Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Vết Rạn (Truyện ngắn





R 24.

Đơn Phương Thạch Thảo

   VT   RN

Truyện ngắn

Cái tin Xuyến bị đánh ghen trên phố nhanh chóng  truyền về khắp cái làng nhỏ, một người hàng xóm hớt hãi chạy ra bờ sông gọi Thọ, báo cho anh biết vợ anh bị vợ của gã Phán thú y bắt quả tang khi cô đang tư tình cùng chồng mụ.

Sau phút bàng hoàng, Thọ bỏ mặc đàn vịt còn đang vẫy cánh dưới lòng sông chạy quáng quàng về nhà, dọc đường anh không dám nhìn từng đám người túm tụm bàn tán, những ánh mắt  hướng vào anh với sự thương hại . Đây là một chuyện hấp dẫn đối với cái làng từ lâu không có chuyện gì nghiêm trọng để nói.

Sự nhục nhã và tức giận hòa lẫn vào nhau làm Thọ không còn sáng suốt để chọn một hành động nào thích hợp khác là gom quần áo của Xuyến vào túi xách tức tốc mang theo lên phố, nơi xảy ra vụ việc. Chiếc xe đạp kêu rít lên vì sự hấp tấp của anh.

0o0

Trước khi đến đây lập nghiệp, Thọ và Xuyến cùng sống ở một quận lân cận. Thọ mồ côi cha mẹ, được chú thím mang về nuôi. Tuy được đối xử tử tế nhưng chú thím anh nghèo, không giúp anh tạo dựng được cuộc sống riêng bằng mọi người.

Còn Xuyến, cha mẹ bỏ nhau từ khi cô còn bé, cô theo cha, đứa em theo mẹ. Rồi cha mẹ cô đều lập gia đình mới. Họ sinh thêm những đứa con sau, cảnh con riêng, con chung là nguyên nhân phức tạp của mọi vấn đề. Xuyến như người đứng bên lề  đời của cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống của cô tù túng vì bà mẹ kế nghiệt ngã.

Khi Xuyến quen biết Thọ, tình cảm dễ dàng  nảy  sinh vì hai người có một hoàn cảnh giống nhau. Nhưng gia đình Xuyến quyết liệt phản đối với lý do Thọ không cha, không mẹ, nghèo kiết xác lấy gì nuôi vợ. Xuyến cũng hiểu đó chỉ là một cách nói chứ thật ra dù không yêu quí cô, bà mẹ kế vẫn muốn giữ cô lại vì có quá nhiều việc trong gia đình cần đến bàn tay của cô.

Mãi đến một ngày biết không lay chuyển được cha của Xuyến, hai người bàn với nhau trốn đi nơi khác.

Thương cháu, chú thím của Thọ nhờ một người họ hàng giúp anh, ban đầu là trông coi vườn cà phê, hoa màu ở một vùng nông thôn hẻo lánh.

Khi Xuyến sinh đứa con đầu lòng, Thọ đưa Xuyến về “tạ tội” với cha mẹ, vẫn sự lạnh lùng, họ không chấp nhận anh, càng không chấp nhận việc cô bỏ nhà ra đi.

Thật lòng Thọ không muốn đưa người yêu của mình vào hoàn cảnh như vậy, anh hiểu người con gái nào cũng mơ ước khoác lên mình chiếc áo cô dâu để làm đẹp với mọi người, hãnh diện vì có kẻ đưa , người rước. Vậy mà Xuyến, một cô gái xinh đẹp, đảm đang lại chấp nhận theo anh không kèn, không trống. Còn lén lút, nép trong ngõ tối cùng anh chờ một chuyến xe ngang qua mang họ ra đi .

 Cứ nghĩ đến điều này Thọ lại càng yêu quí Xuyến nhiều hơn vì sự thiệt thòi của cô. Cõi tâm tư anh luôn trăn trở, phải thoát khỏi cảnh nghèo đấy là cách đền bù cho cô và để  mai sau con gái anh không thiếu thốn, khổ cực  như tuổi thơ của cha mẹ nó.

Thế là Thọ ra sức làm việc, lao động, buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi anh trải qua cả. Công  sức của anh đã được đền bù, một căn nhà xây thay cho gian nhà lá tuềnh toàng, trong nhà có miếng ăn, miếng để. Sống với Thọ, Xuyến chẳng lo lắng gì, những khó khăn, nhọc nhằn anh giành cả cho mình, dù vậy Thọ vẫn nghĩ, xét cho cùng cô có được gì đâu ngoài tình yêu của anh.

Từ ngày có dư được chút vốn, Xuyến bắt đầu quan tâm đến hình thức bề ngoài của cô. Quần áo, tóc tai được Xuyến trau chuốt ra trò, đã có nhan sắc, cô đẹp hẳn ra. Những chiều lùa vịt từ sông về, Thọ đứng ngắm cô còn đang xăm soi trước gương, anh lộ vẻ hài lòng rằng mình đã thực hiện được điều mơ ước.

Hàng ngày công việc của Xuyến là đưa đón con đi học. Mỗi lần đi cô chở kèm một giỏ trứng vịt ra chợ bán, rồi mua những thứ cần dùng khác về, ra chợ mãi cô cũng có nhiều người quen, trong số ấy có Ánh, một  thợ may đã ly dị chồng. Họ kết thân, thường xuyên đi lại với nhau. Ánh bày vẽ cho Xuyến từ cách chưng diện, đến cách giao tiếp với bạn bè.

Nhà cách thị trấn chỉ hai ba cây số, năm giờ chiều bé Mơ tan học, thì hai, ba giờ Xuyến đã sửa soạn đi. Thọ cứ mặc kệ, có vài việc vặt trong nhà cô chưa làm, anh tranh thủ thời gian giúp cô cũng xong. Thọ thật sự quên mình, anh không nghĩ rằng chàng trai năm xưa đủ sức quyến rũ Xuyến dám từ bỏ gia đình, giờ đây trở thành một người đàn ông già trước tuổi, gầy gò, lam lũ không còn tương xứng với người đàn bà mơn mởn đang ở tuổi nồng nhiệt yêu đương. Anh cũng không nhận ra Xuyến hay tránh né không đi cùng anh ra ngoài khi có việc cần.

Lời xa tiếng gần cũng có đến tai Thọ rằng Xuyến có quan hệ đáng ngờ với Phán, người hay đến nhà anh để chích thuốc ngừa bệnh cho đàn gia súc. Thọ hoàn toàn không tin điều ấy, vì tính thật thà anh luôn nghĩ Xuyến đã trao trọn tình yêu cho anh khi anh chỉ là một kẻ trắng tay, thì lẽ nào lại phản bội anh khi tình nghĩa của hai người đã dầy, hơn nữa anh đã cho Xuyến một cuộc sống sung túc. Anh tự tin nghĩ như thế.

Nhưng giờ đây lòng tin của Thọ bị tổn thương nặng nề. Trái tim anh muốn tan vỡ, không khí quanh anh dường như đầy hơi ngạt.

Nhà của  Ánh cửa đóng im lìm, hàng xóm hai bên túa ra nhìn khi thấy Thọ xuất hiện. Anh đập mạnh cửa, khuôn mặt nhợt nhạt không trang điểm của Ánh vừa ló ra, anh ném ngay giỏ quần áo của Xuyến vào nhà:

-Bảo cô ấy cứ ở lại đây, tự do làm những gì cô ấy muốn.

Ánh hớt hãi :

-Vào nhà đã, anh hãy nghe Xuyến giải thích sự thật . . .

-Sự thật đó làm bẩn tai tôi.

Thọ đạp xe đi, lòng đau đớn nghĩ rằng tất cả thế là hết.

Những ngày sau đó Xuyến đã không về nhà, vì không dám về hoặc không muốn về, Thọ không cần biết. Chỉ thấy sự vắng mặt của Xuyến đã dồn lên vai anh thêm những khó khăn vì bao nhiêu việc từ  bé đến  lớn, nhất là chăm sóc con. Thọ cứ tự an ủi  “Đời ta có bao giờ được an nhàn, khó khăn nào ta cũng đã vượt qua được...” giờ đây trước áp lực tinh thần Thọ nhắc mình cũng phải cố.

Bé Mơ dường như cũng thấy một cái gì không bình thường trong sự vắng mặt của mẹ và vẻ mặt lầm lì, cau có của ba. Nó nhớ mẹ nhưng không dám vòi vĩnh ba gọi mẹ về với nó. Rồi nó cũng im lìm, thường ngóng ra cửa với đôi mắt ngân ngấn nước.

Có đôi lúc Thọ cũng thấy lòng dịu lại, muốn bỏ qua cho Xuyến, nhưng nghĩ đến dư luận, đến những người quen hay lân la trò chuyện với anh, họ chê trách người đàn bà hư hỏng kia, họ lên án Xuyến mạnh mẽ và xui anh đừng tỏ ra cần thiết Xuyến, thậm chí xui anh cấm cô gặp con. Nỗi giận trong lòng Thọ chưa nguôi, nên cứ nghe  thế là anh tăng thêm sự căm phẫn, như ngọn lửa bị tưới thêm dầu, nó bùng lên và trước nhất là đốt cháy tâm can anh.

Chuyện cũng đến tai chú thím Thọ. Ngày vợ chồng bà tìm cách đưa Thọ và Xuyến lên vùng quê này sinh sống, bà những tin rằng chúng hạnh phúc và bà cũng đã được nhìn thấy chúng hạnh phúc trong nghèo túng, vậy mà khi sung túc lại có chuyện đổi thay, lòng người thật khó lường.

Bà thím tức tốc đi thăm cháu. Trước mắt bà là một con người tiều tụy, sự suy sụp của tinh thần lộ cả ra nét mặt, bà ứa nước mắt vì thương cháu. Sau khi nghe hết câu chuyện của Thọ. Bà dẫn giải, Xuyến là một cô gái xinh đẹp, nhưng khi còn sống với cha, vì sự nghiệt ngã của người mẹ kế cô không được những điều kiện để bằng chúng bạn, cô phải sống an phận vì không thể làm khác hơn chứ trong cô vẫn tiềm ẩn niềm khát khao vượt ra khỏi cảnh ngộ của mình. Đến khi theo Thọ thoát khỏi gia đình, Xuyến như cánh chim được bay vào bầu trời rộng và lúc có điều kiện, cô đã không bỏ qua cơ hội chứng tỏ mình. Một phần do khi còn sống với cha, cô cũng có ảnh hưởng lối sống thiếu nề nếp, và không được sự giáo dục chu đáo, rồi do hạn hẹp về nhận thức kèm theo sự đua đòi, cô đã dễ dàng phạm lầm lỗi.

Bà thím cho rằng chính Thọ cũng có một phần trách nhiệm trong việc sa ngã của vợ, vì đã dễ dãi cho Xuyến giao thiệp với những người có lối sống buông thả, thiếu tư cách, như thế là đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho cô vướng những sai phạm. Lẽ ra  anh phải để Xuyến cùng gánh vác, chia xẻ công việc với mình,  hạnh phúc không thể chỉ một người mà tạo nên được. Vật chất mà Thọ muốn bù đắp cho Xuyến không sai, nhưng đó chỉ là một phần, còn tình yêu và sự tôn trọng mới chính là sự bù đắp đúng nghĩa nhất dành cho người vợ không được cưới xin.

Thọ trầm ngâm lắng nghe. Thật lòng anh cũng muốn đón Xuyến trở về, vì người bà ấy vẫn còn một chỗ đứng sâu rộng trong lòng anh, chưa bao giờ Thọ nghĩ mình có thể yêu ai khác. Việc Xuyến bị hành hung để lại hậu quả thế nào anh chưa rõ. Anh có xót xa, đôi lúc tự trách mình hẹp hòi , nhưng nghĩ đến điều tiếng của người chung quanh, là người đàn ông có vợ ngoại tình, đã không biết đối phó lại còn đón trở về, hẳn họ sẽ cười cho là anh ngốc nghếch, vậy là anh từ bỏ ý định. Giờ nghe những lời đầy thuyết phục của thím, bà muốn anh tha thứ cho Xuyến, anh phân vân:

- Ai cũng bảo con rằng không nên dễ dãi cho Xuyến về nhà, e sau này cô ấy sẽ coi thường…

- Người ngoài cuộc không phải lúc nào cũng cho ta những lời khuyên đúng, cần phải biết người có lời khuyên đó là ai? Khuyên như thế nào? Và cuối cùng con phải là người cân nhắc thiệt hơn để quyết định hạnh phúc của mình, có gia đình nào suốt cuộc đời không vấp phải những việc không mong muốn, chỉ có điều phải có lòng vị tha và nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt. Vết rạn của gia đình, nếu khéo léo con sẽ hàn kín nó, hơn nữa bé Mơ cần có mẹ, mà không ai có thể tốt hơn người đã sinh ra nó.

Lời của người đàn bà phúc hậu nhè nhẹ rót vào lòng Thọ, anh cảm thấy có một làn gió mát thổi đi những ngột ngạt trong tim mình, sự u ám của những ngày qua dịu lại, vẻ mặt anh tươi tỉnh hơn. Bà thím nhận thấy điều đó:

- Con có bằng lòng cho thím đi đón mẹ của bé Mơ về không?

Thọ có vẻ ngượng ngùng :

- Tuỳ thím quyết định ạ!

Bà thím thở ra nhẹ nhõm, bà đã già không thể cho cháu gì hơn ngoài một lời khuyên tốt đúng lúc và cảm thấy hôm nay mới là ngày bà làm xong trách nhiệm của người đã nuôi dạy Thọ nên người. Bà ngẫm nghĩ cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nếu lòng vị kỷ không có chỗ đứng trong suy nghĩ của con người.

       Đơn Phương Thạch Thảo

* Nam Úc Tuần Báo (South Austrailia) Số 657 Thứ Sáu 25.7.2008


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét