Thứ Hai, 9 tháng 6, 2025

Ngày ấy phải đến (Truyện ngắn 102) Đơn Phương Thạch Thảo

 


x103

Truyện ngắn

Ngày ấy phải đến

Đơn Phương Thạch Thảo

Chị Lộc đang đứng nhìn trời hiu quạnh thì thấy một chiếc xe giao hàng vừa dừng lại trước nhà cô Ánh, rồi vài người khiêng một bộ salon to vô nhà cô. Vài người hàng xóm hiếu kỳ bước lại nhìn:

- Ôi đẹp quá…sang quá!

Cô Ánh hãnh diện nói:

- Ông xã tui mừng sinh nhật cho tui đó, có hai chục triệu chớ nhiêu…

Cô Diệp là người có tánh gió chiều nào theo chiều ấy, trước mặt ai cô cũng vuốt ve, ngọt ngào:

- Bà là nhất rồi, quà này mới thiết thực nè, tặng bông hoa làm gì.

Cô Ánh nghe vậy cười:

- Bộ ghế cũ còn tốt nhưng tui thích bộ này nên ổng phải chiều tui, nếu tự ý thì ổng mua nữ trang tặng chớ bông hoa là cái thá gì…

Chị Lộc mỉm cười khi nghe cuộc đối thoại từ những người láng giềng của mình mà chị cho đó là một cách sống “ảo”,  bởi vì chị dư biết họ không giàu có, kể cả chị cũng thế, tất cả đều thu nhập ở mức trung bình. Nhưng cách sống của họ và chị rất khác nhau, chưa bao giờ chị chi tiêu cao hơn thu nhập, thứ gì thật cần thiết thì chị mới rót hầu bao. Chị biết cô Ánh dễ dàng có ngay thứ cô muốn vì ở thị trấn này có bà Thư là người chuyên cung cấp bất cứ thứ gì người đến với bà cần, bà bỏ tiền ra mua theo yêu cầu của khách, sau đó thì cho họ trả góp với lãi suất cao, một hình thức cho vay nặng lãi, nhưng người ta không nghĩ tới điều đó, mà đổ xô đến nhà bà Thư để mua góp vì cho rằng không phải bỏ tiền một lần mà có, nếu ai không có tiền trả đủ ngày, bà Thư sẽ cho vay tiền mặt để góp tiếp cho bà?! Cô Ánh là một trong những khách hàng giúp cho bà Thư mỗi ngày một giàu lên.

Chị Lộc vừa quay vào nhà thì một cô hàng xóm khác tới gõ cửa:

- Cô Ánh bán rẻ bộ ghế salon còn mới lắm. Em không đủ tiền, chị cho em mượn thêm một ít…

Chị Lộc lắc đầu:

- Tui đâu có tiền, mọi thứ đã đâu vào đó nên cũng chật vật lắm…

Biết chị Lộc không muốn cho mượn nên cô hàng xóm không vui nói:

- Chị không có tiền thì ai có! Xóm này nhiều người mắc nợ, còn chị thì có nợ ai đâu.

- Vì tui không đua đòi ai có gì thì mình phải có nấy. Với tui cái gì rẻ mà không cần thiết tui cũng không mua…

Cô hàng xóm châm biếm:

- Nhiều người có tiền mà không dám xài, chết có mang theo được đâu!

Chị Lộc thản nhiên:

- Ai thì tui không biết, chứ tui chỉ sợ sống mà túng quẫn khi cần phải vay mượn rồi không có khả năng trả, chứ đã chết thì cái thân còn bỏ, tiền của là phù du tiếc làm gì. Tui cũng không có thói quen nhìn vào túi người khác rồi cho rằng họ nhiều tiền trong khi không thấy gì!

Cô hàng xóm ra về với vẻ bất mãn. Chị Lộc không phải người chưa từng giúp người khác, bất đắc dĩ chị cũng phải cho người quen của chị mượn tiền khi họ gặp chuyện quá cần thiết như đau bệnh, nhưng sau đó thì rất khó trong việc thu hồi, có khi mất luôn bạn nếu chị đòi. Vì vậy chị kỹ lưỡng trong việc đưa tiền cho ai mượn. Chị quan niệm họ cũng thu nhập như mình hoặc có khi còn hơn, nhưng không biết tiết kiệm để phòng khi rủi ro, có việc cần lại tới mượn số tiền chị tích cóp thì thật là vô lý, lòng tốt phải đặt đúng chỗ và đó là lý do nhiều người quen không thích chị vì cho rằng chị ích kỷ. Mặc kệ, chị cứ theo kế hoạch của mình mà làm, chị không cần thể hiện “đẳng cấp” bằng sự phô trương như người khác, dĩ nhiên nhờ đó chị cũng có một số dư kha khá và điều chị thấy mình sung sướng là đêm ngủ không gặp ác mộng bị nợ dí sau lưng...

Chị Lộc cũng mong người chung quanh sống như chị, nói theo người xưa là “liệu cơm gắp mắm”. Nhưng chị không phung phí lời khuyên cho ai khi biết họ thích hưởng thụ dù có điều kiện hay không. Ai muốn du lịch, chỉ cần báo cho bà Thư một tiếng là có xe tới nhà đón đi, thậm chí quần áo đẹp và tất tần tật bà Thư cũng cung cấp đủ, khi về sẽ trả góp! Cái cảnh buổi chiều bà Thư tới những nhà mua hàng của bà để thu tiền trở thành rất quen thuộc, ai trễ hẹn thì bị bà phàn nàn la lớn tiếng. Nhưng không đáng sợ bằng những thanh niên đòi nợ thuê cho “dịch vụ” cho vay không thế chấp đã xuất hiện ở vài nhà! Họ hung dữ khi ai sai hẹn, họ vẽ sơn lên vách nhà, đổ keo vào ổ khóa khi “con nợ” lánh mặt không có ở nhà.  Cuối cùng thì nhiều chị em là tín đồ của mua sắm, xài sang mất khả năng trả nợ.

Một buổi sáng cô Diệp vào nhà chị Lộc với vẻ mặt hớn hở:

- Cô Ánh trốn đi rồi. Vừa nãy em tới nhà thấy chồng cổ tiếp tới mấy chủ nợ, có người xiết đồ đạc trong nhà. Đứa con thì nhịn đói đi học…

- Sao biết cổ trốn đi?

- Thì nợ dí mấy ngày nay rần trời chị không nghe sao?

- Việc nhà ai nấy biết, tui không để ý!

Cô Diệp chặc lưỡi tỏ vẻ thông thạo:

- Em biết trước sau gì Ánh cũng vỡ nợ. Cứ mượn tiền người này trả cho người kia, lãi mẹ đẻ lãi con chịu sao cho thấu. Ông chồng thì nhu nhược…

Chị Lộc nhíu mày:

- Dạo trước tui thấy cô khen ngợi vợ chồng họ lắm, sao giờ nói khó nghe vậy?

- Thì khen cho vui thôi, chứ em cũng biết cổ “nổ” như pháo,  giờ thì hết “chảnh”…

Với cô Diệp thì chị Lộc nghe cũng không tin hết, biết cũng không nói, vì cô ưa tỏ ra  hiểu biết hơn người nên chị Lộc thường không tranh luận dù cô nói mặt trời mọc ở phía Tây. Người tốt ít khi dẻo miệng, họ nói những lời thẳng thắn đôi khi không hợp ý người khác, còn cô Diệp thì ngược lại nên chị ngại trò chuyện vì không khéo khi cô bước ra khỏi cửa chuyện sẽ “biến dạng” khác đi. Chị Lộc không hưởng ứng câu chuyện, chị nghĩ ngày ấy phải đến với những người như cô Ánh, tuy nhiên chị không thích cách cô Diệp tỏ vẻ hả hê khi người hàng xóm của mình “lâm nạn”, chị cũng xem thường tánh ưa buôn chuyện của người đứng trước mặt mình. Thấy chị Lộc không nói gì nên cô Diệp bèn rút lui rồi hấp tấp sang nhà khác. Chị Lộc chép miệng nghĩ “Nếu không phải là hàng xóm, thì giao thiệp với người như cô ấy mình sẽ bị hạ thấp nhân cách mà thôi!”.

Những ngày le lói của cô Ánh đã qua, giờ mà cô không trốn đi thì thế nào cũng bị chủ nợ loi cho lé. Chuyện của người ta chị Lộc không muốn bình phẩm, nhưng chị nghĩ cô Ánh đã cài sai cái nút đầu tiên, muốn sửa phải mở và cài lại từ đầu, chị mong cô ấy sẽ hiểu ra điều đó.

Chị Lộc thấy mừng vì mình biết cân bằng cuộc sống! Ít ra thì cũng nắn được mình vào cái khuôn của sự mẫu mực, rồi chị nhắc mình “Phải nhìn người ta để biết kềm chế những ham muốn vượt quá khả năng, tiết kiệm bây giờ thì không bị túng quẫn ở ngày mai!”

Ooo

Chị Lộc thấy bé Diễm con của Ánh đứng trước nhà với vẻ mặt buồn xo. Từ khi xảy ra “biến cố”, chị tránh hỏi thăm má nó vì ngại con bé mặc cảm, nhưng chị thấy tội nghiệp nó, tội nghiệp cả chồng của cô Ánh vì chị biết anh ta rất hiền lành, là người hết mực sống vì gia đình, anh ta chiều vợ bất chấp đúng sai, nhưng đàn ông hiền quá cũng không hẳn là tốt, trong hoàn cảnh này, anh ta đã chịu đựng những điều ngoài ý muốn một cách tự nguyện khiến vợ quen thói ỷ lại nên thừa thắng xông lên được voi đòi... Hai Bà Trưng! Cớ sự hôm nay có một phần lỗi của anh ta. Người chồng dù giỏi kiếm tiền nhưng nên nhà, nên cửa thì không thể phủ nhận vai trò rất quan trọng của người vợ nếu biết tính toán, sắp xếp chu đáo trong ngoài, vậy nên việc ổn định trong gia đình phần lớn thuộc về vợ. Ngược lại thì sẽ như…gia đình cô Ánh! Đàn ông là cái nhà thì đàn bà phải là cái cửa, cửa lỏng lẻo thì trộm khuân hết đồ đạc thế thôi.

 Chị bước tới cạnh bé Diễm hỏi:

- Mấy bữa nay ai nấu cơm cho con ăn?

- Dạ, ba con đặt cơm trước khi đi làm.

Rồi như chờ dịp để nói ra, nó mếu:

- Má mới gọi điện thoại cho con, má nói đang ở nhờ nhà bạn, vì vậy không thể ở lâu. Con mong má về lắm, con nghe ba nói sẽ có cách giải quyết giúp má. Con ghét bà Thư, tại bả mà má con đổ nợ!

Chị Lộc choàng tay qua vai nó an ủi:

- Bà Thư không thể nhét tiền vào tay nếu má con không muốn, do má con không tính trước mới có hậu quả này nên đừng trách người ta. Còn bây giờ chuyện đã xảy ra như thế cũng là bài học để má con biết chọn cách sống khác trong tương lai. Con có cần cô giúp gì không?

Diễm lắc đầu:

- Con cám ơn cô. Ngày mai ngoại con sẽ lên đây, có ngoại thì má con sẽ can đảm trở về…

Chị Lộc gật gù:

- Vậy là tốt rồi, con cũng cố lên đừng ủ dột như thế, phải tỏ thái độ tích cực để tạo động lực tinh thần cho ba con nữa. “Sau cơn mưa trời lại sáng” con phải tin rồi sẽ ổn.

Bé Diễm cười buồn.

- Dạ con biết rồi!

Chị Lộc nháy mắt với Diễm:

- Biết rồi thì cười cho cô xem nào. Cười bằng mười thang thuốc bổ!

- Dạ ai cũng nói con có da có thịt nên con sợ… thuốc bổ lắm!

Nói vậy nhưng Diễm cũng bật cười vì thấy chị Lộc hài hước lé mắt nhìn nó. Những đám mây trắng như tuyết nổi bật trên bầu trời xanh dịu mắt. Chị Lộc chỉ tay lên đó:

- Vẻ đẹp kia được trời công bằng chia đều cho mọi người dù đứng ở bất cứ đâu trên mặt đất, nhưng người ta cứ loay hoay tìm vị trí đẹp để nhìn lên nên mới khổ, con hiểu không!?.

- Ơ… con không hiểu! Nhưng mấy ngày nay ra đường ai thấy con cũng xầm xì, con mắc cỡ lắm, sau này lớn lên con sẽ không bao giờ làm giống má con!

- Lời khen không nâng được ta lên, thì lời chê cũng không thể hạ ta xuống. Nên đừng để tâm trạng lệ thuộc vào dư luận. Con chỉ cần sống sao cho đàng hoàng là được…

Diễm nhoẻn miệng cười, nó thấy nhẹ nhỏm như trút được gánh nặng trong lòng khi tiếp xúc với chị Lộc. Nó nhớ đến câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” mà nó đã học, nên cần thiết những người tốt bao nhiêu thì cũng cần thiết tránh xa người xấu bấy nhiêu. Chỉ mấy ngày qua mà Diễm như “trưởng thành” hơn rất nhiều so với tuổi...

Nó rụt rè nói “Con rất muốn làm bạn với cô, cô có cho phép con không?”.

Đơn Phương Thạch Thảo


Anh còn nợ em

Nhạc: Anh Bằng

https://youtu.be/Ll2ZDM-pg2M?si=hAxVm1SMx6LOZS0T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét