Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

NÀNG CỦA TÔI (Truyện phiếm)

 

NÀNG CỦA TÔI

Truyện phiếm của: Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Diễn đọc: Nguyễn Đình KhánhYến Uyên

https://www.youtube.com/watch?v=6Ca8DyCBC6A

https://www.youtube.com/watch?v=6Ca8DyCBC6A&feature=youtu.be

      Hôm nay tôi giới thiệu truyện phiếm “NÀNG CỦA TÔI” của Hồ Thụy Mỹ Hạnh, qua giọng đọc của NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH (Và một giọng nữ).

Tôi không ưng ý truyện này lắm (Vì truyện viết về tâm lý gia đình, mà tôi là người độc thân, phải đặt mình vào hoàn cảnh mà không có chút kinh nghiệm gì, nhưng tôi đã viết theo chủ đề yêu cầu của một tờ đặc san. Và truyện đã đăng từ năm 1989).

Ở đây tôi muốn lưu giữ lại giọng đọc hơn là truyện. Quý vị nào tuổi trên 60 sống ở miền Nam trước 1975, đều biết các chương trình truyền hình phong phú từ phim, nhạc, kịch và tin tức của “Đài truyền hình Việt Nam số 9”. Hẳn quý vị phải biết đến NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH là xướng ngôn viên của đài, anh vừa là đạo diễn, ký giả, nhà văn! Tôi thời điểm ấy mới bắt đầu tập tễnh đi vào con đường sáng tác, nên làm sao tôi dám nghĩ người có giọng đọc rất chuyên nghiệp và xa vời vợi kia sẽ chọn và chuyển tải tác phẩm của mình. Lúc đó so với vị tiền bối này muốn nhìn tôi phải ngước cổ lên!

Vậy rồi năm 2009, trong Inbox của tôi có một E-mail lạ “khanh@vnra...”, đó chính là của NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH. Anh thông báo có sử dụng truyện vui “Cái giá của tình yêu” của Hồ Thụy Mỹ Hạnh trong chương trình đọc truyện của đài Việt Nam Úc Châu (Vietnames Radio in Australia) mà anh là Giám đốc. Anh kèm theo link truyện và mời tôi vào nghe, nhưng thời ấy không thể vào các website ở nước ngoài dễ dàng như bây giờ, nên không mở nghe được. Tôi nói cho anh biết dù vậy tôi cũng rất vui và thú vị khi biết truyện của tôi được chính anh đọc. Anh muốn tôi gởi thêm những truyện có nội dung dí dỏm để giới thiệu với thính giả của đài VNRA. Và tôi gởi cho anh “Nàng của tôi” là truyện vui duy nhất mà tôi có lúc đó. Khi phát chương trình xong thì anh phải attach file gởi cho tôi nghe, vì biết tôi không nghe trực tiếp được. Anh rất nhiệt tình và chịu khó, nhờ đó mà tôi có được truyện đọc này để lưu giữ.

Hôm nay có thời gian để xem lại để loại bớt một số file trong Computer. “Nàng của tôi” khiêm nhường trong vô số files khác ngỡ bị lãng quên. Nhưng tôi là người biết trân trọng giá trị của những kỷ niệm, nên làm sao mà quên được khi người làm và gởi nó cho tôi giờ đã…lìa xa cõi tạm rồi!

Tôi thu lại chương trình mp3 này bằng điện thoại (Vì không biết làm video) với cảm giác ngậm ngùi. Chợt nghĩ ai lìa khỏi cuộc sống này không hẳn là mất, khi họ còn có chỗ đứng trong sự quý mến của người ở lại.

Đưa giọng đọc của NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH lên đây như một sự tưởng nhớ về một vị tiền bối mà tôi rất trân trọng. Để người biết anh lại nhớ anh!

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Lời "Tặng các ông chồng..." ở đầu truyện không phải do HTMH...

(Mùa thu Dran 2020)


R 6.

Truyện vui

Nàng ca tôi

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Từ ngày tôi được lên chiếc xe huê kỳ bóng loáng có dán chữ song hỷ, chung quanh kết toàn hoa đặng đến nhà nàng làm lễ ra mắt họ hàng và được người đại diện đàng trai trân trọng tuyên bố gởi rể, thì tôi đã là người có vợ!

Vợ tôi là con gái độc nhất trong gia đình. Từ bé đến lớn vốn được nuông chìu. Thi rớt đại học bèn đòi đi học nghề, lập tức được học nghề, đòi học nữ công gia chánh (vụ này chắc do có tâm hồn ăn uống) lập tức được học nữ công gia chánh. Muốn giành hết công việc trong nhà để làm một mình, thì mọi người cũng nhường ngay, tóm lại, nàng muốn gì được nấy.

Tôi còn nhớ ngày chưa cưới nhau, đến nhà chơi, thường hay nghe mẹ nàng nói:

- Con nhỏ suốt ngày làm hết việc này đến việc khác không ngơi tay. Ở tiệm may về là tất bật việc nhà, vậy mà chẳng kêu ca gì...(Bà cố ý “ quảng cáo” để “tiếp thị” cho con gái, rằng con bà giỏi đấy mà)

 Còn mẹ tôi sau khi đến thăm nhà về, liền phát biểu:

 - Trông con nhỏ dễ thương, đẹp người đẹp nết, lại biết mần ăn. Nhà họ có một đứa con gái nên không muốn xa, họ đòi bắt rể cũng được, nhà ta đông người mà, như vậy càng tốt.

Đó là lời phán quyết nên sau khi cưới tôi đành mang thân phận ở rể và những gì hai bà mẹ nhận xét về cái sự đảm đang của nàng đã làm khổ tôi.

Hồi chưa có con, nàng còn rảnh tay nên hay kiếm chuyện, cứ soi mói đến tôi, đầu tiên là  việc mặc:

- Anh mặc bộ đồ có vẻ “lên nước” rồi đấy, thay ra cho em giặt, quần áo dơ quá chà mau rách lắm. Chưa nói ăn mặc như vậy ra ngoài người ta cười vợ anh hư, không biết quan tâm, chăm sóc chồng…

Tiếp theo là việc uống:

- Anh đừng uống rượu nhiều mà hại đến sức khỏe, mới đầu thường là uống cho vui nhưng riết thành nghiện.

Xong việc uống, nàng tiếp tục xía vào việc ăn:

- Người gầy vậy mà ăn ít làm sao khoẻ nổi cơ chứ, cố ăn thêm miếng nữa mà...(Nàng dỗ dành như tôi là trẻ con không  bằng)

Rồi đến việc ngủ nàng cũng chẳng tha, tôi ghét nhất là mỗi buổi sáng khi nghe đài phát thanh “vươn thở…” còn muốn chợp mắt nướng thêm tí nữa nhưng nàng đã lay dậy:

-Dậy tập thể dục kìa anh, muốn giữ sức khoẻ thì phải siêng tập...

Thế đấy, khốn khổ cho thân ở rể của tôi. Ngại vì có bố mẹ nàng, tôi đành nhẫn nhịn mỗi khi nàng bảo thay quần áo cho nàng giặt. Không dám uống rượu mang bản mặt hồng hào về nhà. Mỗi bữa phải ăn thêm chén cơm. Phải lỡ giấc ngủ để chạy nhảy theo lệnh nàng. Rõ thật tôi thấy mình mất đi cái quyền...quyền gì nhỉ? À! Quyền tự do (Cánh đàn ông chúng ta cần nghiên kiú đặng mà rút kinh nghiệm!)

Đến khi tôi có đứa con đầu lòng, người vui mừng nhất chắc là mẹ nàng. Bà ra sức chìu cháu.Tôi lo ngại rồi đây thằng bé lại khó bảo như là...mẹ nó! Đêm tôi thường bị thức giấc vì thằng con khóc nhè, y rằng cái giọng nhỏ nhẹ của vợ tôi:

- Ờ...ờ...nín đi cho bố ngủ...ờ...ờ mẹ thương...

Thằng bé tiếp tục khóc.nàng lại:

- Mẹ thương ờ…ờ...nín cho bố ngủ…

Chán thế đấy, đến ru con nàng cũng không nghĩ ra được câu gì khác. Thì cứ bảo nín cho ai ngủ mà chả được, việc gì cứ lôi tôi ra. Nhưng phận ở rể tôi chả thèm phê bình nàng làm gì. Một hôm mẹ nàng đi vắng, thằng bé mất người bầu bạn, tôi vừa đi làm về tới nhà, nàng đã vội kêu lên:

- Kìa bố về rồi, chơi với bố để mẹ đi nấu cơm.

Tôi hỏi lại với vẻ mặt muốn…gây sự:

- Nếu anh chưa về thì em bảo nó chơi với ai?

Nàng toe ra cười:

- Thì em chứ ai...hì...hì...

 Không đợi tôi nói tiếp, nàng vội “tếch” thẳng vào bếp. Tôi cũng đang bận đấy chứ, công ty tôi đang tập diễn văn nghệ để hội diễn nhân dịp xuân về, tất cả những người có giọng ca hay đều phải tham gia vào chương trình. Từ khi có vợ tôi đã bỏ nghề, chứ hồi còn độc thân tôi không bao giờ vắng mặt trong các buổi  trình diễn, bởi vì giọng ca của tôi cũng...“tới” lắm.

Tôi lại đang có chuyện bực mình, sáng nay khi diễn tập, anh trưởng ban văn nghệ  bảo tôi rằng:

- Bài hùng ca phải hát cho hùng hồn, sôi nổi lên, sao lại rên rĩ  như vậy...

Đúng là trăm người mười ý, tôi muốn diễn tả sao cho thật là...truyền cảm vào, lại bị phê bình. Được! Tôi sẽ tập lại và mọi người rồi đây sẽ sửng sốt vì giọng ca của tôi cho mà xem. Tôi bèn lấy cây đàn đệm lên và cất giọng:

- Trường Sa là máu của ta...Hoàng Sa là thịt của ta, đất nước ta là xương là máu ông cha để lại…

Bỗng tiếng khóc ré lên của thằng con làm cắt đứt giọng oanh vàng của tôi. Liền tù tì là tiếng guốc vội vã của vợ tôi:

- Ôi sao thế con, con bị làm sao vậy?

Tôi nhanh hơn đặt cây đàn xuống, đỡ thằng bé đang ngã sóng soài ra đất:

- À...tại con không cẩn thận chứ đâu phải tại bố, đúng không nào?...

Thằng bé thấy mẹ thì chồm sang, miệng vẫn như cái loa, vợ tôi mếu:

- Nhờ anh có tí mà chẳng được, từ sáng đến giờ em vừa trông con, vừa làm việc mà có để nó ngã đâu.

Nàng xoa lấy xoa để đầu thằng bé, có một vệt lọ quẹt ngang mũi của nàng làm tôi suýt bật cười nhưng kịp dừng lại. À! Ra là nàng muốn nói rằng tôi vô tích sự đây. Nhân lúc cả nhà đi vắng, tôi phải dạy cho nàng biết thế nào là...lễ độ!

- Em nói sao? Vậy là anh sướng lắm hẳn? Em có biết là anh đã nhường nhịn em bấy lâu nay không?

- Em làm gì quá đáng mà anh phải nhường nhịn em?

Tôi hùng hổ để tỏ uy thế, vừa sửa cao giọng:

- Ồ! Chỉ nói cái việc...lấy vợ thôi là tôi đã mất quyền tự do, tôi chậm tiến. Như sáng nay ở công ty người ta đã chê giọng hát của tôi, cô còn muốn gì nữa nào?

Thằng bé vớ được bầu sữa của mẹ thì nín khóc, còn nàng thì bắt đầu nức nở:

- Văn nghệ có phải là nghề của anh đâu, hơn nữa em có cản trở gì anh. Anh cho là anh mất quyền tự do, thế còn em thì được tự do à?

Thật sự thì tôi cũng chả có gì để mà tức giận, nhưng đã bảo nhân lúc cả nhà đi vắng, tôi muốn thử ra uy nên vung tay lên như sắp tặng nàng một...quả đấm thôi sơn! Hẳn là nàng phải khiếp vía một phen.

Nhưng ánh mắt đong đầy lệ của nàng chợt sửng sốt nhìn tôi, miệng há hốc. Có vẻ kinh ngạc hơn là kinh khiếp:

- Chẳng lẽ anh định đánh em thật à? Vậy là em biết rồi, anh bắt đầu ghét em...

Nàng gục đầu vào tóc con khóc nấc lên. Tôi bàng hoàng, chuyện gì vừa xảy ra vậy? Vẻ dịu dàng của nàng làm tôi bỗng nhớ lại cái thuở tình nguyện làm người hộ tống âm thầm cho nàng mỗi chiều tan học không dám ngỏ một lời nào. Đêm về khó ngủ tôi cứ ôm đàn nghêu ngao “Em nỡ lạnh lùng đến thế sao. Tim anh đã nát tự hôm nào...” Mãi cho đến một ngày nàng nhận ra gã si tình vẫn lẽo đẽo theo sau nàng. Trái tim tôi đã xém rời nơi trú ngụ nhảy vọt ra ngoài khi ánh mắt nàng chiếu thẳng vào tôi.

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”

Một nhà thi sĩ trứ danh đã làm sẵn mấy câu thơ kia để nói hộ tôi rồi. Hôm nay vẫn ánh mắt ấy, có thêm giọt nước mắt dỗi hờn của nàng làm tôi không còn lòng dạ nào mà ra oai nữa. Năn nỉ thì hơi...mất giá! Thật lòng thì tôi thấy vợ tôi vô cùng đáng yêu. Tôi bèn đến bên nàng, nâng mặt nàng lên, định đưa tay chùi vết lọ vẫn còn trên mũi nàng, nhưng nàng dỗi, hất tay tôi ra:

- Ai biểu anh định đánh em!

- Đâu có, anh đâu có...định.

- Ai biểu anh kêu em bằng cô!

-  Đâu có , anh đâu có...kêu.

- Ai biểu anh xưng hô với em là tôi!

- Đâu có, anh đâu có...xưng.

Và bao nhiêu là câu “Ai biểu anh…” đầy hờn dỗi mà có một quyền lực ghê gớm, khiến tôi chẳng còn lòng dạ nào mà ra oai nữa, làm sao tôi có thể in dấu bàn tay thô bạo lên má nàng, mà cho dù có tìm ra được khuyết điểm của nàng đi nữa thì với sự dịu dàng, nhân hậu kia tôi  lại phải phục tùng nàng vô điều kiện.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Báo HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH Số tháng 10.1995

 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét