Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Mùa xuân Của Quyên (Tùy bút)





Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Mùa xuân Ca Quyên

(Tùy bút)

Xuân nữa lại về, 17 lần đón xuân rồi sao mùa Xuân này tao thấy xa lạ và vô vị quá Quyên ạ! Thật sự thì mày đã đi xa  rồi, mày rời xa khung trời Đơn Dương bé nhỏ yêu dấu này càng làm cho mùa Xuân tao thấy cô đơn, nhạt nhẽo. Biết bao giờ còn gặp lại nhau cũng như biết bao giờ tìm lại được những kỷ niệm của bọn mình, đã xa khuất tan tác như cơn gió sầu đông. Mày nhớ không Quyên? Đêm cuối cùng sáng sớm mai mày đi, không ai nói gì, bọn mình lặng lẽ đi bên nhau, có tiếng gió thì thầm, mưa bay nhạt nhòa thế mà tao không thấy lạnh. Trong tao tràn dâng niềm xúc động nhưng tao không thể khóc, chỉ mình mày khóc. Tao biết mày buồn nhiều nhưng chắc không bằng tao, người ở lại bao giờ cũng xót xa nhiều hơn phải không Quyên? Phải không người bạn thân ái?

Tao sẽ không quên dù thời gian ngắn ngủi chúng ta sống gần bên nhau. Từ buổi họp mặt mừng Xuân năm trước, đến giờ chưa đầy một năm mày lại đi thì kỷ niệm có bao nhiêu trong bọn mình Quyên hở? Vui, buồn, hờn giận nhưng rồi quên ngay, quên để thấy rằng tình bạn của chúng mình có quá nhiều cái phức tạp trẻ con mà dễ thương biết bao.

Suốt đêm đó không ai ngủ được. Trong bốn đứa bọn mình đứa nào cũng buồn khi mày đi. Mày hát bài hát chia ly làm cho Hạ, Dung bật khóc. Riêng tao thì buồn, buồn lắm nên chẳng nói được gì với mày, để giờ nghe hối tiếc ngập tràn, để mùa Xuân này tao nghe mất mát một cái gì!

Quyên ơi! Mày còn có những tháng năm cần phải học hành, mày khó có thời gian nhàn rỗi để hồi tưởng. Còn tao, một người mà thượng đế đã không dành cho một sự may mắn nào, tao có gì để làm niềm vui…

Nhắc đến mày là tao nhớ ngay đến kỷ niệm dễ thương của bọn mình. Những đêm mày đến chuyện trò quên mất trời khuya rồi sợ không dám về. Tao và Dung phải cùng đi với mày suốt đoạn đường Nguyễn Công Trứ. Những cành khuynh diệp lao xao thì thầm trong gió đêm, tao bảo cây khuynh diệp có ma làm mày sợ phát khóc. Tao càng nhát để nhìn thấy đôi mắt mày long lanh dưới ánh trăng vằng vặc. Mày dễ khóc quá, còn tao, tao không khóc được nên nỗi niềm tao vẫn đầy.

Bây giờ mày đã đi rồi, bạn bè của tao lần lượt đi rồi, để tao làm kẻ tiễn đưa rồi âm thầm quay về. Quyên! Mày thấy không? Trong tao là cả một màu buồn tím, tao đóng khung thân phận tao vào thành phố Đơn Dương bé nhỏ này để gìn giữ những gì chúng mày ra đi và bỏ lại. Tao sẽ hát mãi bài hát “Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền, nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau ngày mai ta không còn thấy nhau…” Đó là bài hát mày đã hát làm tao cảm thấy mến và quen mày trong dịp Xuân năm ấy, rồi tao sẽ hát mỗi khi nhớ mày.

Quyên! Giờ xứ hoa Anh Đào đã nở đầy hoa, tao bâng khuâng không biết mày có nhớ đến nơi này không? Tao sẽ vui vì niềm vui của bạn bè. Mày hiểu và đừng trách tao, hôm mày đi có dặn tao đừng buồn, tao cười gật đầu nhưng trong lòng tao lại khác. Tâm tính đôi khi không dễ dàng thay đổi, hơn nữa trong tao có nhiều cuộc chia ly quá làm sao tao không buồn!

Xuân rồi! Mày có vui không Quyên?

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

(Đơn Dương. Tuyên Đức)

*Bài viết đã đăng trên “Văn Nghệ Tiền Phong, năm 1973

*****

Ngày ấy!

Một số anh SVSQ đang thụ huấn ở quân trường Đồng Đế Nha Trang đọc thấy tùy bút này trên báo VNTP, nên trong đợt công tác CTCT (Đi chiến dịch) năm ấy đã rất hăm hở khi được đến Đơn Dương, vì nghĩ ĐD là một thành phố đẹp với con đường có những hàng khuynh diệp dưới ánh trăng khuya thơ mộng. Nhưng khi đến nơi thì thấy đây là một thị trấn nhỏ với vài con đường chưa đi… đã hết (Chỉ có… 2 cây khuynh diệp trên đường Nguyễn Công Trứ) nên cuộc “truy tìm” cho được tác giả bài tùy bút này để…hỏi tội! Cô bé chưa tròn 16 tuổi đã biết “bào chữa” cho mình rằng:

- Em viết “Những CÀNH khuynh diệp lao xao…” chứ đâu có viết “Những CÂY khuynh diệp lao xao…”

- Thua không! (Thời ấy đây là câu buộc miệng khi không còn gì để bàn cãi được nữa…)

#44 năm qua rồi! Những người anh, người bạn năm xưa của tôi bây giờ ai còn, ai mất? Trôi dạt phương nào…

Thời gian đã làm vật đổi sao dời. Nhưng hôm nay tìm lại được tùy bút này khiến tôi như sống lại với những kỷ niệm thời…thơ ấu thương quá là thương và nhớ ơi là nhớ, nỗi nhớ có thể làm chảy nước mắt… (Rồi tự nghĩ “Giọng văn và suy nghĩ của mình ngày ấy sao giống như một…bà cụ non!”

Đơn Dương Thứ Ba 17.1. 2016

HTMH

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét