Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Hạ (Thơ: Hồ Thụy Mỹ Hạnh)

 

R 8.

Hạ

Tóc em buông thõng gió chiều

Hạ gieo niềm nhớ thương yêu thật đầy

tuổi còn bướm mộng vờn say

em cười trong ánh mắt ngày hội vui

mưa qua phố vắng ngậm ngùi

mưa trên dốc đá trôi xuôi về ngàn

đừng mưa cho nắng Hạ vàng

để em ngồ đó dịu dàng bên sông

em còn áo lụa trắng không

vườn xưa đã nở đoá hồng đầu tiên

chìm trong ánh mắt ưu phiền

gởi em ngày đó nỗi niềm ăn năn

Hạ về rồi đó hay chăng?

mưa trên triền dốc khô cằn hắt hiu

tóc em buông thõng gió chiều

Hạ gieo niềm nhớ, thương yêu thật đầy…

(30.7.1973)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Văn nghệ Tiền Phong số 762 / 11.9.1973

 

 


Theo Hư Không Mà Đi (Thơ) Đơn Phương Thạch Thảo

 

R3

Theo Hư Không Mà Đi

Anh chợt đến vô tình như cơn gió

Đường tình yêu em mở ngõ đi vào

Dáng kiêu hùng anh trong giấc chiêm bao

Em chợt ước tình mình sao miên viễn.

 

Em chợt thấy rất thương đời lính chiến

Hoa dù anh tung gió giữa lưng trời

Nhưng chợt buồn tình sẽ vỡ anh ơi!

Em bất hạnh trong cuộc đời thua thiệt.

 

Thượng đế dành cho em nhiều khắc nghiệt

Đừng yêu em, cô gái chẳng bằng người

Tạo bên ngoài một vẻ mặt vui tươi

Mà hồn khóc mỗi khi cười anh ạ!

 

Em trốn chạy gam mình trong xa lạ

Là chia tay dù em khổ thật nhiều

Một năm dài trong khắc khoải cô liêu

Em không xứng với tình yêu người ấy.

 

Ngỡ đã quên ngờ đâu đời đưa đẩy

Về thăm anh trong một dịp tình cờ

Em ngỡ ngàng như đang sống trong mơ

Kia trước mắt khói hương thờ nghi ngút.

 

Ôm vỡ tan, bão tố hồn ngập lụt

Muốn gào lên sao cổ bỗng nghẹn lời

Trời sáng trong mà ngỡ gió mưa rơi

Sao em khổ, đời em sao vẫn khổ…

 

Thế là hết anh nằm yên dưới mộ

Chiều nghĩa trang ai dỗ giấc anh buồn…

Đơn Phương Thạch Thảo

 

Xin anh giữ trọn tình quê

Nhạc: Duy Khánh

https://youtu.be/oTdyqakPDIs?si=ryz5UFo1n4PSl7Qt



Tình Yêu Ơi! Dừng Lại…


R 2-

Tình Yêu Ơi! Dừng Lại…

Lần cuối cùng tôi muốn nghe người nói

Dù không mang lời lẽ tận cõi lòng

Nói thật nhiều tôi đang lúc chờ mong

Sau đưa tiễn chắc sẽ không còn nữa.

 

Để mặc tôi trong nỗi buồn chan chứa

Đêm từng đêm tôi ngẩng mặt nhìn trời

Để tìm xem có một ánh sao rơi

Vì sao ấy buồn như đời tôi đó.

 

Những mộng ước mong manh như cơn gió

Cuối bến bờ còn lại chỉ riêng mình

Hãy nói đi sao người vẫn lặng thinh

Buồn chi nhỉ, khi mình không duyên nợ.

 

Tôi ôm trọn một nửa linh hồn vỡ

Làm hành trang dang dở chuyến đi dài

Tôi có gì để hy vọng ngày mai

Khi biết trước tương lai là nước mắt.

 

Trong gia đình gặp muôn điều khe khắc

Trong tình yêu tôi cúi mặt âm thầm

Trong cuộc đời tôi cô lẽ lặng câm

Trong tất cả gặp bao điều lầm lỡ

 

Người đi đi để mặc tôi dang dở

Buồn nhiều nhưng cũng đã lỡ buồn rồi!

Hồ Thụy Mỹ Hạnh



BIT ĐẾN BAO GI

Nhc: Lam Phương

H Thy M Hnh is singing

https://youtu.be/lk6aIT33APo?si=kfUMb7Pfvtcm3bpM

 

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Ký Ức (Truyện ngắn) Đơn Phương Thạch Thảo


R 70.

Đơn Phương Thạch Thảo

  c              

Truyện ngắn.

Tôi đứng nhìn người đàn ông tật nguyền di chuyển một cách nặng nhọc. Đôi nạng đỡ cho một bên chân cụt, nhưng thân thể người đàn ông  như cong xuống vì giỏ nhang lớn đeo trên lưng. Anh ta đi bán nhang! Dạo này rất nhiều người tàn tật từ địa phương khác đến đây bán nhang hoặc một thứ hàng lặt vặt gì đó. Họ chỉ ngang qua rồi tiếp tục lộ trình trong công việc mưu sinh của họ. Tôi đoán đó là những thương binh của chế độ cũ. Khi người đàn ông đến gần, như một thói quen khi gặp người hành khất, tôi cho tay vào túi lấy ra một tờ bạc chìa trước mặt người anh ta:

-Xin biếu anh!

Ánh mắt của người đàn ông nhướng lên nhìn tôi:

-Cô muốn mua nhang à?

Tôi lắc đầu:

-Không! Tôi biếu anh..

Tôi thấy người đàn ông cau mày:

-Cám ơn cô! Nếu cô không cần mua nhang của tôi, thì xin hãy cất tiền đi…

Tôi sững lại một giây sau câu vừa nghe từ người đàn ông. Rồi lại ngượng ngùng giải thích:

-Anh thông cảm, nhà tôi không thắp nhang. Tôi chỉ muốn biếu anh…

-…nhưng tôi không đi xin!

Tôi thấy bàn tay cầm tờ bạc của mình như thừa thãi, vô duyên khi bị từ chối. Tôi chỉ còn biết nói:

-Xin lỗi anh, tôi không có ý xem thường anh. Tôi chỉ muốn làm giảm bớt một chút cực nhọc của anh!

 Người đàn ông lại nhướng mắt nhìn tôi, rồi rất nhanh cúi ngay xuống. Dưới vành chiếc nón che hết phần trán, có một vết sẹo dài  trên gò má và đôi mắt thì rất đẹp trên khuôn mặt còn rất trẻ của anh ta. Không nói gì nữa, anh ta tiếp tục di chuyển bằng chiếc nạng cũ có vết gãy được buộc bằng sợi dây cao su. Tôi tần ngần nhìn theo, rồi tự trách mình quá cảm tính. Thật ra đã có vài người tàn tật cũng đi bán dạo giống như vậy và khi tôi chìa tiền ra thì họ nhận nên tôi tưởng rằng  ai cũng như nhau.

Tôi chặc lưỡi, rồi buộc miệng nói một mình “Tôi không có lỗi, tôi đâu dám coi rẻ những người như anh. Chỉ vì tôi tỏ lòng tốt của mình một cách kém tế nhị thôi. Lần sau…lần sau mình phải ý tứ hơn một chút...”.

Ooo

Tôi thường có những giấc mơ với những hình ảnh cũ lập lại nhiều lần, giấc mơ ngắn như một khúc phim bị đứt rời, ráp nối. Đó là hình ảnh hỗn loạn trên đường di tản nhiều năm trước, có lẽ nó trở thành nỗi ám ảnh vì vượt quá sức tưởng tượng mà tôi không bao giờ nghĩ có lúc mình thấy trước mắt chứ đừng nói chính bản thân hòa vào dòng người cứ đi, cứ đi mà không biết phía trước là đâu. Tôi nhớ, giữa vòng vây của những người cùng hoàn cảnh, gia đình tôi đông người nên không thể cứ nối đuôi nhau theo dòng người chạy nạn, nên phải tạm dừng lại nghe ngóng tình hình. Căn phòng gia đình tôi thuê ở tạm nằm cạnh một vườn cây, sau hè trồng một hàng cau cao vút có lẽ đã già lắm rồi, mỗi buổi sớm mai mặt trời vừa hé, tôi nằm nhắm mắt ngửi mùi hương cau nhè nhẹ, làm dịu cảm giác bất ổn trong lòng. Căn phòng cách biệt với đường quốc lộ, nhưng chiều nào tôi cũng ra đứng bên vệ đường nhìn những chiếc xe khách chở người di tản ngang qua, rồi những chiếc GMC chật đầy những người lính với nón sắt, ba lô hối hả xuôi xuống. Rầm rập trên đường không phút nào ngưng. Tôi cứ đứng nhìn trân trối với sự hoang man tột độ, vừa cầu mong gặp được người quen đang có mặt trong dòng người cũng bỏ nhà cửa, làng xóm mà đi kia, có ai thấy tôi đứng bên đường với khuôn mặt hốc hác vì lo lắng? Bạn bè ơi!

Tất cả hình ảnh người và người hớt hãi kéo nhau vào giấc ngủ chập chờn của tôi. Nhiều lần giật mình vì một tràng đạn nổ ở đâu đó vọng đến, những người thân của tôi đang nằm san sát nhau trên nền đất ẩm, cũng bật dậy nghe ngóng, rồi lại tiếp tục ngã lưng nằm xuống, co ro gối đầu trên cánh tay mệt mỏi, im lặng. Tất cả chờ đợi gì không biết…

Ngày và đêm thay phiên nhau trôi qua chậm chạp, nặng nề. Ba tôi cứ đi dò tình hình rồi trở về ngồi im lặng thở dài. Rồi một hôm ông quyết định “Trở về nhà thôi. Đã có những trận đánh ngay cả trong khu dân cư. Tên bay, đạn lạc như thế này không thể tiếp tục đi nữa…”

OOO

Sự thay đổi kéo nhiều thứ đổ theo. Bạn bè của tôi trôi dạt khắp nơi, không có tin tức, nhưng không có điều kiện tìm nhau dù vẫn nhớ. Chúng tôi phải từ giã cuộc sống mơ mộng để lao vào thực tế. Tôi biết thế nào là nợ cơm áo gạo tiền. Cuộc mưu sinh vô vàn khó khăn đè nặng trên vai mỗi người. Nhiều năm như thế, nhiều năm với những giấc mơ thoảng mùi hương cau về một vùng ký ức không hề nhạt phai đánh dấu giữa còn và mất.

Rồi cuộc sống cũng tạm ổn. Sau những năm bặt tin, thì tôi nhận được thư của Trâm Anh, cô con gái của một gia tộc quyền quý. Người bạn thân thiết cùng lớp năm xưa, cô nữ sinh giỏi văn của trường nữ trung học ngày nào, là chủ nhân của những lá thư hậu phương gởi ra tiền tuyến vào những dịp xuân về “Các anh Chiến sĩ kính mến! Dù các anh là ai, em chưa biết mặt. Nhưng khi khoác áo treillis, các anh đã trở thành người trai oai hùng sống vì một nhiệm vụ cao cả, thì em không thấy xa lạ, em biết ơn các anh! Giờ này, khi chúng em và gia đình đang trong không khí ấm cúng cùng thành phố rộn ràng đón tết. Thì em biết nơi đó, rừng sâu hay tiền đồn heo hút trên khắp bốn vùng chiến thuật, các anh đang đối mặt với hiểm nguy, chịu đựng mọi gian khổ vì sự bình yên cho hậu phương. Em cầu mong các anh được an lành, mong một ngày nào đó được đón các anh về thành phố, để nắng được reo trên màu Mũ Đỏ, Mũ Đen, Mũ Xanh, Mũ Nâu và để phố phường rộn tiếng giàu Saut…”. Cũng bắt đầu từ cánh thư hậu phương như thế, Trâm Anh đã có một mối tình vô cùng lãng mạn với một người đang thụ huấn tại quân trường, khi lá thư của Trâm Anh “lạc” vào tay một người tên Liêm.Thư đi, tin lại, còn gì hạnh phúc hơn khi mỗi tuần cô đều nhận được một lá thư có đóng dấu từ  KBC 4100. Tình yêu bắt đầu như một chuyện phải xảy ra như thế. Rồi khi Liêm ra trường, nhận nhiệm vụ ở một vùng đầm lầy xa xôi. Ba của Trâm Anh cũng là một quân nhân, nên gia đình cô ủng hộ ngay sự chọn lựa của Trâm Anh, cô còn được gia đình tạo điều kiện để đi thăm người yêu ở tiền đồn. Trước ngày chúng tôi tan tác mỗi người một hướng trên đường di tản. Trâm Anh gục vào vai tôi với tiếng nấc nghẹn ngào “Anh ấy mất tích rồi, gia đình anh ấy báo tin cho tao như thế…”.

 Còn lá thư Trâm Anh viết cho tôi hôm nay với một niềm vui chan hòa. Cô không nhắc gì về kỷ niệm với người xưa. Cô báo tin rằng cô đã lập gia đình, đã có con và vừa mới mua được nhà. Cô muốn mời tôi vào thăm gia đình cô. Tôi mừng rơi nước mắt vì cuối cùng đã có tin của người bạn mà tôi luôn nghĩ đã đến một đất nước xa lạ nào, nay đã có cuộc sống ổn định ngay chính trên quê hương.

Sau tám tiếng đồng hồ ngồi chật chội trong một chuyến xe đò, tôi tìm đến địa chỉ nhà của Trâm Anh. Căn nhà nhỏ xinh có khoảng sân rộng trồng đầy hoa trong một khu vực yên tĩnh. Tôi gặp ngay Trâm Anh có vẻ như đang chờ đón tôi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau “Mày không khác gì lắm Trâm Anh, chỉ không còn vẻ đài các, tiểu thư như ngày xưa thôi…”.

Cô kể cho tôi nghe những thăng trầm trong cuộc sống. Ba của Trâm Anh đi tù rồi…không trở về! Là chị cả cô phải bươn chải vào đời, phụ với mẹ lo cho gia đình. Cô không còn thời gian để nghĩ đến  chuyện tình yêu. Nỗi đau về mối tình đầu luôn khắc khoải trong lòng, cô sợ thời gian trống, vì lúc đó là lúc cô nhớ người xưa da diết. Cho đến một ngày trên đường xuôi ngược kiếm sống, cô tình cờ gặp…

…Người ấy với giỏ nhang đầy, từng bước nặng nhọc trên chiếc nạng. Trâm Anh vội đến vì muốn mua ủng hộ cho người tàn tật, nhưng cô thấy anh ta kéo nhanh chiếc mũ lưỡi trai sụp xuống trán, lúng túng không trả lời như không nghe cô hỏi và có ý quay đi. Một linh cảm nào đó khiến cô chặn ngang trước mặt đàn ông, một cử chỉ không hề định trước, cô đưa tay giữ chiếc nạng buộc người ấy phải dừng lại, khiến anh ta ngẩng mặt nhìn lên và không thể nhầm lẫn được, khuôn mặt ấy dù đã dãi dầu nhưng ánh mắt vẫn là ánh mắt xưa! Trâm Anh bàng hoàng gọi:

-Anh…Anh Liêm phải không?

Nước mắt tràn ra mi, không đợi người ấy trả lời, Trâm Anh nghẹn ngào:

-Vậy mà gia đình anh nói rằng anh đã mất tích. Anh giấu em vì nghĩ em là người không chấp nhận sự thật này ư? Em tầm thường thế ư? Em đã làm nên lỗi gì mà anh nỡ đối xử với em như vậy?

Tôi ngắt lời kể của Trâm Anh:

-…ai bảo những chuyện hay như thế chỉ có trong cổ tích? Tao sẽ kể lại chuyện của mày trong một bài thơ!..

-...Anh ấy vẫn khăng khăng từ chối tao. Cho đến một hôm “…Trong căn nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kề nhau than thở…”, tao thề rằng sẽ ở vậy, hoặc xuống tóc đi tu thì anh ấy mới chịu thua tao.

Họ trãi qua một thời gian khó khăn, nhưng do đồng vợ đồng chồng, họ đã tạo dựng được những gì cần thiết cho một mái ấm. Trâm Anh giờ đã có một cửa tiệm buôn bán nhỏ và Liêm phụ vợ trông coi việc buôn bán. Căn nhà nhỏ của họ luôn có tiếng cười, chỉ bằng tình yêu bạn tôi đã vượt qua tất cả. Tôi và Trâm Anh chuẩn bị xong bữa cơm chiều thì Liêm về sớm như đã hẹn. Và lần này đến lượt tôi sửng sốt. Vết sẹo dài trên má người thương binh mà tôi gặp trước đây đã lâu, như một dấu ấn in vào trí nhớ, nên tôi không thể quên được, giờ người đó đang đứng trước mặt tôi. Tôi nhủ thầm “Trái đất này thấy vậy mà không lớn lắm…”. Còn Liêm, tôi không ngờ anh cũng nhớ:

-Hình em chụp với Trâm Anh, cô ấy còn giữ khá nhiều, nên anh đã nhận ra ngay cô gái đã có một nghĩa cử đẹp với một người sa cơ thất thế…

Chúng tôi trút cạn nỗi lòng với nhau như những người tri kỷ lâu ngày gặp lại. Một đoạn đời thê lương đã qua cũng khép lại. Trâm Anh cho tôi xem bài thơ cô viết dành tặng cho Liêm:

 “Ngày xưa của anh, áo treillis đẹp một đời chinh chiến

Lần di quân qua những núi, những đèo

Anh kể em nghe đời lính lắm gian lao

Nên không dám hẹn hò, dù một câu để vui lòng em gái

Anh gởi cho em, hoa biên cương màu tím buồn hoang dại

Nở trên đường hành quân làm đẹp lối di hành

Đó là ngày xưa! Còn nhớ không anh?

Nhưng bão tố nổi lên vỡ mộng lành em kết

Anh cúi đầu bảo em.Thôi đã hết!

Tay trắng anh làm sao dựng nổi đời nhau..

Nước mắt em không xóa được niềm đau

Anh âm thầm xa em, nghìn trùng cách trở

Đêm thật dài, mùa mưa về nức nở

Em vẫn yêu người dù quá khứ xa rồi

Anh bây giờ xếp áo chinh nhân

Anh xa em mà không nghĩ một lần

Rằng cô bé ngày xưa không hề thay đổi!

…………………………………………”

Bài thơ đã lay động lòng Liêm và giờ thì lay động lòng tôi. Hạnh phúc đâu cần những gì quá cao vời, chỉ cần người ta biết nhận ra những gì thuộc về chân giá trị của cuộc sống bằng lòng cao thượng và bằng tình yêu đích thực.

Đơn Phương Thạch Thảo

                  

 

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Níu lấy ngày xưa

 

r494.

Níu ly ngày xưa

Người đi, đi mãi không về

Thời gian chưa xóa câu thề trong em

Bao mùa lá rụng bên thềm

Tóc mây đã bạc, nỗi niềm đầy hơn.

 

Trăng khuya cũng chạnh tủi hờn

Một mùa tan vỡ, một cơn chia lìa…

Mấy mươi năm đợi anh về?

Thời gian dù xóa hẹn thề ngày xưa.

        

Không hề một lần tiễn đưa

Mà sao ngăn cách, nắng mưa bao mùa!

Đưa tay níu lấy ngày xưa

Chỉ còn một thoáng hương thừa thoảng bay.

 

Rồi bao kỷ niệm rời tay

Những câu thơ với những ngày héo hon

Mùa vui cứ ngỡ như còn

Trái tim em vẫn sắc son ngày nào.

 

Tàn cơn binh lửa năm nao

Tình đôi ta cũng tan vào hư không

Thì thôi giấu kín trong lòng

Tình  như lá mục trên sông lạc loài…

 

Mưa cao nguyên thấm trên môi

Giọt nào trong mắt thương người đã xa.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh


Ngoại ô buồn

Nhạc; Anh Bằng

https://youtu.be/xAoAyn9hOug?si=qTbGy0cUJecPhpHh

 

Merry Christmas


 

Quý tộc ảo! (Truyện ngắn)

 

 

R 93.

Truyện ngắn

Quý tộc ảo!

Đơn Phương Thạch Thảo

Khu phố của thị trấn nhỏ này mỗi ngày một vắng. Cứ sau mỗi kỳ thi lại một số thanh niên lên đường vì đó là các sĩ tử, chúng lên đường ứng thí đậu, rớt gì chúng ở lại thành phố tìm cơ hội. Nên gần như chỉ còn lại những người lớn tuổi với những việc làm tự do đủ kiếm sống, hơn nửa trong số dân này là những gia đình sống nhờ vào viện trợ của thân nhân từ nước ngoài, hoặc con cái sống ở thành phố gởi về.

Buổi sáng dãy hàng bán thức ăn sáng ở đầu phố là nhộn nhịp nhất, từ xôi, bánh rẻ tiền đến cơm, cháo, phở, bún đủ cả. Số người phải đi làm việc sớm thì họ ăn xong là đi ngay, dần trưa thì còn lại số ít người rảnh rỗi ngồi lại buôn chuyện từ trong nhà ra ngoài phố. Cuộc chuyện trò của những người này rôm rả cho đến khi quán ăn dọn dẹp chấm dứt một buổi sáng phục vụ xong dạ dày của những người đến ăn.

Chị Kim Hòa là thực khách quen của hầu hết các quán ăn đầu ngõ, chị không lệ thuộc vào thời gian nên có thể la cà vài chỗ, nhưng cũng đến lúc phải ra về vì quán đóng cửa. Chị thư thả vừa đi vừa nhìn hết bên nhà này rồi ngó bên nhà kia, ai cũng quen nên thấy có người là chị xà vô tiếp tục tán gẫu. Hôm nay nắng rực rỡ chói chang, hàng cây được thể vui mừng khua xào xạc, tôi sẽ có một ngày tốt trời để làm vài việc cần thiết. Nhưng vừa bước ra cửa thì chị Kim Hòa thấy tôi, chị vui vẻ chào: “Good morning!”. Tôi chào lại: “Chào chị, đi ăn sáng giờ mới về đó hả?”. Chị không đáp, tự nhiên bước vào nhà vừa hỏi:

- Nhà sao tối hù vậy?

Tôi theo chân chị vào nhà:

- Chị đeo kính đen nên thấy tối chứ nắng sáng choang mà.

Chị gỡ chiếc kính mát ra săm soi:

- Ờ quên nhỉ? Bây giờ ra ngoài phải đeo kính để tránh tia UV, nhưng kính phải hàng hiệu mới bảo đảm, kính này tụi nhỏ mua bốn trăm đô…

Tôi không đáp vì chẳng phân biệt được giá trị những thứ đắc tiền như thế. Chị Kim Hòa tự nhiên ngồi xuống ghế, hất hàm hỏi:

- Chuẩn bị nấu món gì thế?

- Mua được ít thịt bò bồi dưỡng cho cha con nó, dạo này vật giá leo thang quá nhưng thỉnh thoảng cũng phải…

- Thịt bò Kobe hả?

Tôi lắc đầu:

- Từ hồi nghe tên loại bò đó, tui còn chưa biết nó ra sao, nhưng nghe mắc tiền lắm nhà tui làm gì có tiêu chuẩn.

Chị Kim Hòa có vẻ không quan tâm đến tôi nói gì, chị thản nhiên:

- Tụi nhỏ không cho tui mua hàng không có nguồn gốc. Tụi nó mua toàn đồ ở các cửa hàng có thương hiệu nước ngoài…

Rồi tiếp theo chị khoe đủ thứ mà bản thân chị được hưởng, chị kể cách tiêu tiền qua những tên sản phẩm toàn giá cả trên trời mà tôi nghe như vịt nghe sấm! Khoe xong phần của mình, chị khoe tiếp phần của thông gia, có những thứ chị từng nói qua không biết bao nhiêu lần trước đây rồi, chị cứ thao thao bất tuyệt mà không nghĩ đã lấy rất nhiều thời gian của tôi. Ngoài tính ưa khoe khoang chị Kim Hòa còn không thích ai nói ngược lại ý mình, sợ gây ra hiềm khích nên tôi thường im lặng, cứ mặc chị muốn nói gì thì nói. Chị tỏ ra mình hơn người khác, nhưng tôi cho rằng chị thiếu tự tin vì luôn sợ có ai đó nghĩ chị không giàu thật.

Người ta giàu đến bao nhiêu cũng là của họ, tôi không quan tâm nhưng vì lịch sự buộc tôi phải nghe một cách…thành khẩn! Với tôi tiền của vật chất chỉ làm cho người ta sang trọng lên, còn tư cách và giá trị của con người phải được hình thành từ cách sống, ở chị Kim Hòa tôi thấy chị chỉ sang trọng, còn giá trị thì tiền của chị không làm được điều đó cho chị.

Trước kia gia đình của chị Kim Hòa không giàu như bây giờ, thậm chí kém hơn một số nhà trong dãy phố này. Chị có đứa con gái xinh đẹp, học không giỏi nên thi không đậu trường nào, vậy nhưng nó ở lại thành phố để “lập nghiệp”. Đẹp  và khéo léo trong giao tiếp nên nó đạt được mục tiêu nhắm tới. Con gái chị lọt vào một gia đình có chức quyền và giàu có, “Chuột sa hũ nếp” vì may mắn chọn được người hôn phối con nhà giàu. Lấy được người giàu, dù sao đó cũng là việc…kiếm tiền một cách lương thiện nên chẳng có lý do gì để người khác phê phán, người quen đều mừng cho gia đình chị. Con của chị tu sửa lại nhà khang trang, chu cấp cho cha mẹ đầy đủ, chị nói tiền của con chị ngồi không ăn cũng không hết. Từ khi đã vượt lên hàng giàu có, chị thể hiện cách sống như dòng dõi quý tộc. Việc thay đổi đó công lớn phải nói thuộc về con gái của chị, còn hơn trúng số độc đắc giúp chị đổi đời. Chị cũng hay mời gọi người đến nhà chị chơi, để chị cho xem từ cái áo đến đôi giày, khi mời khách ăn gì nàng thường nói giá:

 - Ăn cho biết nè, Cherry loại này gần năm trăm ngàn một ký chứ không phải rẻ đâu.

Cũng có khi chị khoe lố nên cứ sai so với lúc ban đầu, mấy căn biệt thự của con chị mua hồi nào đó cứ bị dời địa điểm vì chị quên trước đó nói nó tọa lạc ở đường này, khi nói lại thì nhầm qua đường khác. Nên ở đời mới có câu khuyên : “Nói dối thì phải nhớ vì để lâu nhắc lại dễ nhầm so với lúc ban đầu”. Ở trong một ngôi nhà đẹp, cũng hãy nhớ rằng người sống trong đó chưa chắc đẹp. Chị giàu là thật chỉ có điều chị phô trương và thổi phồng lên quá nên người nghe không thích, chị Kim Hòa không biết những gì người khác nghĩ về chị. Tuy nhiên cuộc sống của chị là mơ ước của một số người.

OOO

Sau bao năm dãy hàng quán đầu phố vẫn thế, nhưng bỗng dạo này vắng chị Kim Hòa la cà để giết thời gian. Bởi vì chị là “người của công chúng” nên có gì thay đổi là người ta chú ý ngay. Mọi khi con gái chị về thăm nhà có xe riêng đưa đón, rồi tiệc tùng, mẹ con tha hồ phô bày đủ những thứ mà giai cấp bình dân mơ ước. Con gái của chị nổi trội về nhan sắc, người cô toát ra sự kiêu kỳ, lại kèm theo nhà chồng quyền thế to, người chung quanh không thể tiếc kiệm lời khen khiến cô thấy hài lòng. Vậy mà lần này cô về âm thầm lặng lẽ, không nổi đình nổi đám như trước nữa. Láng giềng dễ gì không tìm hiểu, thì ra cả đám “danh gia vọng tộc” có thế lực, thường được chị Kim Hòa ca ngợi lên tận mây xanh đã bị xộ khám vì việc làm ăn bất chính bị vỡ lỡ, tiền của một phút biến mất còn bị điều tra, báo chí cũng đưa tin về họ.

 Đối với loài chuột miếng ngon thường nằm trên bẫy, câu “Chuột sa hũ nếp” chưa hẳn đã tốt, khi con chuột lọt vào hũ nếp rồi cứ vắt cẳng ăn cho hết, khi cạn hũ thì nó mắc kẹt dưới đáy không thể nào thoát ra, sau đó điều gì phải đến với con chuột kia thì ai cũng biết! Kẻ nào coi trọng vật chất bề ngoài thì kẻ đó vì hư danh hơn là những giá trị thật từ cuộc sống. Kẻ nào coi trọng đồng tiền chắc chắn sẽ bị đồng tiền sai khiến. Giàu không sao cả, nhưng giàu không do tài lực của bản thân mà từ những việc không chính đáng, dựa vào uy quyền chiếm của người khác làm của mình thì có ngày phải trả giá. Tâm lý trong xã hội cũng thay đổi theo từng thời kỳ, không còn cách nghĩ rằng người đẹp, sang giàu thì không phạm tội, mà tội phạm nằm trong số này thời nay không ít.

Con gái của chị Kim Hòa về lại nhà, phận của loài chùm gởi phải bị ảnh hưởng vì thân cây nó bám vào đã rã mục. Cô ở biệt trong nhà, tránh ra ngoài thì đỡ nhận lấy những tia nhìn thiếu thiện cảm và bàn tán của nhiều người chung quanh, cô có bị tổn thương hay không thì chỉ cô và gia đình cô biết. Dư luận không buông tha cũng dễ hiểu, nếu người ta biết sợ thì họ không làm việc đáng chê trách để cho dư luận có cớ để nói.  

Còn chị Kim Hòa, chính vì không có ai tâm giao góp ý nên chị mới trượt dài, nếu trước đây chị có người bạn chân tình sửa sai và chị biết mình ở đoạn nào trên con đường tiến lên…hàng quý tộc, thì nay đứng trên cao té nhào xuống chị ít đau hơn. Người giả dối thì đừng mong có một người bạn chân thành. Con người không nên sống ảo, vật chất là thứ có thể thay đổi chỉ có sự lương thiện và lòng tử tế là trường cửu trong sự tôn trọng của mọi người.

Đơn Phương Thạch Thảo



 Một người đi

Nhạc: Mai Châu

https://youtu.be/Tkepjheb0tU?si=l9x5voCO81a82BFl