Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Ngày Đã Lỡ (Truyện ngắn)



R 23.


Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Ngày   Đã  L

Truyện ngắn

Những giọt mưa bắn vào cửa kính lách tách. Nhung tắt ngọn đèn néon để căn phòng  chìm vào ánh sáng mờ của chùm đèn màu. Ngã người trên chiếc ghế sofa màu tím than mắt khép hờ, nàng cảm thấy dễ chịu với dòng âm thanh của bản nhạc hoà tấu êm dịu phát ra từ dàn máy đặt ở góc phòng. Cuộc sống đầy đủ khỏa lấp bớt trong lòng nàng những khoảng trống buồn bã, đã nhiều năm Nhung sống một mình, từ khi ba mẹ được anh chị của nàng đón sang định cư ở nước ngoài, nàng ở lại thừa hưởng căn nhà của ba mẹ để lại và sự trợ cấp từ ba mẹ, anh chị đều dồn cả cho nàng.

Nhung vẫn đi dạy, không phải vì cần tiền, mà vì muốn có một công việc để bớt sự nhàn rỗi, để được tiếp xúc với xã hội bên ngoài, hơn nữa Nhung yêu công việc của mình, yêu sự hồn nhiên trong trẻo của đám học trò như bầy chim sẻ hồn nhiên, nàng thật lòng yêu chúng…

Đã gần bốn mươi tuổi nhưng Nhung không hề bận tâm đến việc lập gia đình, trong khi nàng nhận sự nhắc nhở thường xuyên của người thân, cũng có lần anh nàng gọi điện thoại về gợi ý “Anh sẽ giới thiệu một người bạn bên này để em tìm hiểu…” Nhung phản đối, nàng không thích những cuộc hôn nhân có tính sắp xếp như thế. Còn ở đây, chung quanh nàng không phải không có những người theo đuổi nàng, nhưng nàng hồ nghi, nàng cho rằng họ nhìn vào gia thế của nàng hơn là bản thân nàng. Đôi lúc Nhung nghĩ thầm “ Mình không có ưu điểm gì nổi bật, không phải là người đẹp, tách rời khỏi những vật chất đang tô điểm, mình cũng bình thường, thậm chí tầm thường, vậy mà luôn có những gã đàn ông đeo đuổi, vì cái gì? Nếu không phải là họ muốn những thứ mình đang có và được hưởng?

Bạn bè của Nhung thì cho rằng trái tim nàng đã bị đóng băng vì mối tình đầu trắc trở ngày xưa, dù đã xa khuất với thời gian, khiến nàng chán nản không còn muốn yêu ai nữa. Nhưng tự sâu thẳm tâm hồn Nhung  biết không hề như thế, nàng không yêu vì chưa gặp người đáng để yêu, thế thôi. Trong không gian đầy tiếng nhạc, nhưng Nhung lại lắng tai nghe tiếng tí tách của mưa, những âm thanh rào rạt, đều đều. Gió lạnh lùa vào phòng, nàng chồm dậy bước ra định đóng cánh cửa sổ, thì thoáng cau mày khi thấy có một người ngồi co ro nép sát ngoài hiên mưa, Nhung quay vào gọi chị giúp việc:

-Chị Hà! nhờ chị một chút.

Hà hấp tấp chạy lên từ nhà sau:

-Có gì vậy Nhung?

-Ngoài hiên có ai ngồi trú mưa, chị gọi họ vào nhà chứ chỉ một lát là ướt hết.

Hà mở khoá cửa bước ra hiên, thấy một cô bé đang ngồi rụt đầu xuống vai, mặt úp vào đôi tay khoanh trên gối:

- Này em, nhà ở đâu mà ngồi  đây? Vô nhà cho đỡ lạnh nào.

Cô bé không ngẩng mặt lên, lắc đầu không  đáp:

- Cứ vô nhà đi, mưa khó tạnh đó…

Nhung nghe gọi mãi mà cô bé không phản ứng nên bước ra, nàng vừa lên tiếng thì cô bé đứng bật dậy, lấp bấp:

-Con chào cô.

Nhung sửng sốt:

-Yên Hằng! Sao em lại ở đây?

Đó là đứa học trò mà Nhung đang là chủ nhiệm, nàng kéo tay cô bé:

-Vào nhà đi rồi nói.

Yên Hằng riu ríu theo Nhung vào nhà, đèn được bật sáng. Yên Hằng run rẩy trong bộ quần áo gần như ướt sũng. Nhung giục Hà:

-Chị lấy bộ nào cho nó mặc tạm, bỏ bộ của nó giặt rồi sấy khô ngay nhé.

Khi đã được ủ ấm, Nhung gọi Yên Hằng  ngồi đối diện với mình:

-Dường như em đang có chuyện gì đó. Nói cho cô xem cô có giúp được gì không.

Yên Hằng bắt đầu tấm tức khóc:

-Ba mẹ con…không biết có chuyện gì? Mẹ đập đồ đạc rồi bỏ đi. Ba cũng đi, Nhưng con thương ba lắm…

Nhung đến ngồi cạnh Yên Hằng, kéo nó sát vào người:

-Rồi sẽ ổn thôi, nhưng lẽ ra em không nên bắt chước người lớn mà cũng bỏ đi như thế này, nhỡ ba mẹ quay về không thấy em thì rất lo lắng.

-Mẹ không quan tâm đến con, mẹ bỏ nhà đi vắng vài ngày là thường, về thì chỉ gây gổ với ba…

-Đó là chuyện của người lớn, em nói thương ba thì phải chăm chỉ học và đừng bỏ đi như thế này. Bây giờ đưa số điện thoại cho cô gọi báo về nhà em…

Nhung gọi về nhà Yên Hằng thì không ai nghe máy. Cô phải gọi vào máy cầm tay của ba Yên Hằng, người đàn ông ấy cũng đang đi tìm con và mừng rỡ khi biết con gái đang ở nhà của cô giáo chủ nhiệm. Nhung cho rằng tinh thần của Yên Hằng không ổn định nên xin phép cho nó ở lại nhà nàng đêm nay.

OoO

Cuộc sống bình lặng của Nhung có một chút thay đổi vì sự có mặt của cô học trò nhỏ. Nhung biết Yên Hằng yêu quí nàng, đơn giản vì nàng là cô giáo chủ nhiệm, ngoài điều ấy ra vì nàng luôn nâng đỡ đặc biệt đến con bé. Đã qua một học kỳ, nhưng Nhung chưa hề gặp được phụ huynh của Yên Hằng dù đã đôi lần nàng gởi giấy mời đến họp. Nàng cần thông báo việc Yên Hằng từ một học sinh giỏi tụt xuống trung bình và còn có nguy cơ tiếp tục giảm sút, nhưng nàng vẫn chưa gặp được. Điều đó nói lên rằng Yên Hằng thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Và với lòng yêu trẻ, yêu học trò của mình, Nhung đã dành cho Yên Hằng những gì mà nàng có thể, cho đến lúc con bé tìm đến nhà nàng trong đêm mưa Nhung đã phần nào hiểu được lý do tình trạng khiến nó lơ là trong việc học.

Nhung nghĩ phải dang tay đón nó, nếu không với suy nghĩ nông cạn khi nhìn cảnh xào xáo của ba mẹ như thế, khó nói trước được Yên Hằng sẽ có hành động gì sau lần bỏ đi trong đêm ấy. Nhung cứ dang tay ra cho Yên Hằng tựa vào nàng, không cần ai gởi gắm, nhờ cậy. Nàng làm việc đó hoàn toàn tự nguyện và nàng cũng không giải thích được tại sao nàng rất muốn sự có mặt của Yên Hằng bên cạnh nàng. Nhìn nó Nhung cảm thấy trong lòng  trỗi  lên một thứ tình mà mọi người phụ nữ đều muốn có. Tình Mẹ!

Vâng! Đó là điều nàng không nghĩ mình đang khao khát, sự hồn nhiên trong trẻo của Yên Hằng làm cho Nhung thấy căn nhà của nàng bừng lên sự ấm áp. Đôi lần nó buộc miệng “Con thích mẹ của con giống cô” Nhung thân mật vuốt ve nó “Con bảo mẹ con đẹp lắm, vậy giống như cô là phải xấu hơn sao?” Yên Hằng buồn buồn nói “Là con nói thích mẹ hiền như cô, thích mẹ ở nhà với con cơ, nhưng mẹ thích đi nhảy đầm với bạn của mẹ. Mẹ đi chơi hoài,  ba đi làm về trễ, nhưng mẹ còn về trễ hơn…”

Những câu nói vu vơ đó đã cho Nhung hiểu thêm về gia đình của Yên Hằng, trong đó có một người phụ nữ thiếu bổn phận với gia đình, có một người đàn ông mải mê với công việc, có một đứa trẻ xinh, ngoan gần nhưng không được sự chăm sóc của ba mẹ.

Những lần chị Hà đưa Yên Hằng về sau khi ôn tập tại nhà Nhung. Chị Hà đã thuật lại sau khi tiếp xúc với mẹ của nó:

-Đó là lần đầu tiên chị gặp mẹ của Yên Hằng, khi cô ta đang chuẩn bị đi đâu đó. Cô ta khá đẹp, ăn mặc rất thời trang. Khi biết chị là người thường xuyên đưa bé Hằng về nhà, vậy mà cô ta cũng vẫn vội vội vàng vàng cám ơn cho có rồi đi ngay, không tìm hiểu hỏi han tại  sao chị lại làm cái việc mà lẽ ra chính cô ta phải đảm nhận.

-Cứ nghĩ chúng ta vì thương con bé nên giúp nó, ngoài ra đừng quan tâm làm gì đến họ, nếu họ là người biết cách xử sự hay, đúng thì làm gì việc lo lắng cho Yên Hằng sao lại đến phần chúng ta.

Nhung nói như vậy để khoả lấp sự bất mãn của chị Hà, nhưng trong lòng Nhung thì đã có một chút xem thường người đàn bà mà chị Hà nhắc tới. Nàng cũng thắc mắc  về ba của Yên Hằng, bận rộn gì mà không biết đến vợ con của mình ở nhà làm gì, ra sao trong những lúc mình vắng nhà? Mãi cho đến một hôm…

Cơn mưa bụi lất phất trên bầu trời không đủ làm ướt bất cứ một thứ gì, chỉ làm cho không gian hiu hắt buồn. Nàng ngồi ở chiếc ghế đặt trước hàng hiên, đó là chỗ nàng thích ngồi mỗi khi nhàn rỗi để ngắm nhìn hàng dương liễu đong đưa những cành trong gió chiều. Tâm hồn nàng trống trải như hoang mạc, nỗi cô đơn đã thành quen thuộc nên không thể làm nàng buồn hay chán hơn, nhưng thà buồn thật nhiều, khắc khoải thật nhiều thì người ta lại nghĩ đến việc tìm cách thay đổi cách sống. Đàng này mọi thứ đối với nàng rập khuôn như đã sẵn từ một thời khoá biểu, sáng trưa chiều tối lập đi, lập lại từ ngày này qua ngày khác nên nàng quen như thế, không cần sửa đổi.

Người đàn ông ấy đến, Nhung nhìn thấy từ khi xe rẽ vào đầu đường, anh ta chạy chầm chậm, thỉnh thoảng nhìn lên biển số nhà, nàng linh cảm ngay rằng đó là ba của Yên Hằng, nên gọi khẽ khi Yên Hằng đang làm bài tập trong nhà:

-Yên Hằng ra xem có phải ba đến đón về không?

Yên Hằng chạy ra, nhìn theo hướng Nhung chỉ, nó phụng phịu tỏ vẻ không mừng. Vừa lúc ba nó nhìn thấy nó, anh rẽ vào sân nhà, dừng xe và đến trước mặt Nhung, nàng cũng vừa rời ghế đứng lên:

-Chào cô giáo! Tôi là ba của Yên Hằng.

Nhung cười nhẹ:

-Vâng! Tôi cũng đoán là vậy từ lúc anh vừa đến…

Nhung đẩy Yên Hằng ra khi nó cứ nép vào sau lưng nàng:

-Sao thế? Chuẩn bị về với ba chứ.

Người đàn ông bước đến cạnh con, anh nói nhỏ với nó:

-Ba nhớ có hẹn với con, nhưng không thể rời công việc được, giờ mới tạm xong là ba chạy nhanh về đây. Con gái giận ba hay sao mà bí xị thế?

Nhung thắc mắc hỏi Yên Hằng:

-Có chuyện gì mà giận ba vậy?

Ba của Yên Hằng giải thích:

-Hôm nay là sinh nhật của Yên Hằng, khi sáng tôi có hứa trưa sẽ về sớm để đưa nó đi ăn ở ngoài và mua vài thứ nó thích nhưng…

Nhung hiểu ngay sự giận dỗi của Yên Hằng, nàng “can thiệp”:

-Yên Hằng phải thông cảm cho ba chứ, giờ vẫn còn thời gian để ba thực hiện lời hứa mà, vui lên nào.

Ba Yên Hằng quay sang Nhung, ngập ngừng:

-Tôi có biết Yên Hằng được cô giáo quan tâm giúp đỡ. Lẽ ra chúng tôi phải đến đây gặp cô ngay dù không có lời cám ơn nào cho đủ, vậy mà chúng tôi đã…

-Không có gì đâu anh! Tôi là cô giáo của Yên Hằng, việc kèm dạy nó cũng bình thường thôi mà, mời anh vào nhà…

Anh ta lúng túng có lẽ vì phải nói lời từ chối:

-Xin phép cô, rồi tôi phải đến đây một lần sau để mong cô bỏ qua và thông cảm cho sự thiếu sót của chúng tôi đối với cô trong thời gian Yên Hằng có mặt ở đây…

Nhung cười dịu dàng:

-Anh đừng khách sáo như thế, sự tiến bộ của Yên Hằng đã cho tôi một niềm vui rất lớn, bé rất ngoan. Tôi nghĩ anh nên dành thời gian quan tâm đến Yên Hằng nhiều hơn là quan tâm đến việc tôi có thông cảm hay không.

Người đàn ông không giấu được vẻ bối rối:

-Cám ơn cô đã nhắc nhở, có lẽ bắt đầu ngay hôm nay tôi phải thực hiện được điều ấy.

Nhung nhủ thầm “Và cùng với mẹ của Yên Hằng thực hiện chứ, trách nhiệm của cả hai người mà…”

Hai cha con chở nhau đi xa rồi, Nhung vẫn đứng ngoài hiên nhìn theo. Suy nghĩ không mấy tốt về ba của Yên Hằng được vẻ khắc khổ của anh làm giảm bớt trong suy nghĩ của nàng. Người đàn ông ấy thật tội nghiệp, dù nàng chưa có cơ sở gì để hiểu nhiều hoàn cảnh của anh.

Yên Hằng vẫn đến nhà Nhung ôn tập nhưng được ba đưa đón, chứ không phải đến bằng xe bus như trước nữa. Khoảng thời gian trống của Nhung  được lấp đầy vì sự có mặt của Yên Hằng và của Vĩnh, ba nó. Anh thu xếp thời gian của mình bằng cách tìm người phụ tá, những lần đi xa nghiệm thu công trình xây dựng do anh đảm nhận đã có người thay thế. Vĩnh có điều kiện gần gũi với đứa con gái bé bỏng của mình hơn, cũng như gặp Nhung thường xuyên hơn. Trong lúc đợi Yên Hằng, Vĩnh và Nhung có dịp trao đổi về nhiều lĩnh vực trong đời sống, những sở thích trước đây Nhung chỉ cảm nhận một mình, giờ đây có thể bộc lộ với Vĩnh. Hai người tỏ ra tâm đắc khi Vĩnh cũng có một số sở thích giống nàng, mà với sự bề bộn của cuộc sống trước đây Vĩnh đã bỏ quên. Họ có thể nói miên man về cảm xúc của mình khi nghe một bản nhạc, phân tích về một cuốn sách hay, tranh luận về một đề tài thời sự nóng bỏng trong cuộc sống. Khi tư tưởng cùng một chiều người ta dễ dàng thân thiết với nhau.

Nhung không hề “cảnh giác” thứ tình cảm mà nàng tin mình không bao giờ vướng phải với một người đàn ông đã có gia đình. Nàng đơn giản không hiểu rằng tình yêu là một thứ mà khi nó xâm nhập vào trái tim ai đó thì chẳng cần…báo động! Nó đến càng nhẹ nhàng, bất ngờ càng thẩm thấu. Nàng  thấy có một chút trông ngóng và khi Vĩnh đến, nàng cuống quít với một niềm vui khó tả trong lòng, Nhung cho rằng vì nàng không có bạn bè nên sự có mặt của Vĩnh chỉ như một tiếng động để phá vỡ sự tĩnh lặng bấy lâu trong tâm hồn nàng thôi. Nhung không biết hay đang tự chối quanh với chính mình?

Trước sự đối xử đúng mực của Vĩnh, anh lịch sự trong cử chỉ, tao nhã trong lời nói và cách xưng hô “Tôi và cô giáo” của Vĩnh là một rào chắn rõ ràng chia ranh giới giữa hai người. Nàng đứng yên ở vị trí đó với tình bạn để nghe Vĩnh tâm sự về những khó khăn trong công việc, nói về sự mệt mỏi của tinh thần đôi lúc làm anh muốn buông xuôi. Còn có một điều nàng rất muốn biết thì lại không bao giờ nghe anh nhắc đến, đó là chuyện về người đàn bà vẫn còn đang hiện diện trong cuộc đời anh.

Chỉ thỉnh thoảng nàng nghe anh buộc miệng thốt lên những lời mà nàng cho rằng anh đã không kềm giữ được trong lòng nữa:

-Đôi lần trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi nghĩ giá mà trong căn nhà của mình có sự đón đợi của vợ con, một bữa cơm đầm ấm với những câu chuyện  vui vẻ, nhưng đó chỉ là một ước mơ xa xỉ…

Nàng hiểu tâm trạng của anh, nhưng nàng chỉ biết chia sẻ bằng cách chăm chú lắng nghe và chẳng biết nói gì khác câu “Rồi sẽ có mà…”. Nàng muốn đem niềm vui đến cho anh và cũng cho chính… nàng ! Nhân dịp kết thúc năm học của Yên Hằng, nàng bảo chị Hà đi chợ và đích thân nàng vào bếp làm những món ăn mà nàng nghe Vĩnh vô tình nói đó là món thích khẩu của anh, nàng gọi bữa cơm đó là để mừng Yên Hằng đạt được thành tích cao trong học tập. Nàng cảm nhận niềm vui lan toả trong lòng khi nhìn cha con Yên Hằng tự nhiên thưởng thức món ăn của nàng mời. Họ giống như người cùng một gia đình. Ngồi đối diện với Vĩnh trong bàn ăn, Nhung cố xua cái ý nghĩ cứ lởn vởn trong đầu giá như… người đàn ông và đứa trẻ kia là của nàng! Nhung hốt hoảng vì sự liên tưởng về một hình ảnh kết bằng mây kia đang giăng ngang tâm hồn nhưng làm nên những khoảng tối u uẩn. Nàng thật sự không thể dối lòng rằng Vĩnh đã chiếm gần trọn suy nghĩ của nàng. Sự có mặt thường xuyên của anh làm thay đổi nếp sống trước đây của nàng, nhưng Vĩnh không tỏ lộ điều gì để Nhung biết được mức độ tình cảm của anh đối với nàng. Dù rằng Nhung thấy lo sợ lắm khi tình cảm ấy bắt đầu bén rễ trong trái tim ngỡ đã cằn cỗi, nàng cố che giấu và nhủ lòng sẽ vượt qua được khúc ngoặt trớ trêu này. Tình cảm của nàng đã rõ, nhưng Nhung không hề có ý chinh phục Vĩnh, nàng luôn ý thức việc anh đã có gia đình, dù trái tim nàng nhiều lúc chao nhẹ khi bật phải một bài hát mà trước kia nàng không mấy thích “…Trong đôi mắt em anh là tất cả, là niềm vui là hạnh phúc em dấu yêu, nhưng em ước gì mình gặp nhau lúc anh chưa ràng buộc…” nỗi lòng của nàng như được trải ra trong câu hát ấy.

OoO

Suốt đoạn đường về nhà, ánh mắt long lanh mà Vĩnh bắt gặp nơi Nhung cứ hiện lên trong trí nhớ, anh có thể kết luận đó là ánh mắt của một người đang yêu, cùng với cử chỉ săn sóc dành cho ba con anh, không nhầm lẫn được khi anh chắc rằng nàng đã có tình ý với mình. Vĩnh thở dài, đời anh chưa từng được hưởng hương vị của một tình yêu đích thực, dù đã lập gia đình với Thùy Yên là mẹ của Yên Hằng. Anh đến với hôn nhân muộn màng sau tất cả những gì đạt được trong sự nghiệp. Khi gặp gỡ Thuỳ Yên, một cô gái nhỏ hơn anh nhiều tuổi, nàng như một đoá hoa tươi thắm rạng ngời. Anh choáng ngợp và yêu ngay bằng …mắt ! Sau đó vội vàng quyết định kết hôn mà không cần suy tính, sống với nhau rồi anh mới thấy tính cách của Thùy Yên trái ngược anh, có gia đình rồi cô vẫn tiếp tục giao du với những người bạn cũ của cô mà mãi sau này Vĩnh mới biết đó là một nhóm ăn chơi đua đòi. Cô bỏ bê gia đình vì sự lôi kéo của nhóm người đó. Bất hoà thường xuyên xảy ra giữa anh và Thùy Yên, anh thấy ngột ngạt khi sống bên cạnh cô, đó là sự lựa chọn mà anh đang trả giá, đang đẩy anh vào một con đường chẳng biết thoát ra bằng cách nào khi Thuỳ Yên không chấp nhận ký vào đơn ly hôn. Bao nhiêu lần anh đề nghị với Thuỳ Yên là bao nhiêu lần xảy ra cãi vả. Vì sĩ diện Vĩnh không thể làm lớn chuyện vợ mình có tình nhân, một gã đỏm dáng phù hợp với tính cách của nàng. Anh không ghen tuông, mà chỉ thấy ghê tởm. Vĩnh cố dằn lòng một phần vì thương con, anh không muốn nó hụt hẫng khi sống trong một hoàn cảnh thiếu cha hoặc mẹ. Anh chán nản nghĩ rằng thôi đành vậy, cứ nhắm mắt cho qua, đợi đến khi nào Thuỳ Yên chán chê những trò vô bổ thì cô ta tự sửa mình. Anh không buồn lên tiếng về những hành vi của cô ta nữa, anh đã quá mệt mỏi.

Nhưng từ khi tiếp xúc với Nhung, suy nghĩ của anh có chiều ngược lại, mơ ước về một mái ấm hạnh phúc bừng lên trong anh mãnh liệt. Mỗi ngày khi từ công trường trở về đến thẳng nhà Nhung đón Yên Hằng, anh đã bao lần thầm nhủ “Giá mà đó là nơi về của mình…”

Và chiều nay sau bữa cơm tại nhà Nhung, Vĩnh ra về với một cảm giác lâng lâng. Anh đã tự kềm chế tình cảm bằng sự tỉnh táo của một người đàn ông không còn trai trẻ nữa, dù anh biết chỉ cần tỏ lộ anh sẽ đạt được điều mong muốn, nhưng anh không thể. Vì bên cạnh anh còn một người đàn bà được pháp luật công nhận là vợ của anh, có mọi quyền hợp pháp để ngăn cản việc anh đến với Nhung. Ngay bây giờ, trong buổi chiều nay, ý nghĩ bằng mọi cách phải chấm dứt bi kịch của đời mình, thì lúc đó anh mới có thể có Nhung. Anh phải giải quyết ổn thoả việc gia đình, nếu cần lý do chính đáng để buộc Thuỳ Yên không thể phản kháng anh sẽ có. Gã tình nhân của Thuỳ Yên đang có mặt ở đâu đó trong thành phố này.

Vĩnh rong xe qua nhiều con đường trước khi đến nhà. Yên Hằng vô tư không biết điều gì sắp xảy ra từ sự tính toán trong đầu của ba, nó tụt xuống xe chạy ào vào nhà khi thấy  cửa mở, nắng chiều đã vút lên cao. Vĩnh dắt xe thẳng vào nhà với một chút khoan khoái như anh đã thực sự trút được khỏi vai một gánh nặng phải đeo mang nhiều năm rồi.

Thùy Yên từ cầu thang bước xuống, y phục chỉnh tề như sắp đi ra ngoài. Thấy Vĩnh cô tươi cười hỏi:

- Hai cha con đã ăn uống gì chưa?

Vĩnh khó chịu không đáp. Yên Hằng nhanh nhảu:

- Ăn ở nhà cô Nhung rồi mẹ ạ!

Vĩnh không ngăn kịp câu trả lời của Yên Hằng. Thùy Yên nhếch môi cười, giọng mỉa mai:

-Chà! Hôm nay cô giáo kiêm luôn việc nấu cơm cho phụ huynh nhỉ?

Vĩnh cau mày ngắt ngang:

-Em thôi đi, nếu biết về nhà có sẵn một bữa ăn thì cha con tôi đâu phải cơm hàng cháo chợ mãi như thế…

Thùy Yên nhún vai:

-Thì thuê người giúp việc đi, đây đâu phải con sen…

Thùy Yên dừng câu nói vì điện thoại trong xách tay của cô reo lên, cô áp tai nghe và đáp “Chờ chút nhé…”. Có vẻ cô không muốn tiếp tục câu chuyện nữa, hấp tấp dắt xe máy ra cửa:

- Em có việc đi một chút, tối về sẽ “ bàn” tiếp chuyện này.

Vĩnh giữ xe lại:

- Không đi đâu cả, tôi cần nói dứt khoát vấn đề của chúng ta ngay hôm nay.

Thùy Yên tức tối dằn tay ra:

- Vấn đề gì mà dứt khoát?

Vĩnh nói nhanh:

- Ly dị đi!

Thùy Yên quay vào ngồi xuống ghế, to tiếng:

-Thì ra con hồ ly tinh nó xui anh như vậy, nó dụ dỗ con tôi bây giờ đến quyến rũ chồng tôi. Nói cho anh biết, không đời nào tôi chấp nhận để giúp hai người toại nguyện đâu.

Dù biết Thùy Yên nói như vậy để thỏa lòng đố kỵ với Nhung một cách vô căn cứ nhưng anh vẫn cãi chính:

-Cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa làm gì có lỗi với lương tâm, cô đừng kiếm chuyện xúc phạm người khác. Cô giáo của Yên Hằng là một người đứng đắn…

-Bênh nhau quá nhỉ? Thề với anh, sáng ngày mai tôi sẽ đến trường của nó, tôi sẽ cho đồng nghiệp, học sinh ở đó biết nó đứng đắn như thế nào.

Vĩnh biết Thùy Yên dám làm việc đó, anh không ngờ sắp gây ra hoạ cho Nhung. Dự tính trên đường về đã không thực hiện được, lại chuyển sang một hướng mà anh không lường trước được, lời qua tiếng lại một lúc. Trước những  câu nói như người mất trí của Thùy Yên, Vĩnh bị tổn thương nặng nề, trong một phút không làm chủ được mình, anh thẳng tay giáng vào mặt Thùy Yên một tát, lần đầu tiên sau mười mấy năm chung sống dù không có hạnh phúc, nhưng Vĩnh chưa bao giờ hành xử thô bạo như thế nên Thùy Yên cũng bất ngờ, cô rú lên như con thú bị trúng thương, điên cuồng nhào lên xe nổ máy phóng thẳng ra đường.

Lúc đó Vĩnh mới nhớ đến Yên Hằng, anh quay vào thấy nó đang nép dưới gầm cầu thang khóc rấm rức. Ôm con vào lòng nước mắt anh cũng ứa ra:

-Tội nghiệp con tôi, tha lỗi cho ba, ba không muốn chuyện xảy ra như thế này đâu.

OoO

Tai nạn  xảy ra với Thùy Yên thật hy hữu và hiếm thấy, khi phóng xe ra khỏi nhà với một tâm trạng kích động tột độ, cô đến điểm hẹn của mình mà sự giận dữ trong lòng như bốc lửa, không chú ý gì chung quanh đến khi một chiếc xe tải chạy cùng chiều vượt lên sát bên cô, con đường hẹp một bên là triền đồi, Thùy Yên hốt hoảng loạng choạng trượt bánh, ngã nhào xuống triền dốc, xe và người cứ lăn xuống, một tảng đá to nằm yên bấy lâu bị động cũng rời vị trí lăn theo đập mạnh vào ống chân Thùy Yên trước khi tất cả cùng dừng lại ở độ sâu nhất. Khuôn mặt của Thùy Yên bị cào sướt tưởng không còn nguyên vẹn, xương ống chân bị dập nát một đoạn. Sau thời gian điều trị, cuộc phẫu thuật không thành công báo trước rằng Thùy Yên sau khi bình phục cũng sẽ khó khăn trong đi lại, còn trên mặt cô vài vết sẹo lồi lõm làm khuôn mặt đẹp như hoa của cô giờ đây có vẻ dúm dó.

Vĩnh đi về như con thoi giữa bệnh viện và công trường. Anh gởi Yên Hằng vào học ở trường nội trú. Trong suốt thời gian đó anh không một lần ghé lại nhà Nhung, nhiều lần muốn gọi điện thoại cho nàng nhưng ngẫm nghĩ lại thôi. Anh cho rằng số phận của anh và nàng đã được định đoạt. Trái tim anh như tan vỡ, mãi mãi anh sẽ không cho mình cơ hội để bày tỏ với Nhung nữa. Định mệnh đã giữ anh lại bên Thùy Yên bằng tai nạn đó, cô  đã thành người tật nguyền và những vết sẹo để lại trên khuôn mặt như thế, đối với cô sống cũng đồng nghĩa với chết.

Vĩnh không thể bỏ Thùy Yên trong lúc này, vì lương tâm con người không cho phép và vì sợ mang tiếng xấu. Vẫn biết dư luận không giúp gì cho anh, nhưng anh cũng không dám giẫm bừa lên nó mà đi. Họ sẽ nghĩ anh bỏ cô vì cô gặp nạn chứ không thể biết anh có ý định từ trước đó, anh không muốn trở thành kẻ bất nhân, bất nghĩa trong suy nghĩ của mọi người. Vĩnh đón Thùy Yên về nhà và tìm cho cô một người giúp việc. Còn anh?...

Nhận những công trình xa rồi ở lại cùng với công nhân, anh chỉ về nhà khi cần giải quyết những vấn đề thuộc về tài chính cho Thùy Yên rồi đi ngay. Thăm con gái với anh mới là việc cần thiết, anh biết Nhung vẫn thường xuyên ghé trường thăm nom Yên Hằng, anh cứ lặng đi một lúc mỗi lần nghe con gái thuật lại như thế. Nỗi đau xót trong anh cứ âm ỷ mà không thể nói ra, anh biết phải chôn giấu tận đáy lòng cho đến ngày nhắm mắt. Đôi lúc anh lẩm bẩm “Em ơi! Anh đã phụ em rồi…”

Từ buổi chiều Thùy Yên xảy ra tai nạn, cũng là buổi chiều cuối cùng Vĩnh có mặt ở nhà Nhung, anh không đến đó nữa, anh đành phải kết thúc như thế. Anh muốn Nhung tin rằng anh từng đến nhà nàng chẳng qua vì việc học của con gái, và khi việc ấy đã xong anh chẳng còn gì bận bịu dù chỉ một chút ơn nghĩa. Nhung sẽ nghĩ anh là người vô tình hay gì tuỳ theo đánh giá về sự biến mất của anh. Như thế nàng sẽ dễ dàng quên đi tất cả những gì đã có trong tâm hồn nàng…

Nhung không bao giờ biết lần nào về Vĩnh cũng chạy xe ngang qua nhà nàng, không biết để làm gì nữa, thường là buổi tối khi nhà nàng đã đóng cửa. Cũng như đêm nay, nhưng lần này anh thấy Nhung đứng ở balcon, trong ánh đèn mờ mờ nàng như một cái bóng bất động. Vĩnh dừng xe nép vào cây dương liễu già bên này đường, tha thiết nhìn trân trối vào cái bóng ấy, cho đến khi nàng rời chỗ đứng vào nhà, đèn trong phòng phụt tắt, anh mới thất thỉu lên xe về phòng trọ, đêm nay anh không tài nào ngủ được.

OoO

Nhung rời hành lang bước vội vào nhà, nàng cảm giác như có ai đang nhìn mình từ một phía nào đó. Tim nàng đập mạnh đến độ nàng phải đưa tay lên chặn ở ngực, hít thở sâu một lúc. Nhung mỉm cười tự chế giễu mình, làm gì có ai quanh đây, trong đêm khuya vắng lặng này, chỉ có sự cô đơn trong nàng đang trổi dậy. Nàng bỗng thấy ao ước lúc này có một người bạn. Không! Đừng tránh né, cứ nói thẳng ra là nàng ao ước có Vĩnh, vì có những điều nàng chỉ muốn nói với anh, nhưng anh bây giờ đang tít tấp xa vời, nàng không có quyền hờn trách anh, vì xét cho cùng tình yêu của nàng chỉ là sự đơn phương, Nhung nhủ thầm may mà Vĩnh không biết, để nàng tự nhiên với vai trò cô giáo của con gái anh không hơn, không kém.

Nàng sẽ nguôi quên, chắc chắn thế, để một ngày nào đó xa lắm nàng sẽ gặp lại anh trong sự bình thản của trái tim. Bình thản đến độ nàng có thể nói với anh “Em đã đi tìm anh trong nhiều giấc mơ, nhưng tuyệt nhiên anh đã  không có trong bất cứ giấc mơ nào của em!”…

(Đơn Dương 0h52’ Chúa Nhật 29.6.2008)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*  Nam Úc Tuần Báo (AdelaideAustralia) Số 651 Thứ Sáu 4.7.2008

Tại Em…

r308

Tại Em…

Em biết anh không hề dối gian khi buộc miệng nói yêu em

Mà chỉ vì anh tưởng…

Anh tưởng phút giao động trước em là tình yêu có thật

Anh tưởng trái tim anh có một ngăn duy nhất

Khi anh vừa gặp em

Anh không biết lời đó có thể quên

Trong tình yêu, người đầu tiên đâu phải là người cuối

Anh không biết mọi điều anh có thể quên

Để tìm về cái mới

Nên anh có lỗi gì đâu…

Những ngày ta có nhau

Cũng như lúc một mình em đơn lẻ

Chỉ tại em thôi

Tại em không biết tình yêu không êm đềm như thế

Tại em tuyệt đối tin những điều anh “tưởng” lúc ban đầu!

Nên…anh có lỗi gì đâu.

(16g Thứ Bảy 12.2.2000)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

 Lạnh trọn đêm mưa

Nhạc; Huỳnh Anh

https://youtu.be/eykvX8pVtuE?si=P2NCqJg_s1q3GbZE

Huế Xưa

r307

Huế Xưa

Em về thăm lại phố xưa

Con đường trơn ướt cơn mưa đầu mùa

Huế buồn, vì Huế tiễn đưa

Một người năm cũ vẫn chưa thấy về

Vầng trăng tỉnh giấc ngủ mê

Chiêm bao mới có ta về với nhau

Lối xưa ngan ngát hương cau

Bao giờ mới thắm lá trầu duyên ai

Huế buồn, đêm vắng trăng phai

Tiếng chuông Thiên Mụ ngân dài vẳng đưa

Em về thăm lại phố xưa

Hoàng thành lặng lẽ trong mưa đầu mùa.

(8g35 Thứ Năm 20.1.2000)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh



https://youtu.be/sy3KgMZcq60?si=DIIQA-KcEmps7heO

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Hãy Mang Mùa Xuân Theo



r306

Hãy mang mùa Xuân theo

Mai anh đi nhớ mang mùa Xuân theo

Để vui hơn khoảng trời nơi ấy

Chỉ xin chút bình yên ở lại

Chút ngọt ngào còn sót ở trong tim.

 

Mai anh đi khoảng cách sẽ dài thêm

Con dốc vắng loài hoa vàng vẫn nở

Những bước chân lạc loài trong nỗi nhớ

Tím chân trời bàng bạc một màu mây.

 

Tình yêu nào thiếu vắng một vòng tay

Và hạnh phúc một người làm sao đến

Con sông nhỏ không thể tìm ra biển

Mối tình xanh cũng vàng võ mà thôi.

 

Những chiều sương giăng mờ phía kia đồi

Những hàng cây co ro trong gió lộng

Ngoài thềm hoa úa vàng từng cánh mỏng

Em thấy đời hiu quạnh bởi vì đâu…

 

Mai anh đi thôi mình chia tay nhau

Mùa Xuân cũng theo anh về nơi ấy!

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Trẻ Dallas số 750 Thứ Năm 20.10.2013

 

Mùa xuân Của Quyên (Tùy bút)





Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Mùa xuân Ca Quyên

(Tùy bút)

Xuân nữa lại về, 17 lần đón xuân rồi sao mùa Xuân này tao thấy xa lạ và vô vị quá Quyên ạ! Thật sự thì mày đã đi xa  rồi, mày rời xa khung trời Đơn Dương bé nhỏ yêu dấu này càng làm cho mùa Xuân tao thấy cô đơn, nhạt nhẽo. Biết bao giờ còn gặp lại nhau cũng như biết bao giờ tìm lại được những kỷ niệm của bọn mình, đã xa khuất tan tác như cơn gió sầu đông. Mày nhớ không Quyên? Đêm cuối cùng sáng sớm mai mày đi, không ai nói gì, bọn mình lặng lẽ đi bên nhau, có tiếng gió thì thầm, mưa bay nhạt nhòa thế mà tao không thấy lạnh. Trong tao tràn dâng niềm xúc động nhưng tao không thể khóc, chỉ mình mày khóc. Tao biết mày buồn nhiều nhưng chắc không bằng tao, người ở lại bao giờ cũng xót xa nhiều hơn phải không Quyên? Phải không người bạn thân ái?

Tao sẽ không quên dù thời gian ngắn ngủi chúng ta sống gần bên nhau. Từ buổi họp mặt mừng Xuân năm trước, đến giờ chưa đầy một năm mày lại đi thì kỷ niệm có bao nhiêu trong bọn mình Quyên hở? Vui, buồn, hờn giận nhưng rồi quên ngay, quên để thấy rằng tình bạn của chúng mình có quá nhiều cái phức tạp trẻ con mà dễ thương biết bao.

Suốt đêm đó không ai ngủ được. Trong bốn đứa bọn mình đứa nào cũng buồn khi mày đi. Mày hát bài hát chia ly làm cho Hạ, Dung bật khóc. Riêng tao thì buồn, buồn lắm nên chẳng nói được gì với mày, để giờ nghe hối tiếc ngập tràn, để mùa Xuân này tao nghe mất mát một cái gì!

Quyên ơi! Mày còn có những tháng năm cần phải học hành, mày khó có thời gian nhàn rỗi để hồi tưởng. Còn tao, một người mà thượng đế đã không dành cho một sự may mắn nào, tao có gì để làm niềm vui…

Nhắc đến mày là tao nhớ ngay đến kỷ niệm dễ thương của bọn mình. Những đêm mày đến chuyện trò quên mất trời khuya rồi sợ không dám về. Tao và Dung phải cùng đi với mày suốt đoạn đường Nguyễn Công Trứ. Những cành khuynh diệp lao xao thì thầm trong gió đêm, tao bảo cây khuynh diệp có ma làm mày sợ phát khóc. Tao càng nhát để nhìn thấy đôi mắt mày long lanh dưới ánh trăng vằng vặc. Mày dễ khóc quá, còn tao, tao không khóc được nên nỗi niềm tao vẫn đầy.

Bây giờ mày đã đi rồi, bạn bè của tao lần lượt đi rồi, để tao làm kẻ tiễn đưa rồi âm thầm quay về. Quyên! Mày thấy không? Trong tao là cả một màu buồn tím, tao đóng khung thân phận tao vào thành phố Đơn Dương bé nhỏ này để gìn giữ những gì chúng mày ra đi và bỏ lại. Tao sẽ hát mãi bài hát “Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền, nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau ngày mai ta không còn thấy nhau…” Đó là bài hát mày đã hát làm tao cảm thấy mến và quen mày trong dịp Xuân năm ấy, rồi tao sẽ hát mỗi khi nhớ mày.

Quyên! Giờ xứ hoa Anh Đào đã nở đầy hoa, tao bâng khuâng không biết mày có nhớ đến nơi này không? Tao sẽ vui vì niềm vui của bạn bè. Mày hiểu và đừng trách tao, hôm mày đi có dặn tao đừng buồn, tao cười gật đầu nhưng trong lòng tao lại khác. Tâm tính đôi khi không dễ dàng thay đổi, hơn nữa trong tao có nhiều cuộc chia ly quá làm sao tao không buồn!

Xuân rồi! Mày có vui không Quyên?

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

(Đơn Dương. Tuyên Đức)

*Bài viết đã đăng trên “Văn Nghệ Tiền Phong, năm 1973

*****

Ngày ấy!

Một số anh SVSQ đang thụ huấn ở quân trường Đồng Đế Nha Trang đọc thấy tùy bút này trên báo VNTP, nên trong đợt công tác CTCT (Đi chiến dịch) năm ấy đã rất hăm hở khi được đến Đơn Dương, vì nghĩ ĐD là một thành phố đẹp với con đường có những hàng khuynh diệp dưới ánh trăng khuya thơ mộng. Nhưng khi đến nơi thì thấy đây là một thị trấn nhỏ với vài con đường chưa đi… đã hết (Chỉ có… 2 cây khuynh diệp trên đường Nguyễn Công Trứ) nên cuộc “truy tìm” cho được tác giả bài tùy bút này để…hỏi tội! Cô bé chưa tròn 16 tuổi đã biết “bào chữa” cho mình rằng:

- Em viết “Những CÀNH khuynh diệp lao xao…” chứ đâu có viết “Những CÂY khuynh diệp lao xao…”

- Thua không! (Thời ấy đây là câu buộc miệng khi không còn gì để bàn cãi được nữa…)

#44 năm qua rồi! Những người anh, người bạn năm xưa của tôi bây giờ ai còn, ai mất? Trôi dạt phương nào…

Thời gian đã làm vật đổi sao dời. Nhưng hôm nay tìm lại được tùy bút này khiến tôi như sống lại với những kỷ niệm thời…thơ ấu thương quá là thương và nhớ ơi là nhớ, nỗi nhớ có thể làm chảy nước mắt… (Rồi tự nghĩ “Giọng văn và suy nghĩ của mình ngày ấy sao giống như một…bà cụ non!”

Đơn Dương Thứ Ba 17.1. 2016

HTMH