Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Khoảng Cách Trong Tâm Hồn (Truyện ngắn)

 

R 71.

Truyện ngắn

       Khong Cách Trong Tâm Hn

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Diễm hé cửa phòng nhìn ra nơi làm việc của Văn. Anh vẫn còn ngồi trước máy tính, đầu hơi chúi vào màn hình. Hai chiếc kim của đồng hồ treo tường đã chụm vào nhau ở con số 12. Mặc kệ đêm khuya ngoài kia và khu phố đã ngủ. Nếu không kịp ngăn mình lại thì nàng đã bước ra, đến bên cạnh và ôm choàng lấy Văn, nũng nịu yêu cầu anh phải đi ngủ, không quên kèm theo những câu nhắc về sự tác hại của thức khuya như nhiều lần trước đây nàng vẫn nói “Bất cứ thứ gì trên đời này cũng không bằng sức khỏe. Đừng ham công tiếc việc mà thức quá khuya, ngủ sớm và dậy sớm tốt hơn là ngủ muộn và dậy muộn anh à…” Văn không tỏ ra khó chịu, giọng không gây gắt nhưng nàng cảm thấy còn hơn thế trong câu anh nói:

-Nhiều năm rồi anh đã quen và không sao cả. Anh tự biết lượng sức mình. Những điều em biết là tất cả đối với em thôi, nên em hãy thực hiện cho chính em hơn là buộc người khác làm theo ý mình.

Diễm thở dài rồi quay vào giường nằm, trăn trở với sự lo nghĩ. Làm sao có thể ngủ khi ngoài kia anh còn mải mê với công việc của mình. Nàng biết sau khi xong việc, Văn còn tắm khuya theo thói quen mà anh không chịu bỏ. Nàng đã từng nhắc “Nhiệt độ cơ thể buổi tối rất bất thường, tắm đêm nguy hiểm lắm…”. Anh chỉ buông một câu “Phải tắm thì anh mới ngủ được, em cản anh như vậy là hại anh chứ lo gì cho anh!”. Nàng nghẹn ngào không thốt nên lời nào nữa và nàng hiểu muốn giữ hòa khí thì nên im lặng.

Diễm nằm suy nghĩ mãi, không biết bao lâu nàng mới nghe tiếng chân anh khe khẽ đi vào. Văn tưởng nàng đã ngủ, anh đặt nhẹ lưng nằm xuống cạnh nàng. Nàng nhắm mắt giả vờ ngủ như không biết Văn luồn tay nâng nhẹ đầu nàng lên cánh tay anh, như không biết anh hôn nhẹ lên má mình rồi úp mặt vào tóc nàng trước khi anh thiếp ngủ. Đến khi nghe tiếng thở đều của anh, nàng mới bắt đầu dỗ giấc của mình. Giấc chiêm bao nào có đến, thì cũng không có gì ngoài một màu trắng như sương mù lạnh lẽo!

ooo

Văn định bước tới bàn làm việc thì Diễm kịp chận anh lại. Trên tay nàng cầm sẵn ly nước vừa pha ấm đưa trước mặt Văn:

- Gì đây?

Diễm nở nụ cười:

- Buổi sáng uống nước lọc trước để làm sạch ruột, rồi anh phải ăn một chút gì. Bữa sáng là quan trọng nhất trong các bữa ăn. “Bữa sáng ăn cho mình. Bữa trưa ăn cho bạn và bữa tối ăn cho kẻ thù…”.

Văn cau mày:

- Em nói câu này hoài không chán sao? Trước khi có em, anh đã mấy chục năm tự lo cho mình mà không sao cả…

Rồi anh cũng nhận ly nước ấm từ tay nàng uống một hơi với vẻ mặt không lấy gì làm vui:

-… Em pha giúp anh một ly cà phê.

Nàng cố thuyết phục anh:                                                        

- Dạ! Em sẽ pha cà phê sau khi anh ăn sáng. Một miếng bánh mì cũng được anh nha. Dạ dày buổi sáng trống nên cần có chút thức ăn, dịch vị tiết ra mà không có gì để tiêu hóa, lâu dần nó làm loét…

-Em lại muốn làm cả bác sĩ nữa rồi.

Diễm không mếch lòng những câu Văn nói. Nàng nghĩ nếu bắt bẽ từng lời thì chỉ tạo ra xung khắc. Chẳng phải nhiệm vụ của nàng là lo cho Văn sao, tình yêu bắt nàng phải chìu Văn như thế. Nhưng với Văn, anh hay nói nàng là người nói nhiều, là người tự cho mình hiểu biết. Nàng không muốn mình bị anh gán cho nhiều điều như thế, nàng muốn anh hiểu rằng nàng luôn mong điều tốt nhất cho anh. Hai người đến với nhau khi tuổi đời đã trễ muộn. Văn thì đã một lần dang dở hạnh phúc, còn nàng thì chưa lần bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, nên tâm hồn nàng phẳng như trang giấy mới, nên trái tim nàng chưa bị lỗi nhịp bởi đau thương. Gặp nhau rồi yêu nhau, rồi về sống với nhau. Không giao kết, không kèn không trống. Khi anh nói “Bà xã, về với anh nhé, anh cần có em…” thì nàng về với anh, vậy thôi…

Vì trước đây Diễm là chị của một bầy em, chúng được sự chăm sóc của nàng một cách chu toàn. Rồi cứ thế với tinh thần luôn biết nghĩ cho người khác, nàng ngỡ nếu mọi người được nàng chăm sóc thì sẽ ổn. Khi các em nàng trưởng thành, không còn ai cần đến nàng nữa cũng là lúc nàng trở thành một cô gái lỡ thì. Những người đàn ông đã từng có tình cảm với nàng chẳng ai đợi nàng làm xong bổn phận với bầy em.

Sống với Văn, thực tế đôi lúc làm Diễm buồn, nhưng nàng luôn tự nhắc “Mấy ai cùng một gia đình đều hoàn toàn hợp nhau, phải sửa đổi để xóa bớt khác biệt mà thôi…”. Vậy nên nàng cố không xen vào bất cứ công việc gì Văn làm, ngoài một số thứ nàng đọc từ sách vở  mà muốn Văn làm theo:

 - “Nên ăn đậu đen, hạt vừng có Magie giúp xương cứng khỏe…”. “Ăn cải bẹ, cà tím, cần tây, ngổ, nấm mèo ngừa huyết áp cao…”. “Không nên ngồi lâu, nên tập thể dục, thiếu hoạt động cũng gây ra tình trạng giảm cholesterol tốt và tăng cholestrol xấu…”. Nàng tìm kiếm những thông tin về thực phẩm nhiều dinh dưỡng và cách phòng ngừa các bệnh, rồi tuôn thủ một cách nghiêm túc. Những bất đồng thỉnh thoảng lại xảy ra từ đó, dù chưa bao giờ hai người lớn tiếng cãi nhau. Văn ít khi bày tỏ ý của mình, anh chỉ nói “Em thích gì, tùy em. Anh không can thiệp vào ý thích của em thì em cũng vậy đối với anh đi…”. Diễm nói lại “Thì anh cũng yêu cầu em thay đổi gì đi, em sẽ làm theo…”. Văn thường lắc đầu “Anh không yêu cầu em gì cả. Anh chỉ mong em nhớ một việc đơn giản anh không phải là một đứa trẻ lúc nào cũng cần dắt tay, mà dù là đứa trẻ cũng nên buông ra cho nó tự đi…”. Nhưng nàng cứ “vi phạm” vào điều Văn cho là áp đặt anh…

ooo

Mỗi ngày một chút, sự xa cách bắt đầu xuất hiện. Một hôm Văn nhẹ nhàng nói:

- Em à! Anh làm việc buổi tối giờ giấc thất thường, vào ra sợ phá giấc ngủ của em. Anh sẽ dọn sang phòng bên…

Diễm ngỡ ngàng trước “thông báo” của Văn, có vẻ nàng hiểu hết ý nghĩ của anh mà không cần anh phải giải thích gì hơn. Nàng tự hỏi “Đã đến nước này sao?”. Nhưng nàng chỉ cười nhẹ:

 - Không! Em sang đó hợp hơn, bên này toàn đồ đạc của anh đừng làm xáo trộn lên…

Nàng lập tức dọn những thứ cần thiết của mình sang phòng bên cạnh. Rồi ở đó, nhiều đêm với sự trống trải Diễm có thời gian để nhìn lại mối quan hệ của nàng với người đàn ông mà nàng đang chung sống, nhưng nàng chưa bao giờ nói với ai đó là chồng của mình, bởi lẽ Văn cũng chưa bao giờ giới thiệu với ai nàng là gì của anh, mặc ai muốn hiểu sao thì hiểu. Diễm chẳng có danh phận gì trong ngôi nhà nàng đang sống, điều gì đã khiến nàng cam chịu những “bất công” đối với mình như thế, chẳng lẽ là số phận? Nhưng Diễm luôn tự an ủi “Sẽ có lúc Văn hiểu thiện chí của mình…”. Hạnh phúc với Diễm không phải là đạt được những điều mong muốn, mà là gạt được những điều không vui ra khỏi tâm trí, cứ thế nàng bình thản với ngày tháng vụt qua đời mình...

Rồi một buổi sáng Diễm và Văn xảy ra một cuộc tranh luận, khi anh nói về sở thích của mình:

- Nếu có thời gian, anh sẽ đi câu cá, cảm giác đắm mình vào thiên nhiên rất bình yên, đó là một giải trí tao nhã. Rất thú vị khi thả câu, vừa rèn được tính nhẫn nại. Sự háo hức chờ đợi và khi thấy cần câu bị giật mạnh vì cá đã dính câu, chú cá tuyệt vọng vùng vẫy làm mình có cảm giác sung sướng của kẻ chiến thắng.

Diễm thảng thốt kêu lên:

- Anh đừng câu cá! Em hình dung móc câu vào họng cá thật là sợ…

Diễm cố diễn giải về việc loài vật bị hành hạ, dù nó phải chết nhưng nên giảm cho nó sự đau đớn. Còn Văn thì cho lập luận của nàng là đạo đức giả. Hai người không to tiếng nhưng không có một điểm chung trong câu chuyện:

- Vậy em không ăn cá nữa chứ?

- Em vẫn ăn cá mua ngoài chợ, không phải là những con cá bị em móc câu vào họng kéo lên. Bất cứ loài nào nếu phải chết, thì cho nó chết một cách nhanh chóng...

- Em cho là anh ác nên không hiểu cái đau của loài vật phải không?

- Không phải anh ác, em chỉ nhắc anh một điều mà anh không nghĩ tới.

- Em cứ sống đạo đức theo cách của em. Còn anh không thích em cứ ra lệnh cho anh đừng thế này, đừng thế khác. Em có biết nhiều lần anh muốn sang với em, hoặc muốn em sang với anh. Nhưng rồi anh đã gạt ý nghĩ đó vì thấy không còn thú vị gì khi nói chuyện với em…

Diễm sửng sốt nhìn Văn:

- Em khiến anh nhàm chán đến vậy sao?

- Em tự hiểu đi…

Diễm quay đi, giấu đôi mắt của một người bị trúng thương. Không ngờ câu chuyện vu vơ như vậy biến thành một nhát búa nện vào trái tim Diễm khiến nàng muốn quỵ ngã. Diễm bỏ ra sau một mình với những giọt nước mắt, rất muốn òa khóc vì một cảm xúc không có tên gọi. Trách sao gánh tình yêu quá nặng trên vai nàng. Một tình yêu có trách nhiệm đã làm nàng biến thành người luôn chịu đựng trước Văn.

 Có ai hiểu mình đâu mà hờn dỗi! Sau khi đè nén cảm xúc, Diễm vẫn xách giỏ đi chợ, không quên bổn phận của mình. Khi về thì Văn đã đi đâu đó, mãi đến chiều anh mới về. Mâm cơm Diễm đã chuẩn bị cho anh “Anh ăn đi, em đang có chút việc sẽ ăn sau…”. Nàng tránh nhìn anh và giọng nói không có âm thanh như reo thường ngày. Văn nghĩ thầm “Muốn chiến tranh lạnh ư? Để xem được mấy ngày…”.

Văn về phòng sớm hơn mọi ngày. Suy nghĩ lại những lời anh nói với Diễm, anh thấy mình quá đáng, dù tình cảm anh dành cho Diễm không còn sự nồng nàn vì thời gian làm tất cả trở thành quá quen thuộc chứ không vì nhàm chán, nhưng trong lúc bất đồng ý kiến với Diễm, anh lại buông ra những lời làm tổn thương nàng. Văn biết những lời đó không đúng với lòng mình, anh không hiểu sao có thể buông ra những lời không nên có như vậy, phải sang làm hòa với Diễm vì mình có lỗi. Đứng trước cửa phòng nhìn vào, không có Diễm trong phòng mà đèn nơi gian bếp còn sáng, Văn nhủ thầm “Chắc lại đang chuẩn bị cho bữa sáng đây, khuya rồi sao còn nhọc vậy hả em?”. Văn quay về phòng và chợt nảy ra ý định, ngày mai anh sẽ dậy sớm hơn Diễm và chính anh sẽ là người người làm bữa sáng. Anh sẽ đem đến cho nàng một niềm vui đầu ngày bằng sự thay đổi của anh. Và khi bình minh vừa hé, Văn đã rón rén vào bếp. Trong tủ lạnh đầy ắp những thứ có thể ăn nhiều ngày. Thịt xay sẵn, cá ướp sẵn, tất cả đựng trong các hộp và có ghi ngày tháng mới hôm qua, thậm chí rau cũng đã nhặt sẵn trong các túi. Văn lại cười thầm vì sự chu đáo của Diễm.

Khi hai tô mì và cà phê được bày ra bàn xong. Văn mới vào gõ cửa phòng Diễm:

- Em ơi! Dậy đi…

Chờ một chút không nghe tiếng động Văn mới đẩy cửa vào, nhìn chăn gối được xếp gọn gàng trên chiếc giường trống phẳng phiu. Trố mắt ngạc nhiên, anh bước vội vào cầm lên một tờ giấy gấp đôi trên gối.

“Anh yêu! Có lẽ sau này không còn cơ hội để em gọi anh như thế, gọi như vậy nghe giống như thuở ban đầu anh nhỉ? Thôi em không nhớ lại thời ấy nữa, vì nó sẽ cản trở quyết định bây giờ của em, cũng như em không gặp anh để  nói thay vì viết những dòng chữ này. Sáng mai em sẽ đi sớm mà không chào anh. Làm sao em có thể quay đi trước anh khi tận đáy lòng em vẫn thương anh, thương lắm…

Em biết lỗi của em là đã quan tâm đến anh quá mức cần thiết? Em ngỡ rằng chúng ta là một đôi tâm đồng ý hợp, hay ít ra là trước khi em vào nhà anh sống thì mình đã từng như thế. Nhưng em không biết em có nhiều khác biệt với suy nghĩ của anh, khoảng cách trong tâm hồn chúng ta quá lớn, khiến anh không còn thấy thoải mái khi trò chuyện, gần gũi với em nữa. Vậy nên em cần phải đi khỏi đây, để trả lại cho anh sự bình yên mà anh muốn…

Nhưng em sẽ không về lại nhà của em, vì nơi đó chỉ là một căn nhà trống với những ký ức nặng nề. Em sẽ đến với một nhóm thiện nguyện đang cưu mang, chăm sóc những cụ già cô đơn. Ở đó chắc chắn họ cần em, và em sẽ là người sống có ích. Em sẽ nhớ anh như nhớ một kỷ niệm phải có trong đời mình. Nếu còn một chút gì nghĩ đến em thì mong anh hãy chăm sóc mình thật tốt.

Lá thư dừng lại ở đó và không ký tên. Văn bàng hoàng, trong con người có vẻ yếu đuối, dịu dàng kia sao có thể quyết định cứng rắn như thế! Thì ra anh chưa từng hiểu hết cõi thâm sâu trong tâm hồn Diễm. Hay đúng hơn anh đã xem thường vì thừa bứa tình yêu của nàng. Nàng từng phơi bày suy nghĩ cho anh thấy, nhưng thay vì nói lời chia sẻ, anh lại lặng im. Có phải mỗi lần nàng cho đi là khuyết trong tim nàng một chút mà anh không nghĩ đến việc bù đắp lại cho nàng. Anh yêu Diễm mới muốn nàng về sống với mình! Vậy mà anh hà tiện cả những lời ngọt ngào dành cho nàng. Anh hay phản bác những điều nàng làm dù biết tất cả vì anh, anh làm như vậy để tỏ sự không thích tuân phục áp đặt của người khác. Văn không biết người đàn bà sợ nhất là người họ yêu không hiểu họ. Câu chuyện bất đồng của anh và Diễm vừa qua như một giọt nước làm tràn chiếc ly đã đầy từ lâu, chính sự gàn bướng của anh đã đẩy Diễm ra đi. Sự hối hận dâng tràn khiến Văn lặng đi hồi lâu…

Văn lập tức gọi điện thoại cho Diễm nhưng không có người nghe máy. Nhiều ngày sau đó anh vẫn kiên trì gọi, không biết bao nhiêu lần nhưng chỉ nghe thông báo không liên lạc được rồi sau đó là một hồi chuông ngân dài từ đầu dây bên kia. Diễm đã rời khỏi cuộc đời anh lặng lẽ như khi nàng đến. “Anh biết tìm em ở đâu bây giờ, Diễm ơi…”

Hồ Thụy Mỹ Hạnh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét