhau...

Tôi quay đi không để cho Phi Oanh kịp “đáp lễ”, Kiều Ngọc hỏi:

- Người đẹp nói gì thế?

Tôi thở hắt ra như trút một gánh nặng:

- Nàng lại xỏ xiên mình, không hiểu sao Oanh lại có thái độ ấy. Kỳ thật, mình có làm gì phật ý nàng đâu.

-Hạ không biết đâu, nàng ghét ai nói chuyện với Khoa trên bất cứ cương vị nào.

- Vô lý người đó lại là Hạ? Đối với Phi Oanh thì Hạ có là cái gì đâu, một người tầm thường, quê mùa.

- Đừng nói như vậy, Hạ không nhìn thấy Hạ đâu, phải nói rằng Hạ rất dễ thương và nghệ sĩ nữa! Ngọc là con gái mà còn…“động lòng” nữa là.

O0O

Tiếng nhạc ầm ỷ bên tai, tôi gục đầu xuống đôi tay khoanh tròn trên balcon. Dĩ nhiên tôi biết rõ thân phận của mình hơn ai hết và vì thế tôi nhận chịu sự thua kém một cách âm thầm trước thực tế này.

- Sao mọi người đang vui vẻ trong kia, lại có người đứng đây buồn bã thế này?

Tôi giật mình  ngẩng lên, bất giác cau mày. Sao Khoa lại ra đây, lẽ nào cuộc vui đó cũng không phù hợp với anh? Tôi hỏi lại:

- Ai đứng một mình cũng vì buồn sao?

- Điều này  đúng với cô bé, vì từ lúc ra đây anh đã nhận thấy như thế, mà sao Hạ lại bỏ đi?

Tôi chạnh nghĩ đến Phi Oanh. Và cảm thấy một chút buồn len vào tâm hồn:

-Hạ ra đây vì bầu trời đêm nay đẹp quá mà mọi người bỏ quên, còn anh?

-Anh không thích khiêu vũ, hơn nữa cũng muốn ngắm...sao! Chẳng ngờ gặp Hạ ở đây.

Tôi mỉm cười vì câu trả lời của Khoa:

- Vậy anh có giành riêng một khoảng trời cho anh không?

 - Không cần đâu, mình  ngắm chung cũng được vậy. Thế nào, cô bé đã tìm cho mình một ý thơ chưa?

- Ồ! không có đâu...

- Thơ của Hạ thường có âm hưởng buồn, có thể nói là quá buồn, đó có phải là tâm sự của Hạ?

Tôi quay lại nhìn anh:

- Anh đã đọc  nhiều thơ của Hạ rồi sao?

- Nguyên tập thơ Hạ chép cho Kiều Ngọc và một số bài trên báo, về một mối tình?...

- Văn chương không phải  lúc nào cũng là sự thật, thơ cũng phải có đề tài, nên cũng có những đề tài...tưởng tượng!

Khoa bật cười:

- Cô bé bào chữa khéo thật.

Khoa bật lửa mồi một điếu thuốc:

 - Hạ có ghét  thuốc lá  không?

Tôi lắc đầu:

- Điếu thuốc lúc này sẽ làm cho không gian ấm hơn.

Khoa đưa tay ngắt một nhành Tigon trao cho tôi:

-Tặng Hạ, vì Hạ có một tư tưởng thật giống anh.

Nhìn cành Tigon, tôi đẩy tay Khoa:

- Theo một bài thơ của T.T.KH, người ta cứ cho  rằng  tặng Tigon là báo trước sự chia ly.

- Hạ tin sao?

Tôi gật đầu:

- Vâng! Hạ rất tin như thế...

O0O

Bầu trời yên tĩnh với những đám mây, như một núi tuyết kỳ bí, như một rừng bông trắng xốp, như mộng ảo đời tôi. Những ngày tôi lưu lại thành phố, tôi thường xuyên gặp Khoa vì anh hay đến nhà Kiều Ngọc. Với tính cởi mở và hòa đồng của anh, tôi trở nên thân thiết với anh lúc nào không biết. Và cũng rất thường xuyên tôi gặp Phi Oanh khi cô đến rủ Kiều Ngọc đi học. Đối mặt với tôi, cô vẫn luôn sẵn sàng nhiều từ nặng nề để  giáng cho tôi những câu chí tử. Tôi muốn thật bình yên, an phận vì những thua kém của mình, nhưng tư tưởng tôi lúc thế này, lúc thế kia và thật là bối rối khi tư tưởng đó cứ hướng về Khoa. Nghĩ đến anh với những câu chuyện không đầu, không đuôi.

Ôi! Trái tim của tôi, trái tim ngoài nhiệm vụ bơm máu đều cho cơ thể, sao nó cứ bức rức lắm nỗi niềm? Nó giúp tôi làm nên những vần thơ lặng lẽ. Tôi hay trầm tư, Kiều Ngọc cứ nghĩ rằng tôi hay có những cái buồn không nguyên nhân, hay chỉ tại tôi buồn vì một chiều nắng đẹp.

Tôi cũng sáng suốt để hiểu rằng, bên cạnh Khoa còn có một người con gái xinh đẹp, đủ điều kiện để nhiều chàng trai đeo đuổi đang sẵn sàng bước vào đời Khoa, đó là Phi Oanh. Cho nên tôi cố xua đi tình cảm chợt lóe lên trong lòng, tôi thở dài mỗi khi nghĩ đến điều ấy, làm sao thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy đây?

- Hạ!

Tôi quay lại nhìn, Khoa đứng đó từ bao giờ, ngay bục cửa bước ra hành lang. Anh mỉm cười:

- Nhìn Hạ, anh lại nghĩ đến bức tranh mà người ta miêu tả cảnh buồn.

Tôi bật cười vì câu ví von của Khoa:

- Bức tranh ấy đẹp hay xấu?

Con mắt biết cười của Khoa nheo lại :

-Tạm được!

-Nhưng tại sao anh cứ hay tưởng tượng  là Hạ buồn?

-Anh không tưởng tượng đâu, mà như Hạ đang có một tâm sự...

-Hạ không có tâm sự gì cả, càng  không có nỗi buồn nào…

Khoa bước đến đứng cạnh tôi, anh ghé  mắt nhìn vào tập sách tôi đang viết, rồi đọc mấy câu thơ tôi vừa viết xong:

-“ Trời Sài gòn chiều nay bỗng nhiều mây. Buông xuống hồn tôi những dòng tơ rối”.

Khoa trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Em có thể làm những câu thơ vui hơn một chút? Đừng để tâm trạng nặng nề, u uẩn như thế thì tự khắc thơ của em sẽ mang một sắc thái khác…

- Hạ không muốn thì ngôn ngữ tự nó cũng tuôn ra như thế, thật ra Hạ cũng cố làm những câu thơ nhí nhảnh, hồn nhiên nhưng khi đọc lại thấy nó vô hồn, vô cảm. Thôi thì cứ viết như những gì mình nghĩ, cuộc sống thì có người vui, người buồn. Xem như Hạ viết cho những người buồn vì họ cần sự chia sẻ hơn những người đang hạnh phúc.

-Ngày mai Hạ về phải không?

-Sao anh biết? (Tôi hỏi lại)

 -Anh vừa nói chuyện với Kiều Ngọc dưới nhà.

Tôi nghĩ đến chuyến trở về ngày mai, công việc của tôi đã hoàn tất, không có lý do gì  để  nán lại. Thế là xa cách Khoa, biết bao giờ mới có cơ hội gặp lại? Tôi nén tiếng thở dài:

 - Anh muốn mời Hạ tối nay đi nghe nhạc.

Tôi nghĩ nhanh đến ngoại hình của mình:

- Không! Hạ không đi...

- Tại sao?

- Hạ không hợp với những nơi như thế, nếu muốn nghe nhạc thì Hạ thích ở nhà nghe anh hát hơn.

- Thật vậy sao?

Tôi khẽ gật, Khoa hỏi:

-Về trên ấy rồi, Hạ có viết thư cho anh không?

-…Nếu anh viết cho Hạ!

-Có nghĩa là anh phải viết trước?

Tôi gật đầu, Khoa  nhìn mông lung lên bầu trời, mây đã vỡ ra thành  nhiều hình thù kỳ quái, anh hát khẽ:

-...Darling! I  promise  you  this, I’ll  send  you  all  my  love  everyday  in a  letter  sealed  with  a  kiss...

Khao nắm lấy bàn tay tôi siết nhẹ, sự ngại ngùng không thể nhắc nhở tôi lấy tay mình ra khỏi tay anh, tôi cứ để yên như thế, và cảm thấy sự xuyến xao len nhẹ vào tâm hồn tôi, chỉ ngày mai thôi giây phút này với tôi sẽ trở thành kỷ niệm. Tôi và anh sẽ đi trên hai con đường thẳng khác nhau, liệu hai con đường ấy có khúc ngoặt nào để gặp được nhau!

Buổi chiều đã nghiêng bóng, còn một vệt nắng cuối cùng ở mái nhà đối diện.Chiều ơi!..

O0O

Tôi chờ đợi mỏi mòn lá thư mà Khoa đã hứa, mỗi buổi sáng khi người phát thư đi qua rồi, tôi ngỡ như mình vừa đánh mất một cái gì quý giá lắm. Một tháng đi qua như một thập kỷ đi qua. Đó có phải là tình yêu không? Sao những dòng tơ rối ấy lại vướng vào trái tim tôi. Bây giờ Khoa đang làm gì? Bên cạnh anh có bao nhiêu người con gái với những cơ hội anh có thể tiếp xúc? Làm sao anh có thể nhớ đến tôi, một người con gái  nghèo nơi một vùng quê, người con ấy có chăng chỉ là một loài hoa dại, mong manh, dễ vỡ, có ai nâng niu loài hoa ấy bao giờ. Tôi biết rằng không thể  tin vào một lời hứa suông, vậy mà tôi vẫn cứ chờ đợi, sự chờ đợi khiến trái tim tôi se thắt. Cho đến một hôm người phát thư dừng lại bên nhà, tôi gần như lao ra. Thư của…Kiều  Ngọc!

 “… Sau khi Hạ về rồi, thì ở đây Ngọc mới hiểu được sự việc,  thì ra  Ngọc cũng quá vô tình, Ngọc biết vì quá mặc cảm tự ti mà  Hạ cứ sống gam mình, không dám nhìn nhận sự thật. Ngọc cũng hiểu rõ Khoa, anh ấy là một người sống chân thật, trọng nhân cách con người và không đánh giá ai qua hình thức. Nếu Ngọc không lầm thì Hạ có dành tình cảm đặc biệt cho Khoa? Vì lẽ ấy mà mãi đến hôm nay Ngọc mới dám báo tin này cho Hạ, Ngọc sợ rằng Hạ không chịu nổi. Anh Khoa đã bỏ chúng ta, vĩnh viễn ra đi rồi. Anh ấy bị tai nạn trong một chuyến đi công tác, đừng buồn nhé Hạ, hãy xem đó như là một cơn mộng dữ ở đời thường xảy ra. Không chỉ có Hạ, mà  tất cả bạn bè đều đau đớn với cái tin này. Trong lúc thu dọn những vật dụng của Khoa thì người ta tìm thấy một  lá  thư  mà anh ấy chưa kịp gởi, Ngọc kèm theo đây...”

Tôi quay vào, đôi chân ngỡ không  đỡ nổi thân thể muốn đổ gục xuống. Tôi đứng úp mặt vào vách, hai tay vo lấy mớ tóc dài. Một tiếng chim kêu trong khoảng trời  vắng lặng. Một vài tiếng than vãn của cây lá. Một tiếng nấc khô khan trong lòng. Nhắm nghiền đôi mắt, cắn chặt đôi môi. Tôi không thể nào khóc được.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh


       -Chương trình “Tác giả &Tác phẩm” 

        Hệ Thống Truyền Thông VietNam Hải Ngoại (Washington DC)

https://www.youtube.com/watch?v=Kd27XHjwF3A&feature=youtu.be


Tại Anh!

r25.

Ti Anh!

Anh cứ hỏi “Sao em hay buồn thế

Tâm sự gì em hãy kể anh nghe?...”

Chiều dần đi nắng nghiêng bóng vĩa hè

Gió hiu hắt hồn em se sắt lạnh

 

Một tình yêu đã phương trời chắp cánh

Một nỗi đau còn vướng lại trong hồn

Ngày tháng qua em cứ ngỡ vùi chôn

Hình bóng cũ đã phai từ dạo ấy

 

Em buồn ư? tại anh, ừ ! Anh đấy

Nhưng lặng im em không mở được lời

Em đổ thừa tại…tại bóng chiều rơi

Mây lười biếng và trời vương sắc tím

 

Vâng! Em buồn vì nhớ về kỷ niệm

Về mắt nhìn và giọng nói người xưa

Tình yêu tan như giọt nước trời mưa

Làm sũng ướt tâm hồn em từ đó

 

Em sẽ gởi tình em theo cơn gió

Kỷ niệm buồn chỉ là của hôm qua

Anh biết không? Tại anh giống…người ta!

Làm em nhớ những ngày qua yêu mến

 

Mong anh nhiều nhưng xin anh đừng đến

Để em buồn như mây tím mùa Thu

Để hồn em băng giá như sương mù

Và tàn úa như một loài hoa dại

 

Loài hoa tím không mang tên tình ái

Gởi hương bay theo gió thoảng cuối mùa

Tuổi hai mươi hồn em ngỡ già nua

Anh đâu biết tại anh, vì anh đó…

(10.12.1977)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Tập thơ “Trăng 30”_Hồ Thụy Mỹ Hạnh (NXB Hội Nhà Văn 2002)

 

Biển cạn

Nhạc; Kim Tuấn

https://youtu.be/pR8l61GGejw?si=CpRTunzIao6wZ31V

 

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Ai Biết Vì Đâu…

R 34.

Ai Biết Vì Đâu…

Trời chờ hoài vẫn tối

Ngàn mũi kim theo nhau

Áo có bao nhiêu mối

Là ngần ấy nỗi sầu.

 

Tình ta như giấc mơ

Đẹp như một bài thơ

Trời xui chi quen biết

Cho em buồn ngẩn ngơ.

 

Em để tóc em dài

Buộc tình ta vạn mối

Cầu xin cho ngày mai

Chúng mình không rẽ  lối.

 

Áo em đan cho anh

Đếm mối, ngàn mối khổ

Miệt mài đêm thâu canh

Như nhện buồn giăng tổ…

(1.12.1980)

Hồ  Thụy  Mỹ Hạnh

 


Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Điệp Khúc Trong Đêm

r33-

Điệp Khúc Trong Đêm

Đêm dài quá không sao tìm giấc ngủ

Em bắt đầu đếm từng con số

Cho tâm tư không còn suy nghĩ về đâu

Những  con  số  chồng lên dài bằng ngày tháng xa nhau

Em cố đếm mà vẫn không xua được những gì em không muốn nghĩ

Thôi thì thức, đã sao người nhỉ ?

Trắng đêm nay đâu phải một lần đầu

Em lại viết nữa đây chuyện tạ từ nhau

Dù kỷ niệm đã xa, chuyến tàu đã lỡ

Ánh mắt người sao vẫn làm em nhớ

Ngày tháng qua, ngỡ chỉ một thoáng qua

Đôi khi buồn em nghĩ “ bao giờ ta lại gặp ta

Hay nghìn trùng cách xa, từ ly buổi ấy…”

Và có lúc em lại nghĩ “ Thôi ! Thà đừng trông thấy

Để mãi hoài em nhớ chuyện ngày xưa !...”

Người ơi! Cao nguyên bây giờ bắt đầu mùa mưa

Tiếng mưa ngân dài, buồn như một tình khúc…

(26.8.1978)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

·  Tập thơ “Mảnh Trăng Mồ Côi” (NXB Văn Hoá Dân Tộc 1999)

 

Ngày Xưa Của Em


r31.           

Ngày Xưa Ca Em

Ngày xưa của em không khác hôm nay mấy

Vẫn cuộc đời và nỗi đắng ngang nhau

Kiếp sống này ta có được bao lâu

Vui hay khổ cũng trở về cát bụi.

 

Em xin người hãy nghe em lần cuối

Những trái ngang mà thượng đế an bài

Đời sống em là tất cả không may

Mà hạnh phúc là bóng mây sẽ vỡ.

 

Em yêu người nhưng biết rằng dang dỡ

Mộng sẽ xa, sẽ vuột khỏi tầm tay

Niềm đau thương trong suốt cuộc đời này

Em không muốn nhưng làm sao hơn được.

 

Rồi mai đây đường đời trăm xuôi ngược

Em nguyện cầu cho người thật bình yên

Dù không về thăm lại xứ cao nguyên

Dù mai một anh vui cùng người khác.

 

Tình em gái năm xưa đành tan tác

Nhưng em vui vì người hạnh phúc đầy

Ngày xưa của em không khác hôm nay

Cũng nỗi đắng và ưu phiền chất ngất.

(27.4.1978)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

 

Đêm buồn tỉnh lẻ

Nhạc: Trần Thiện Thanh

https://youtu.be/MKFjUO6PMfw?si=dvjm5qvPvWjCbqbM



Những Con Đường Mưa

r30.

Những Con Đường Mưa

Ôi! Những con đường loang loáng nước mưa

Vùng tối thênh thang nhung nhớ nào vừa

Tình em muôn đời vẫn là ngăn cách

Mơ mộng trả về một thoáng xa xưa.

 

Em còn một mình buồn ơi! Vẫy tay…

Người có hay chăng trong trái tim này

Em vẫn nhớ người dù trong câm nín

Tâm sự chỉ còn nói với gió mây.

 

Người quên em rồi, phải không người ơi!

Hạnh phúc nào đã ngút xa cao vời

Một phút chạnh lòng làm em bật khóc

Mưa đến lạnh buồn, lá rơi tàn rơi…

 

Biết thế thì mình yêu nhau mà chi

Thời gian có dài cũng vẫn biệt ly

Thu ơi! Đừng về. Mưa ơi! Đừng đến

Người đã đi rồi, tiếc nuối mà chi.

 

Em sẽ vui đây và sẽ cười đây

Dù nỗi buồn có bóp nát tim này

Và sẽ cố quên những ngày tháng cũ

Nhớ mà làm gì (?)…Những chuyện đắng cay!

(24.4.1978)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh


Khuya nay anh đi rồi

Nhạc: Châu Kỳ

https://youtu.be/uoIje0Ydp70?si=LSl3yTjceNdJJf0D

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Khi Em Rời Sài Gòn

r32-

Khi Em Rời ài Gòn

Rồi từ đó chỉ còn là nuối tiếc

Kỷ niệm đi cùng năm tháng vào đời

Nghe thương từng chiếc lá vàng rơi

Em giã biệt con đường xưa yêu dấu.

 

Em buồn lắm nhưng có ai rõ thấu

Bánh xe lăn nghiền nát mảnh hồn này

Không tiễn đưa, không một cái vẫy tay

Trời buổi sớm trong lòng xe chợt lạnh

 

Trời chưa sáng nên còn sao lấp lánh

Như cảm thông cho số kiếp đoạ đày

Vĩnh biệt anh và mùa lá me bay

Em sẽ nhớ những tháng ngày thật đẹp.

(10.4.1978)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

 

Mười năm yêu anh

https://youtu.be/s6VYBtwrglk?si=YowQB3w9z0s0QSFC